Lễ hội đền Bà Triệu Thanh Hóa.
Lễ hội đền Bà Triệu là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại Thanh Hoá. Với hơn 1000 năm lịch sử, đây là hoạt động văn hoá mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh khí phách của nữ anh hùng dân tộc xứ Thanh, thu hút hàng ngàn du khách tại tỉnh Thanh Hóa nói riêng và du khách cả nước nói chung.
Lịch sử lễ hội đền Bà Triệu
Tương truyền, thế kỷ VI vào thời Tiền Lý Nam Đế (544 – 548) Bà Triệu là người phụ nữ đầu tiên được triều đình phong kiến phong Thần. Hình ảnh người nữ tướng khi ra trận mặc giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành. Bà trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại, nhưng đây là mốc son đỉnh cao khẳng định sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân ở thế kỷ II – III, thúc đẩy ý chí quật cường cho nhân dân ta với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.
Tiết mục nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Đền Bà Triệu Thanh Hoá được tổ chức để tưởng nhớ và vinh danh nữ tướng – người đã cống hiến cuộc đời để bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của quân ngoại xâm. Bà Triệu được xem là biểu tượng của sự dũng cảm và lòng yêu nước. Hằng năm thông qua lễ hội, người dân trong vùng muốn bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với nữ anh hùng lừng danh Triệu Thị Trinh.
Lễ hội đền Bà Triệu Thanh Hóa tổ chức ở đâu?
Lễ hội Đền Bà Triệu được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đền thờ Bà Triệu, hay còn có tên gọi khác là đền thờ bà Triệu Thị Trinh – một trong những vị tướng anh hùng có công lao rất lớn trong việc đánh đuổi giặc phương Bắc đến xâm chiếm bờ cõi nước ta vào thế kỷ III (TCN).
Toàn cảnh đền Bà Triệu. (Ảnh: Sưu tầm)
Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, các kho tàng sự tích, ca dao, huyền thoại và cả những hiện vật hiếm có.
Lễ hội đền Bà Triệu tổ chức vào thời gian nào?
Hằng năm, từ ngày 19 đến 24/2 (Âm lịch) nhân dân thập phương đổ về cùng với dân làng Phú Điền tổ chức lễ hội đền Bà Triệu. Đây là một hoạt động văn hóa phi vật thể linh thiêng vừa mang lại giá trị “Uống nước nhớ nguồn” vừa có ý nghĩa thời đại. Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trong không gian rộng theo một quy trình khép kín rất chặt chẽ Đền, Lăng, Đình.
Đông đảo người dân đến tham gia lễ hội. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm
Hoạt động trong lễ hội đền Bà Triệu
Theo các cụ cao niên ở làng Phú Điền: Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức với quy mô lớn (cấp tỉnh), 5 năm một lần, vào năm chẵn, còn hàng năm lễ hội vẫn diễn ra với quy mô cấp huyện tổ chức kỷ niệm vào các ngày giỗ Bà. Lễ hội diễn ra trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ với nghi thức trang trọng vừa truyền thống vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Riêng đình làng Phú Điền tổ chức nghi thức hội “Ngô - Triệu giao quân”.
Khu vực ngoài cổng đền Bà Triệu ken cứng người tới dự lễ. (Ảnh: Sưu tầm)
Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Ngoài các nghi thức lễ trên còn có lễ Mộc dục. Đây là một nghi thức lễ được nhân dân địa phương rất chú ý, thận trọng, chọn ngày tốt để hành lễ, thường là ngày 18, 19 tháng 2 âm lịch ở cả 2 nơi đền và đình làng, do ông từ cả và 3 ông từ phụ chịu trách nhiệm. Tiếp đó là tế Phụng Nghinh. Tế Phụng Nghinh là thủ tục mời vua Bà cùng lục bộ triều đình, hội đồng các quan, thánh tổ bách gia về trong ngày húy kỵ Vua Bà, là ngày rất trang nghiêm và linh thiêng, thời gian tế nửa ngày.
