Di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt.
>>> [BỎ TÚI NGAY]: Bản đồ du lịch Thanh Hóa Mới Nhất
Đến với Di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt, ngoài việc được trải nghiệm không gian văn hóa tâm linh đặc sắc, bạn còn cơ cơ hội tham quan, khám phá nhiều di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong đó có thể kể đến Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, danh thắng Kim Sơn, động Hồ Công, di tích Lam Kinh…, Tất cả sẽ tạo không gian văn hóa – lịch sử hấp dẫn khiến bạn không thể nào quên.
Di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt ở đâu?
Di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt nằm trên địa phận làng Sáo Sơn – Biện Thượng nay (thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Vùng đất Biện Thượng (Bồng Thượng) bên bờ sông Mã từ xa xưa vẫn được biết đến là nơi đất tốt, cụ tổ 4 đời của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm đã chọn làm nhà, lập nghiệp.
Phủ Trịnh, là hành dinh của Trịnh Kiểm, gồm từ phủ là nơi chúa làm việc, tiếp khách, nội phủ, là nơi ở của chúa, khu làm việc của các cơ quan, khu thờ cúng, khu vườn hồ thưởng ngoạn và diễn trò vui. Về sau, phủ Trịnh bị huỷ hoại, chỉ còn lại dãy nhà bếp, có các bài vị, câu đối, các minh khí, các con giống bằng gỗ ...
Nghè Vẹt Vĩnh Lộc. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> [KHÁM PHÁ NGAY]: 05 ngôi chùa cổ tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa
Nghè Vẹt, cách Phủ Trịnh khoảng 400 -500 m. Trước thờ Thành hoàng làng, là một vị tổ của họ Trịnh, về sau, là nơi thờ 12 đời các chúa Trịnh. Nghè gồm 12 gian nhà ngói. Nghè còn 2 con vẹt gỗ là vật thờ biểu trưng của họ Trịnh và mấy con ngựa gỗ. Cháu con của họ Trịnh ở khắp nơi, đã gửi về nhiều di vật mới quý hiếm, đặc biệt, tượng Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm bằng gỗ, tạc theo bức tượng có từ thế kỷ XVIII ở nhà thờ tổ họ Trịnh ở làng Thanh Tổ (chưa rõ xã), huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tượng cao 1,2m, đội mũ thái sư, áo triều phục, cầm hốt, vẻ mặt cương nghị… phủ Trịnh và Nghè Vẹt mới được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Thân thế, sự nghiệp Trịnh Kiểm
Theo sách Lịch sử Việt Nam (tập 3, xuất bản năm 2017), Trịnh Kiểm (1503-1570) là người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Lúc nhỏ gia cảnh nghèo túng, ông thường đi ăn trộm để nuôi mẹ, đi ở, chăn trâu.
Lớn lên Trịnh Kiểm khỏe mạnh hơn người, được theo ở nhà Hưng quốc công Nguyễn Kim - người có công đầu trong việc dựng lại quốc thống triều Lê, lập ra thời đại Lê trung hưng. Trịnh Kiểm được Nguyễn Kim tin cậy, gả con gái cho rồi giao coi binh mã, phong làm Dực nghĩa hầu. Do lập được nhiều chiến công, vua Lê Trang Tông đã phong Trịnh Kiểm làm Đại tướng, tước Quận công.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị nhà Mạc đầu độc chết, Trịnh Kiểm lên thay, điều hành binh tướng, công việc triều chính. Tháng 8 cùng năm, vua sai Dực quận công Trịnh Kiểm làm đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ, kiêm Thái sư Lượng quốc công. Mọi binh quyền, công việc trong nước, trù tính mưu lược, phong tước bổ quan xa gần đều được tuỳ mình quyết định, sau mới tâu vua, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết. Sự nghiệp nắm quyền hành của họ Trịnh bắt đầu từ đây.
