36.com.vn

Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm

Những lễ hội Thanh Hóa không chỉ thể hiện được nét văn hóa của con người nơi đây mà còn cho thấy truyền thống lịch sử hào hùng được lưu giữ tại địa phương này. Cùng điểm lại các lễ hội Thanh Hóa trong năm đầy đủ nhất.

Lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm.

Thanh Hóa từ lâu đã được biết đến với truyền thống văn hóa độc đáo, kèm theo đó là bề dày lịch sử hào hùng. Những lễ hội Thanh Hóa đặc sắc đều cho thấy nét đẹp văn hóa và lịch sử đã gắn liền với vùng đất này. Đây cũng là dịp mà người dân địa phương thể hiện lòng biết ơn đối với bậc cha anh đã ngã xuống vì quê hương, đồng thời lưu giữ truyền thống từ bao đời nay.

Lễ hội Pồôn Pôông

- Điểm tổ chức: Các bản vùng cao huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước

- Thời gian diễn ra: Các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng 3 và rằm tháng 7.

Lễ hội Pôôn Pôông của người Mường tại Thanh Hóa (Ảnh: Báo Mới)

Lễ hội Pồôn Pôông được hình thành từ điều kiện sinh hoạt và cư trú của người Mường tại Thanh Hóa. Tương truyền rằng, ngày xưa, nếu như những người trong bản bị ốm đau, thì những người hái thuốc cỏ sẽ giúp chữa bệnh, vì vậy, người dân trong làng rất tôn sùng những người hái thuốc.

Hằng năm, người dân Mường trên địa bàn thường góp các lễ, hoa quả, cồng chiêng… họ tổ chức lễ hội Thanh Hóa Pồôn Pôông nhằm tạ ơn vua trời đã giúp cho dân chúng biết lao động, giúp cho các lương y có thể chữa bệnh cho nhân dân.

Điểm độc đáo nhất của lễ hội Thanh Hóa này đó chính là cây bông đủ màu sắc được người Mường làm nên từ các chùm hoa gỗ, nông cụ sản xuất... Hình ảnh này tượng trưng cho vũ trụ bao la. Tham gia lễ hội Thanh Hóa này, du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn đậm hương vị núi rừng, nhâm nhi rượu cần hay vui chơi cùng với các chàng trai, cô gái vùng cao trong điệu múa xường độc đáo.

Lễ hội Phủ Na

- Điểm tổ chức: Xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa.

- Thời gian tổ chức: Từ ngày 1 - 16/2 và 1 - 6/8 Âm lịch

Không khí lễ hội Phủ Na dịp đầu xuân (Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường)

Lễ hội Phủ Na được tổ chức tại huyện Như Thanh, lễ hội này được tổ chức để người dân, du khách thập phương có thể dâng hương tưởng nhớ đến những người có công, cầu cho mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh… Tham gia lễ hội, du khách được biết thêm về các hoạt động lễ tế, các trò chơi dân gian. Lễ hội Phủ Na được xem là một trong những lễ hội Thanh Hóa thể hiện rõ nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương nơi đây.

Lễ hội Đền Nưa

- Điểm tổ chức: Xã Tân Ninh, Huyện Triệu Sơn, Tỉnh Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: Từ ngày 18 - 20/1 hàng năm

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên năm 2023. (Ảnh: Sưu tầm)

Xã Tân Ninh nơi tổ chức lễ hội đền Nưa vốn dĩ được hình thành với cái tên là Kẻ Nứa. Tên gọi này xuất phát từ ngọn núi lân cận có tên là dãy núi Nưa. Vì đất đai tại ngọn núi này vô cùng tươi tốt, chính vì vậy người dân quen gọi với cái tên là núi Nứa.

Lễ hội đền Nưa được tổ chức để người dân địa phương thực hiện một số những phong tục Thanh Hóa như dâng mâm sơn trang để tế lễ, dâng hương ghi nhớ công ơn của các vị tướng, vị vua…

Đến với lễ hội Thanh Hóa dịp này, du khách sẽ được tham quan di tích An Tiêm với hoạt động khai hội vô cùng thích thú. Bên cạnh đó, tại đền thờ Trần Khát Chân, họa động của lễ hội cũng được khai mạc trọng thể và trang nghiêm.