Việc rước bóng là một nét độc đáo trong lễ hội Bà Triệu, trong ngày chính hội là một thể thức hết sức quan trọng, người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang, đĩa trầu cau. Có 8 chàng trai được chọn lọc, để khênh kiệu (có 8 đòn) mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất. Người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp theo có kiệu song loan, trên kiệu có áo chầu và các hộp sắc phong, có 8 người khiêng. Nghi thức đi đầu có một hương án, 2 người vác lọng che hương án, trên kiệu có bát hương, trầu cau hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thủy, có trống, chiêng và 32 người thực hiện các nhiệm vụ vác gươm, vác bát bửu, dùi đồng. Cứ như thế, các đoàn vác cờ hội, kiệu song loan, người đi cùng đoàn rước kiệu ăn mặc chỉnh tề khăn nhiễu, quần trắng, áo lương. Đạo hành từ đền chính đến lăng rồi về đình làng. Đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, nhân ngày húy kỵ, với tấm lòng thành kính của các con cháu thập phương nhớ công ơn Bà. Đoàn cử hành về đình làng, kiệu, bát hương bóng Bà đặt giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày một đêm gồm các tế yên vị, tế tam sanh. Sau đó đoàn rước tế theo lộ trình về đình chính để làm lễ.
Hình ảnh lễ hội đền Bà Triệu. (Ảnh: Sưu tầm)
Ngoài phần lễ thì trong phần hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có hội trận tại đình làng Phú Điền, đây là linh hồn của các hoạt động lễ hội, bởi nó khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của Bà.... Vào ngày hội, làng tự chia làm hai xóm, lấy ngôi đình lớn ở giữa làng làm ranh giới, phía bắc gọi là xóm trên, phía nam gọi là xóm dưới.
Trai tráng của hai xóm với hàng trăm người từ 18 đến 45 tuổi chia thành hai phía quân tham gia tập trận chơi trò “Ngô - Triệu giao quân”. Mỗi người chuẩn bị sẵn một cây gậy bằng tre, dài ngắn tùy ý. Đúng sáng ngày hội lễ, trai xóm nào tập trung ở xóm nấy dàn thành thế trận. Mở đầu, mỗi bên cho một vài người ra khiêu khích, tìm cách dụ đối phương tiến về địa phận của mình. Đội ngũ mai phục trong xóm đổ xô ra tấn công, phe bên kia ào ạt tràn sang tiếp ứng, dùng gậy tre để đánh nhau, có khi là bị chảy máu, mẻ đầu nhưng đâu lại vào đó, khỏe mạnh, dân làng lại đoàn kết, làm ăn phát đạt vì được Bà Triệu phù hộ và họ tin là có tập trận như vậy thì năm đó làng mới làm ăn sung túc hơn. Đoạn đường rộng nhất trước cửa đình làng là “bãi chiến trường”. Hai bên lề đường, nhân dân tập trung đông đảo, reo hò cổ vũ cho đội quân của mình. Lệ của làng là xóm nào xông lên nhiều lần là quân chiến thắng, được gọi là quân Bà Triệu. Bên nào phải rút chạy nhiều lần thì bên ấy là quân Ngô. Cuộc tập trận diễn ra từ sáng đến trưa, rồi tất cả hòa vào nhau để đi rước kiệu Bà.
Hình ảnh trong lễ hội đền Bà Triệu. (Ảnh: Sưu tầm)
Thêm một tục lệ nữa, là ngày hôm đó cả làng đều ăn nguội (ăn thức ăn nấu sẵn từ hôm trước), để đến chiều mới nấu nướng linh đình. Các cụ giải thích là ra đánh trận là phải ăn lương khô, đến khi khải hoàn mới mở tiệc ăn mừng. Để phù hợp với thời gian và nhịp sống mới, một số quy tắc rườm rà của tế lễ được chọn lọc, rút ngắn... Ngoài các hoạt động truyền thống vốn có, còn có thêm nhiều nội dung phong phú như: thi đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng, văn nghệ quần chúng, thi nấu ăn, thi đấu các môn thể thao (bóng chuyền, bóng đá)...
Lễ hội Bà Triệu còn có các hoạt động văn hóa truyền thống.
Lễ hội đền Bà Triệu là một di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam, mang trong mình sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa và du lịch. Hãy đến và khám phá lễ hội đền Bà Triệu để tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời và khám phá vẻ đẹp độc đáo của di sản văn hóa Việt Nam.