Dòng họ Trịnh với 12 đời chúa, đứng đầu là Thái vương Trịnh Kiểm đã phò vua giúp nước trong suốt 250 năm. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> [BỎ TÚI]: Cẩm nang du lịch Thanh Hóa chi tiết, đầy đủ nhất
Tuy được coi là chúa đầu tiên của hơn 200 năm cơ nghiệp dòng họ Trịnh, nhưng đương thời Trịnh Kiểm không xưng là chúa. Lê Anh Tông được Trịnh Kiểm tôn lên làm vua, đã phong ông là Thượng phụ. Sau khi Trịnh Kiểm chết, được trao hiệu Thái Vương.
Từ thời Trịnh Tùng (con thứ của Trịnh Kiểm) nắm quyền, người họ Trịnh chính thức được phong vương, mở ra thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh.
Ly kỳ chuyện đàn vẹt che xác mẫu thân, lý giải nghè thờ vẹt
Theo gia phả tộc Trịnh, Trịnh Kiểm đến năm 17 tuổi thì hùng dũng hơn người, trí lực khác thường. Lúc bấy giờ, trong khoảng niên hiệu Thống Nguyên, vào năm Đinh Hợi, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi vua Lê. Bề tôi nhà Lê là Nguyễn Kim ở huyện Tống Sơn, trang Gia Miêu Ngoại (Hà Trung hiện nay) ngầm rút về Cổ Lũng, huyện Cẩm Thuỷ để đánh Mạc.
Tướng quân nhà Mạc là Ninh Bang hầu quán xã Biện Thượng , tiến phát quân về đóng ở huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay). Mẹ Trịnh Kiểm là bà Hoàng Thị Dốc đã đem con đến xin Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm làm gia thần.
Ninh Bang hầu mừng vui thu nhận. Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm trông coi trại ruộng ở sách Thọ Liêu. Trịnh Kiểm nuôi trâu ngựa. Hằng ngày, ông được người bạn gốc Chàm là Vũ Thì An dạy cho cách huấn luyện ngựa, có thể biết được ngựa hay.
Một thời gian sau, Trịnh Kiểm ăn cắp con ngựa tốt nhất chạy sang sách Cổ Lũng, Cẩm Thuỷ theo anh họ là Trịnh Quang, lúc đó đã theo Nguyễn Kim, và đón mẹ Trịnh Kiểm sang ở. Ninh Bang hầu biết tin Trịnh Kiểm ăn cắp ngựa của mình, bỏ đi nhiều ngày không về, nên rất tức giận, bèn sai quân lính, dân các xã Sóc Sơn, Biện Thượng lùng bắt mẹ con Trịnh Kiểm.
Xã trưởng Biện Thượng tìm thấy mẹ con Trịnh Kiểm đang nấp sau nhà không những không bắt mà còn ra hiệu bằng cách ném đất và nháy mắt cho Trịnh Kiểm chui qua mấy tầng rào chạy trốn đến nhà người tên Nữu ở Yên Định.
Người này đã bới đống thóc trong bồ lớn, cho Trịnh Kiểm chui vào đó rồi lấp lúa lại. Ninh Bang hầu tìm không thấy tung tích của Trịnh Kiểm nên tức tối bắt mẹ ông là bà Hoàng Thị Dốc giam lại. Ba ngày sau, Ninh Bang hầu bắt xã Sóc Sơn đem lồng tre nhốt mẹ Trịnh Kiểm, kèm tảng đá lớn bỏ vào trong rồi ném xuống sông.
Bạn thân Trịnh Kiểm là Vũ Thì An sai con là Vũ Đình Tùng chạy đến xã Cổ Lũng mật báo cho Trịnh Kiểm biết. Nghe xong câu chuyện, Trịnh khóc sướt mướt mà than: “Người làng ta sao mà nhẫn tâm phụ bạc với ta như vậy. Ngày sau, nếu ta sáng nghiệp lớn, thề không về làng cũ nữa”. Quả vậy, sau này thành Chúa, Trịnh Kiểm chỉ xây dựng cung điện, miếu thờ ở Biện Thượng và quê mẹ bên kia sông chứ không làm ở Sóc Sơn.
