36.com.vn

Đền Trần Thanh Hóa - Ngôi đền gần 700 năm thờ Trần Hưng Đạo

Đền Trần Thanh Hóa thuộc làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, ngôi đền đã có lịch sử xây dựng gần 700 năm thờ Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Trần Thanh Hóa - Nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Trần ở Thanh Hóa là một di tích lịch sử nổi tiếng, gần với nhiều địa điểm du lịch Thanh Hóa như: Đền Độc Cước, Đền Cô Chín, cầu Hàm Rồng, Thành nhà Hồ… Ngôi đền linh thiêng trải qua thời gian đã nhuốm màu phong sương, cổ kính. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm dừng chân lý tưởng để chiêm bái, vãn cảnh và khám phá kiến trúc độc đáo.

Đền Trần Thanh Hóa ở đâu?

Đền Trần Thanh Hóa tọa tại làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Cụm trưng bày tại Đền Trần giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Trần Quốc Tuấn. (Ảnh: Sưu tầm)

Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ được những hiện vật cũ như long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm, đặc biệt là con dấu (ấn triện), cho thấy quá trình tồn tại của ngôi đền trong lịch sử.

Lịch sử đền Trần Thanh Hóa

Theo sử sách, đền thờ Trần Hưng Đạo (làng Thổ Khối, xã Yên Dương) gắn liền với những huyền tích và dấu ấn của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285.

Đền Trần hay còn gọi là Đền Thổ Khối. (Ảnh: Sưu tầm)

Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân làng Thổ Khối lập đền thờ ông. Năm 1996, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Từ đó, cứ vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, nhân dân làng Thổ Khối cùng chính quyền địa phương lại tổ chức lễ hội, trong đó có nghi lễ khai ấn.

Kiến trúc đền thờ Trần Hưng Đạo Thanh Hóa

Di tích lịch sử đền Trần Thanh Hóa có kiến trúc độc đáo, mỗi khu vực đều có kiểu thiết kế riêng, tựu trung lại là một công trình quy mô, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Bắc Trung Bộ.

Hiện nay đền thờ gồm có các hạng mục như nghi môn, giếng nước, bình phong, bái đường (sân), tiền đường, giải vũ, thiên tỉnh, trung đường, hậu cung, nhà mẫu và nơi làm việc của Ban Quản lý di tích.

Nghi môn Đền Trần Hưng Đạo Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)

Nghi môn được thiết kế kiểu tứ trụ, tượng trưng cho 4 phương và chỉ mở một cửa với ý nghĩa mọi nẻo đường đã quy về cửa Thánh thì không phân biệt sang hèn, cao thấp.

Sau Nghi môn là cây đa cổ thụ và giếng nước. Giếng nước cũng là nơi gột rửa bụi trần trước khi vào hành hương viếng Đức Thánh.

Cây đa cổ thụ và giếng nước tại Đền Trần. (Ảnh: Sưu tầm)

Tiếp đến là bình phong - yếu tố phong thủy, làm nên một vũ trụ thu nhỏ theo quan niệm hướng nội. Bình phong tạo thành các yếu tố “triều”, “án”, có chức năng chủ yếu là ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi vào ngôi đền.

Qua Bái đường là đến Tiền đường, đó là ngôi nhà gồm 3 gian hai chái, mái lợp ngói. Tiền đường được xây dựng vào năm 2005 bằng chất liệu gạch, vữa và bê tông giả gỗ. Đây là nơi đặt các ban thờ công đồng.

Cung thờ Đức Thánh Trần Triều. (Ảnh: Sưu tầm)

Từ Tiền đường vào Trung đường và Hậu cung khép kín thông qua hai Giải vũ, ở giữa có Thiên tỉnh đón nắng gió trời, điều hòa âm dương. Trung đường và Hậu cung là ngôi nhà hình chữ nhị nối với nhau bằng máng nước.

Phía đông là nhà Mẫu xây dựng vào năm 2014. Đây là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn Ông và Phật bà Quan Âm Bồ Tát. Công trình này mới được đưa vào phối thờ theo tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Đền Mẫu nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn Ông và Phật bà Quan Âm Bồ Tát. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Đền Hàn Sơn - Danh thắng kỳ vĩ ở xứ Thanh

Hiện nay đền thờ còn lưu giữ được những hiện vật cũ như long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm, đặc biệt là con dấu (ấn triện), cho thấy quá trình tồn tại của ngôi đền trong lịch sử. Chính vì vậy mà đền Thổ Khối xã Hà Dương, huyện Hà Trung đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1996.

Lễ hội khai ấn đền Trần Thanh Hóa đặc sắc thu hút du khách

Hàng năm đền Đền Trần Thanh Hóa được tổ chức hai kỳ lễ lớn là Rằm Tháng Giêng gọi là lễ khai ấn và lễ hội chính vào ngày kỵ của đức thánh Trần (từ ngày 19 đến 21 tháng 8 âm lịch).

Mặc dù không nổi tiếng như ở Nam Định, thế nhưng lễ khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa vẫn thu hút hàng ngàn người dân tới dự lễ, xin ấn. Đây là lễ hội truyền thống của người dân địa phương nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa thu hút hàng ngàn người dân tới dự lễ, xin ấn. (Ảnh: Sưu tầm)

Theo truyền khẩu của các cụ cao tuổi trong làng, ở đền thờ Trần Hưng Đạo có 3 ấn. Hiện nay, 3 chiếc ấn này vẫn đang được lưu giữ, bảo quản tại đền, trong đó có 1 chiếc làm bằng chất liệu kim loại, 2 chiếc làm bằng chất liệu gỗ.