Lễ hội đền Nưa cũng là một trong những lễ hội Thanh Hóa được tổ chức khá hoành tráng với phần lễ và phần hội. Du khách có thể tham gia một số hoạt động như: trò chơi cờ người, đua thuyền, hát ví, đá bóng, cầu lông,…

Lễ hội Đền Sòng

- Điểm tổ chức: Phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Tỉnh Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: Từ ngày 10 - 26/2 Âm lịch

Lễ hội đền Sòng được tổ chức hoành tráng với phần lễ và phần hội (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Đền Sòng là một trong những sự kiện văn hóa có quy mô lớn và hoành tráng nhất tỉnh Thanh Hóa với phần lễ và phần hội.

Phần lễ chính là hoạt động rước Thánh Mẫu từ Đền Sòng Sơn đến đền Chính Giếng và thực hiện nghi thức tế nữ quán. Vật lễ được người dân chuẩn bị bao gồm rất nhiều đồ ăn thức uống như: Hoa quả. Bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt… Điều đặc biệt ở lễ hội đền Sòng đó chính là hoạt động cúng lễ do phụ nữ đảm nhiệm, hay còn được gọi là bà Đồng.

Nếu có dịp ghé thăm Thanh Hóa vào thời điểm tổ chức lễ hội đền Sòng, du khách cũng có thể tham gia vào các trò chơi độc đáo trong phần hội như: Võ công, đánh đô vật, thi hát đối chầu văn…

Lễ hội Cửa Đạt

- Điểm tổ chức: Đền Cửa Đạt, Xã Vạn Xuân, Huyện Thường Xuân, Tỉnh Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: Vào mùa xuân, thường từ ngày 5/1 đến đầu tháng 2

Lễ hội Cửa Đạt cũng là dịp để người dân dâng hương đầu năm, cầu cho gia đình bình an, sung túc. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Cửa Đạt được tổ chức để tưởng nhớ đến người đã giương cao ngọn cờ khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương lịch sử, đó là Cầm Bá Thước. Đây cũng là dịp để mọi người ôn lại lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Du khách có thể tham quan các hoạt động, khám phá nét văn hóa sinh họa của bà con tại đây. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian như múa sạp, hát giao duyên, tung còn… cũng được tổ chức nhằm kết nối mọi người đến gần nhau hơn.

Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước

- Điểm tổ chức: Đền Độc Cước, TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa.

- Thời gian diễn ra: 16/01 âm lịch hằng năm.

Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước năm 2023. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước là một trong những lễ hội Thanh Hóa được tổ chức tại Sầm Sơn nhằm mở đầu cho hoạt động du lịch tại địa phương này. Đây cũng chính là một trong những lễ hội với đa dạng các phong tục như cầu Thánh – Thần – Trời. Lễ hội được thực hiện nhằm cầu nguyện cho quốc thái dân an, người dân gặp nhiều thuận tiện, may mắn trong lao động, sản xuất.

Trải nghiệm tham gia lễ hội cầu phúc đền Độc Cước, du khách có thể hiểu thêm về rất nhiều phong tục Thanh Hóa độc đáo như các nghi lễ rước kiệu, lễ cầu phúc, lễ tế tôn ti… Ngoài ra, các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi tại phần hội cũng sẽ giúp cho bạn tràn đầy năng lượng khi đến với mảnh đất này.

Lễ hội Bà Triệu

- Điểm tổ chức: Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

- Thời gian diễn ra: Ngày 20 - 23/02 hằng năm.

Lễ hội Bà Triệu. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hằng năm để người dân địa phương cũng như du khách có dịp để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh. Đây cũng là một trong những lễ hội Thanh Hóa có quy mô tổ chức rộng lớn nhất, cụ thể được tổ chức theo quy trình đền, lăng, đình.

Những lễ nghi tế tại lễ hội Bà Triệu được tổ chức một cách trang trọng tại các đền và đình làng. Điểm khác biệt của lễ hội này so với các lễ hội khác đó chính là phần hội thường không có trò chơi dân gian, thay vào đó là Hội trận giúp khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô trong lịch sử.

Lễ hội rước thần cá

- Điểm tổ chức: Bản Lương Ngọc, Xã Cẩm Lương, Huyện Cẩm Thủy, Tỉnh Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: Ngày 8/1 hằng năm

Lễ hội rước Thần Cá xuất phát từ nét đẹp văn hóa - lao động của người dân tộc Mường tại bản Lương Ngọc. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội rước thần cá là một trong những lễ hội người Mường được tổ chức tại bản Lương Ngọc – nơi có suối cá thần Cẩm Lương chảy qua. Đây cũng là một trong những lễ hội Thanh Hóa đã có từ rất lâu đời, đến nay vẫn được người dân lưu giữ một cách trọn vẹn.