Di tích Nghè Vẹt. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> XEM THÊM: 08 địa điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa nổi tiếng
Lại nói, dù rọ đã bỏ đá vào trong nhưng xác thân mẫu Trịnh Kiểm không chìm mà cứ nổi lên. Xác trôi dọc sông, bên trên, đàn vẹt đến hàng trăm con tập hợp lại như đám mây lượn quanh, bảo vệ, che chở cho thân xác bà. Xác trôi đến xứ Quai Vạc, có người chài lưới ở làng Đông Biện tên là An Dũng sáng sớm thấy thây nổi gần bờ mới về báo cho người làng đem cuốc xẻng ra an táng. Dân làng khi ra đến chỗ ấy thì vừa đúng giờ Ngọ, thình lình thấy mối đùn ra tận dòng sông, lấp kín thân xác thành ngôi mộ lớn.
Theo truyền thuyết dân làng nơi đây, đêm đến, Trịnh Kiểm cùng bạn đến định đem xác mẹ đi chôn nhưng thấy mộ bỗng dưng to lớn nên để yên vị, cùng bạn khóc bái trước mộ rồi ra về. Tuy nhiên, theo gia phả họ Trịnh, sau đó, Trịnh Kiểm nhờ cha con Thì An đang đêm bí mật đào lấy xác mẹ mang táng nơi khác vì sợ bọn Ninh Bang hầu biết mà phá. Cha con Thì An đem xác đến nửa chừng gặp hổ giữa đường mới sợ run, vác xác thân mẫu Trịnh Kiểm chạy qua ruộng khô đến đầu thôn Yên Việt thì bất ngờ nghe ầm như có tiếng súng nổ. Thấy có bóng sáng như có bóng trăng mờ, biết đó là đất tốt nên lấy chỗ đó mà táng.
Nghè Vẹt - ngôi nghè độc đáo, đặc sắc, lạ lùng
Nghè Vẹt, từ xa xưa được người dân trong vùng lập dựng để thờ Thành hoàng làng Quản gia Đô bác Đại vương Trịnh phủ quân Trịnh Ra. Theo lưu truyền dân gian và một số tài liệu để lại, Trịnh Ra nổi tiếng là người thông minh, mẫn tiệp và trung tín, dù làm quan nhưng ông thường mang của cải để cứu giúp dân nghèo. Sau khi mất, ông được truy phong là “Đương giang quản gia thần vương”. Các đời vua, chúa về sau cũng thêm nhiều lần ban sắc phong. Để khắc ghi công đức của ông, Nhân dân ở nhiều làng ven bờ sông Mã đã lập đền thờ, tôn Trịnh Ra làm Thành hoàng làng. Và nghè Vẹt là một trong số đó.
Đến thời Chúa Trịnh Kiểm, di tích chính thức được gọi tên nghè Vẹt và xây dựng với quy mô vô cùng lớn, bao gồm những “tòa ngang, dãy dọc” bề thế. Di tích với hậu cung bên trong để ngai thờ và bài vị cụ Trịnh Ra. Cùng với đó, các gian bên ngoài thờ bà Hoàng Thị Dốc- mẹ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm và 12 đời Chúa Trịnh.
Hình ảnh vẹt là linh vật trong nghè Vẹt thờ các đời Chúa Trịnh. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> [BỎ TÚI NGAY]: Bản đồ du lịch tâm linh Thanh Hóa chi tiết nhất
Nghè Vẹt tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 2.000m2. Trước sân hiện còn chiếc khánh đá treo trên giá đỡ, trên khánh đá có chạm khắc hoa văn tinh xảo, gõ vào nghe tiếng kêu trầm bổng ngân nga như chuông. Giữa sân là bình phong và đôi rùa đá quỳ chầu hai bên để ngăn chặn tà khí bên ngoài len lỏi vào bên trong, tạo sự linh thiêng của nghè.