Cụ thể, ấn thứ nhất có kích thước dài 7cm, rộng 3,5cm, trên mặt ấn có khắc chữ Hán Nôm (rất khó đọc được nội dung); ấn thứ hai có kích thước vuông bốn mặt (9cm x 9cm), dày 4,8cm, núm ấn cao 3cm, trên mặt ấn khắc 4 chữ Hán: Hưng Đạo Đại Vương; ấn thứ ba có kích thước dài 9,3cm, rộng 1,5cm, cao 4,5cm (núm ấn), trên mặt ấn khắc 4 chữ Hán: Linh từ Thổ Khối.

Hàng năm, vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch, chính quyền sở tại và thủ từ làm lễ đóng ấn vào giấy bản (sau này là vải). (Ảnh: Sưu tầm)

Tục lệ xin ấn tại Đền thờ Trần Hưng Đạo có từ xa xưa. Hàng năm, vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch, chính quyền sở tại và thủ từ làm lễ đóng ấn vào giấy bản (sau này là vải). Sau khi làm lễ khai ấn, nhân dân trong làng đến Đền để xin ấn về nhà với niềm tin nhờ uy linh của Đức Thánh Trần ban cho sức khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc, tránh rủi ro trong năm cho các thành viên trong gia đình, dòng tộc, làng xã, quê hương.

Địa điểm du lịch gần đền thờ Trần Hưng Đạo ở Thanh Hóa

Tham quan điểm du lịch đền thờ Trần Hưng Đạo Thanh Hóa thường diễn ra trong ngày. Vì vậy, du khách có thể kết nối với các điểm du lịch lân cận nhằm thỏa sức khám phá thêm nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thanh Hóa. Dưới đây là một số nơi mà bạn có thể tham khảo:

- Khu lăng miếu Triệu Tường

Di tích lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Các nhà sử học coi khu di tích này là “kinh thành Huế thu nhỏ”.

Hình ảnh miếu Triệu Tường trước năm 1945. (Ảnh: Sưu tầm)

Khu di tích lăng miếu Triệu Tường được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường thuộc làng Gia Miêu – xã Hà Long. Ngày nay muốn đến Gia Miêu, người ta đi qua thị xã Bỉm Sơn (phía bắc TP. Thanh Hóa), dọc theo quốc lộ 1A rẽ vào phía bên phải theo đường 7 khoảng 4 km là tới làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hoá).

Ở đây có khu di tích Gia Miêu gồm: vùng núi lăng Triệu Tường là nơi táng ông Tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim, Miếu Triệu Tường thờ Nguyễn Kim, Nguyễn Hòang (con Nguyễn Kim) và Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lựu (thân sinh Nguyễn Kim) và Đình làng Gia Miêu - thờ thành hoàng Nguyễn Công Duẩn.

- Đền Bà Triệu

Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa thuộc khu di tích lịch sử Bà Triệu, ngôi đền được lập dưới thời vua Lý Nam Đế nhằm tưởng nhớ đến công ơn của vị nữ anh hùng bất khuất Triệu Thị Trinh.

Đền Bà Triệu Thanh Hóa - Nơi thờ nữ anh hùng Triệu Thị Trinh.

Đền thờ Bà Triệu, hay còn có tên gọi khác là đền thờ bà Triệu Thị Trinh – một trong những vị tướng anh hùng có công lao rất lớn trong việc đánh đuổi giặc Trung Quốc đến xâm chiếm bờ cõi nước ta vào thế kỷ III (TCN).

Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, các kho tàng sự tích, ca dao, huyền thoại và cả những hiện vật hiếm có.

- Đền Sòng 'thiêng nhất xứ Thanh'

Đền Sòng Sơn Thanh Hóa nổi tiếng trong dân gian với câu ca “Đền Sòng thiêng nhất xứ thanh”. Ngôi đền thiêng tọa lạc trên thế đất “Hữu bạch hổ, tả thanh long”, lại cận kề QL1A, rất thuận lợi cho du khách vãn cảnh, thắp hương, chiêm bái.

“Đền Sòng thiêng nhất xứ thanh”.

>>> Xem thêm: Đền Cô Bơ - Chốn thờ tự linh thiêng, nơi một tiếng gà gáy 5 huyện nghe

Đền Sòng Sơn Thanh Hóa là một trong những ngôi đền nổi tiếng tại xứ Thanh. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh lý tưởng mà còn là địa điểm để du khách có cơ hội tham quan dòng suối trong lành. Du lịch Thanh Hóa đừng bỏ lỡ nơi được mệnh danh là “thiêng nhất xứ Thanh” này.

Địa chỉ đền Sòng Sơn ở Thanh Hóa cụ thể thuộc trang Phú Dương, xã Cổ Đam, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Địa chỉ này cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 130km. Giao thông thuận lợi nên mỗi năm, ngôi đền này đón một lượt du khách rất lớn đến tham quan và chiêm bái.

- Biển Sầm Sơn

Du lịch biển Sầm Sơn.

Nhắc đến biển Thanh Hóa thì không thể không nhắc tới biển Sầm Sơn nổi tiếng, địa chỉ này cách đền Trần Thanh Hóa không quá xa, vì vậy du khách chỉ mất khoảng mấy chục phút phút di chuyển. Là điểm du lịch biển sầm uất, bạn sẽ được thỏa sức vui chơi với nhiều hoạt động hấp dẫn như: tắm biển, vui chơi, thưởng thức hải sản…

Đền thờ Trần Hưng Đạo Thanh Hóa đến nay đã gần 700 năm tuổi, thời gian có thể làm công trình hao mòn nhưng giá trị về lịch sử, văn hóa vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày nay. Vì vậy, nếu có dịp đến thăm mảnh đất xứ Thanh, du khách có thể lên lịch trình để đến với di tích lịch sử văn hóa “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian, một nét văn hóa độc đáo ở Xứ Thanh đang được bảo lưu gìn giữ.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.