Người dân địa phương tổ chức lễ hội này với đầy đủ các nghi thức trang trọng, họ cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, nhân dân khỏe mạnh, mùa màng thuận lợi. Bắt đầu cho nghi thức lễ hội, họ rước thần cá từ suối Ngọc sau đó đưa về sân vận động của bản để làm lễ và đưa lên đền thờ để cúng tế.

Tại lễ hội rước thần cá, du khách có thể cùng người dân địa phương tại đây tham gia một số những trò chơi dân gian như: Ném còn, chơi đu, đẩy gậy hay các hoạt động thể thao như bóng chuyền, cầu lông.

Lễ hội Xuân Phả

- Điểm tổ chức: Xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

- Thời gian diễn ra: Đầu tháng 2 âm lịch.

Lễ hội Xuân Phả. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Xuân Phả là một trong những lễ hội Thanh Hóa có quy mô khá lớn. Các hoạt động chính của lễ hội bao gồm: rước thánh thể, rước văn, rước sắc… Những ngày đầu năm, từ khắp nẻo đường của xã đã rộn ràng cờ hoa, mọi người đều khác lại công việc, lựa chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất để tham gia lễ hội.

Các làng sẽ chuẩn bị kiệu, cổ và tổ chức rước trong ngày hội, trở thành một hoạt động mang đậm nét văn hóa sinh hoạt của bà con nơi đây. Du khách có dịp tham gia Lễ hội Xuân Phả đừng quên chiêm ngưỡng hoạt động múa trò Xuân Phả. Hoạt động này có 5 điệu múa dân gian đặc sắc mô phỏng các bộ tộc và nước lân bang... Đây cũng là hoạt động được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội Mường Xia

- Điểm tổ chức: Bản dân tộc Thái, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

- Thời gian diễn ra: 10/2 âm lịch hằng năm.

Lễ hội Mường Xia thể hiện nét văn hóa sinh hoạt động đáo của bà con dân tộc Thái (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)

Lễ hội Mường Xia được tổ chức chính bởi người Thái huyện Quan Sơn, họ thực hiện lễ hội với nhiều tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi gợi tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người dân địa phương.

Lễ hội Mường Xia cũng là dịp để người dân tưởng nhớ đến vị anh hùng tướng quân Tư Mã Hai Đào – đây là người có công to lớn trong việc tiến quân lên vùng biên viễn, diệt trừ quân xâm lược. Lễ hội này có tới 5 điểm cúng với nhiều hoạt động rước kiệu, lễ bái, chính vì vậy du khách đến đây có thể thoải mái trải nghiệm văn hóa sinh hoạt của bà con địa phương.

Lễ hội Cầu Ngư

- Điểm tổ chức: Xã biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: 22 - 24/2 Âm lịch

Hoạt động rước thuyền Long Châu tại Lễ hội Cầu ngư ở xã Ngư Lộc (Ảnh: Sưu tầm).

Lễ hội cầu ngư ở vùng Diêm Phố xưa và Ngư Lộc nay xuất hiện từ thời Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã, đồng thời, cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Thanh. Từ năm 2005, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đã chính thức xếp lễ hội cầu ngư Ngư Lộc là lễ hội văn hóa phi vật thể.

Mở đầu lễ hội là màn rước kiệu, rước thuyền long châu (lễ vật quan trọng nhất của lễ hội) dọc theo bờ biển được bà con ngư dân tổ chức trang trọng, đúng với lễ tục truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển xứ Thanh.

Ngoài phần lễ với các nghi thức như: rước, tế, đọc chúc văn, biểu diễn trống hội, dâng hương, phần hội của lễ hội cầu ngư năm nay diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc như: thi câu mực, đan lưới, hò đối, đánh cờ, hát chầu văn, biểu diễn nhạc lưu thủy…

Lễ hội Lê Hoàn

- Điểm tổ chức: Thôn Trung Lập, Xã Xuân Lập, Huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: Ngày 7 - 9/3 Âm lịch

Lễ hội Lê Hoàn. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Lê Hoàn nhằm tưởng nhớ đến vua Lê Đại Hành – người đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân xâm lược Tống. Bên cạnh đó, đây cũng là hoạt động để người dân địa phương khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, dâng hương tưởng niệm đến các vị anh hùng dân tộc.