Nghè ngoảnh hướng Nam, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông, tiền đường có 11 gian nối dài, kiến trúc các vì theo kiểu đăng đối. Tại đây có bàn thờ và bài vị của các chúa Trịnh. Vật liệu chính làm nghè là gỗ, mái lợp ngói. Theo người dân địa phương, nghè Vẹt được dựng lên từ bàn tay, khối óc của hàng trăm người thợ lành nghề trong khắp cả nước lúc bấy giờ. Tương truyền, chúa Trịnh khi đó đã “giao” cho mỗi “tỉnh, huyện” làm một “vì”, đến hạn thì cùng đưa về Biện Thượng để lắp ghép, dựng lên. Với mong muốn công trình bền vững, vật liệu dựng nghè khi đó được chọn hoàn toàn từ gỗ lim lớn, loại tốt nhất. Khác với nhiều di tích cùng thời, nghè Vẹt không nặng về tiểu tiết hoa văn chạm khắc mà chú trọng sự đăng đối, tạo nên vẻ đẹp bề thế, vững bền cho di tích.
Bên trong di tích cũng lưu giữ nhiều hiện vật, như: đại tự, phỗng vòng tay trong tư thế quỳ, kiệu rước, 4 ngựa gỗ (2 trắng, 2 nâu). Đặc biệt, đôi vẹt gỗ tương truyền do chính chúa Trịnh Kiểm cho người tạo tác ngay sau khi thắng trận trở về nhằm khắc ghi công ơn của loài chim. Ông Lê Văn Dùng, người nhiều năm trông coi di tích cho biết: “Xưa kia các nhà Chúa cho tạo tác rất nhiều vẹt, cứ một cột gỗ là 1 vẹt... Nhưng đến nay, chỉ còn đôi vẹt lớn, được xem như “biểu tượng” của di tích, là niềm tự hào về truyền thống uống nước nhớ nguồn của cha ông xưa”.
Lễ hội Phủ Trịnh - Tự hào nét văn hóa độc đáo
Lễ hội Phủ Trịnh được tổ chức tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Lễ hội nhằm mục đích tri ân, tưởng nhớ các vị vua, những người anh hùng – những người có công lao to lớn để dựng nước và giữ nước. Đây cũng là hoạt động góp phần phát triển du lịch tại khu di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt và các điểm du lịch tại Thanh Hóa nói chung.
Lễ hội Phủ Trịnh tổ chức ở đâu và khi nào?
Công lao của các chúa Trịnh đối với đất nước đã được lịch sử ghi nhận. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> XEM THÊM: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm
Lễ hội Phủ Trịnh thường kéo dài khoảng 3 ngày từ ngày 16 đến 18/2 âm lịch tại Khu Di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Lễ hội Phủ Trịnh thể hiện đặc trưng văn hóa của xã hội Việt Nam và là sự kiện có tính lưu giữ nét đẹp văn hóa lịch sử. Tất cả hướng đến mục tiêu bảo tồn nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng miền. Đồng thời đảm bảo cho việc duy trì bền vững lâu dài của lễ hội trong bối cảnh mới.
Lễ hội Phủ Trịnh có gì độc đáo?
Lễ hội Phủ Trịnh bao gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức truyền thống, bao gồm: Lễ Tiên thường cáo yết, Lễ Cáo yết. Ngày chính lễ sẽ triển khai các hoạt động: Dâng hương, Lễ Chánh kỵ, Chương trình nghệ thuật “Trung Hưng gấm vóc” tại Phủ Trịnh – Nghè Vẹt.
Nghi thức rước kiệu từ Phủ Trịnh sang Nghè Vẹt để tế lễ rồi lại rước về Phủ Trịnh. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> XEM THÊM: Chùa Giáng Thanh Hóa - Ngôi chùa cổ trên đất Vĩnh Lộc
Kết thúc phần lễ là diễn ra phần hội, là không gian hội tụ của các hoạt động văn hoá, thể thao, trò chơi dân gian như trưng bày 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng huyện Vĩnh Lộc và phụ cận; các tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước; chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhân dân; kéo co;… và nhiều trò chơi hấp dẫn khác, thu hút sự quan tâm của nhân dân trong vùng và du khách ghé thăm.
Khu Di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt được xây dựng và trở thành điểm đến của du khách địa phương và các tỉnh thành đến thăm. Đây cũng chính là niềm tự hào của xứ Thanh về nét văn hóa được lưu truyền cho đến ngày nay.