Du khách đến với Lễ hội Lê Hoàn có thể chiêm ngưỡng màn nghệ thuật sân khấu với nhiều tài năng, ngoài ra, tại đây, các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội.

Lễ hội Mai An Tiêm

- Điểm tổ chức: Huyện Nga Sơn, Tỉnh Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: Ngày 12 - 14/3 Âm lịch hằng năm

Lễ hội Mai An Tiêm. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức ngay tại khu đền thờ thuộc địa bàn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa với mục đích tưởng nhớ bậc tiền nhân đã có công khai phá, mở mang bờ cõi và mang đến nghề canh nông cho dân trong vùng.

Sự kiện văn hóa này gồm 2 phần chính là lễ và hội. Trong phần lễ, ban quản lý đền thờ và các bậc trưởng lão sẽ đứng ra tổ chức các hoạt động rước kiệu, dâng hương, tế lễ… Phần hội sẽ là khoảng thời gian mà bạn có thể chìm đắm vào những vở kịch được sân khấu hóa chuyên nghiệp tái hiện sự tích Mai An Tiêm.

Lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy

- Điểm tổ chức: TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa

- Thời gian diễn ra: Ngày 12/5 Âm lịch

Lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy Sầm Sơn 2023. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy là lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn riêng về văn hóa tâm linh của Sầm Sơn. Theo truyền thống đây là Kỳ tế Đảo Vũ, kỳ Đại tế này đã trở thành lễ hội lớn trong năm của cả vùng Sầm Sơn, lễ vật chủ yếu là bánh chưng, bánh giầy, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng; cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy thuyền; cầu cho mùa du lịch bội thu và tốt đẹp.

Khởi đầu lễ hội truyền thống là nghi thức rước kiệu đón thần, thành hoàng từ đền thờ, đình làng ở các xã, phường tề tựu về khu vực đền Độc Cước tế lễ.

Hoạt động đặc sắc, hấp dẫn thu hút sự quan tâm, cổ vũ của động đảo Nhân dân và du khách chính là phần thi làm bánh giầy giữa các phường, xã trên địa bàn. Tất cả các công đoạn làm nên chiếc bánh giầy truyền thống được các đội thi tái diễn chi tiết, sinh động, thể hiện sự khéo léo, bản lĩnh, sức mạnh và tinh thần đoàn kết của người dân Sầm Sơn trong đời sống lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.

Lễ hội đền Hàn Sơn

- Điểm tổ chức: xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

- Thời gian diễn ra: Tháng 6 Âm lịch hằng năm.

Lễ hội đền Hàn Sơn. (Ảnh: Sưu tầm)

Đền Hànđền cô Ba Bông Thanh Hóa là hai ngôi đền cổ tại xã Hà Sơn được bà con địa phương, du khách muôn nơi đến chiêm bái nhằm cầu nguyện bình an, phước lành, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội đền Hàn được tổ chức tháng 6 âm lịch, nhưng ngày chính hội là ngày 12 tháng 6. Trong ngày này, nhân dân địa phương sẽ tổ chức hoạt động rước kiệu – hoạt động này hết sức náo nhiệt, người dân muôn nơi đổ về tham gia lễ hội. Đây cũng là một trong những lễ hội Thanh Hóa đón hàng trăm lượt du khách chiêm bái hằng năm.

Lễ hội Lam Kinh

- Điểm tổ chức: Khu vực Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

- Thời gian diễn ra: Ngày 22 tháng 8 Âm lịch hằng năm (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ)

Lễ hội Lam Kinh. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Lam Kinh được duy trì ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà và được an táng tại đất Lam Sơn. Lễ hội Thanh Hóa này được tổ chức hằng năm với quy mô hoành tráng, mang đậm dấu ấn của các nghi thức cổ truyền. Cụ thể, lễ hội Lam Kinh tái hiện nhiều hoạt động như: màn trống hội, cờ hội, rước kiệu, lễ tế…

Trong phần hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hoạt động nghệ thuật độc đáo như: Hội thề Lũng Nhai, giải phóng Đông Quan, phát huy hào khí Lam Sơn,….

Các lễ hội Thanh Hóa luôn mang đậm nét văn hóa sinh hoạt của người dân và ý nghĩa lịch sử truyền thống của từng địa phương. Còn chần chừ gì mà không bỏ túi thông tin của các lễ hội Thanh Hóa nổi tiếng này vào Cẩm nang du lịch cá nhân để tự mình khám phá ngay khi có dịp du lịch Thanh Hóa bạn ơi!

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.