Những địa danh nổi tiếng khi du lịch Hậu Lộc Thanh Hóa.
>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch nổi tiếng tại huyện Nga Sơn
Khu di tích lịch sử văn hoá Đền Bà Triệu
Bà Triệu còn có tên là Triệu Thị Trinh( Triệu Trinh Nương) sử cũng gọi là Nhuỵ kiều tướng quân hay lệ hải bà vương. Nhân dân quen gọi là bà Triệu với lòng kính cẩn.
Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Bà Triệu.
Đền Bà Triệu tọa lạc tại núi gai, thuộc làng phú điền, huyện hậu lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đền Bà Triệu Thanh Hóa với diện tích 3,83 ha được bố cục kiến trúc tổng thể “nội công ngoại quốc”, đăng đối trên đường thần đạo bao gồm từ ngoài vào trong: Cổng ngoại, hồ sen hình chữ nhật, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung. Hậu cung có chiều cao chiếm ưu thế hơn cả.
Đối diện với đền thờ bà, ở bên kia quốc lộ 1A là núi Tùng giống như một cây thông khổng lồ, trên đỉnh núi là lăng Bà Triệu được bao phong thành mộ nổi, có tường hoa vây quanh theo đồ án hình vuông. Ngọn tháp cao bên cạnh mộ, bốn mái tháp uốn cong giữa mây trời khoáng đạt.
Dưới chân núi Tùng có mộ và bia của 3 anh em họ Lý là tướng sĩ của nghĩa quân Bà Triệu, người làng Bồ Điền (nay là Phú Điền). Chếch về phía nam khoảng 500m, cũng ở dưới chân núi tùng có một cái giếng nhỏ tự nhiên, nước từ núi chảy ra rất trong và không bao giờ cạn.
Khu di tích Bà Triệu còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quí hiếm và một kho tàng các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ. Nhiều cổ vật được gìn giữ cẩn thận.
Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức để kỷ niệm ngày hoá vua bà Triệu Thị Trinh, diễn ra liên tục từ ngày 19 đến 24/2 âm lịch hàng năm.
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh toạ lạc ở thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được xây dựng quy mô trên một nền chùa cũ đã đổ nát vào thời gian sau sự kiện vua Lý Nhân Tông trở về kinh đô.
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh toạ lạc ở thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: Sưu tầm)
Trải qua tám thế kỷ rưỡi, kiến trúc cũ của ngôi chùa đã bị biến dạng hoàn toàn qua nhiều lần tôn tạo sửa chữa. Dấu tích thời Lý chỉ còn giữ được là ba bệ sen bằng đá của chùa và một tấm bia vô giá dựng năm 1118 ghi lại việc dựng chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh v.v...
Hiện nay, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có bốn gian hậu cung, năm gian tiền đường, nhà tổ năm gian và gần đây mới làm thêm hai gian ở phía hữu. Hậu cung thờ Phật, tiền đường thờ Lý Thường Kiệt. Sự kết hợp giữa chùa và đền cũng là một đặc điểm ở di tích này và gần như phổ biến ở các di tích khác trong thời điểm lịch sử của nước ta vào thế kỷ XIX - thế kỷ XX.
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, là một trong số rất ít chùa cổ có từ thời Lý còn lại ở Thanh Hóa. Chùa còn nhiều hiện vật cổ quý hiếm như: Kiểu dáng kiến trúc, tượng Phật, tấm bia thời Lý (khắc năm 1118), tấm bia thời Lê (khắc năm 1604), bệ đá hình sư tử đội tòa sen (tương tự bệ đá chùa Thầy ở Hà Nội), các tượng gỗ có từ thế kỷ thứ XVII, chuông đúc thời Gia Long (năm 1818), ngói lá đề, gạch hoa thời Lý... Với những giá trị to lớn ấy, năm 1990 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; năm 2019 được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Hàng năm, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch, tại chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh thường diễn ra lễ hội khá quy mô và trang trọng, thu hút nhiều du khách.
Chùa Ngọc Đới
Nét cổ kính, trầm mặc của chùa Ngọc Đới, xã Tuy Lộc, Hậu Lộc. (Ảnh: Sưu tầm)
Chùa Ngọc Đới được xây dựng lại vào năm Nhâm Thìn (1892). Hiện nay ngôi chùa chính còn nguyên kiến trúc cũ, cấu trúc theo hình chữ Đinh: Tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Chùa còn giữ được 32 pho tượng cổ (trong đó có 1 pho tượng đồng và 31 pho tượng gỗ). Ngoài ra chùa còn nhiều hiện vật quý: Đại tự, câu đối, 4 tấm bia khắc bằng chữ hán, tắc tải, long ngai, kiệu…
Khu nhà tổ và phủ mẫu mới được tôn tạo lại. Chùa Ngọc Đới đã qua nhiều vị sư trụ trì. Khu vườn tháp được xây dựng cuối thế kỷ 19 gồm 3 ngôi bảo tháp, tháp nhỏ mới được xây dựng vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Chùa còn nhiều cây cổ thụ, đặc biệt cây thông cao 25m được trồng từ thế kỷ 18 vẫn còn, trước chùa có hồ bán nguyệt, cảnh chùa lúc nào cũng sầm uất, uy linh.
Chùa Ngọc Đới là nơi hậu cứ của khởi nghĩa Ba Đình. Đây là địa điểm chiêu mộ binh lính, luyện tập binh sĩ. Chùa còn là nơi nuôi dấu các cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa( trước năm 1945). Vì vậy sau khi chùa được xếp hạng lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1996, nhà chùa cũng được đón “bằng có công với nước” năm 2001.
Cửa biển Lạch Trường
Cửa biển Lạch Trường nằm giữa huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc. (Ảnh: Sưu tầm)
Cửa biển Lạch Trường nằm giữa huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc, là nơi hợp lưu giữa dòng sông Lạch Trường với biển. Vùng cửa biển này từng ghi dấu chiến thắng trận đầu của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam vào ngày 5/8/1964.
Lạch Trường có núi, có sông, có biển và có cả những ruộng đồng tương đối bằng phẳng, phì nhiêu. Cửa biển Lạch Trường được nối liền với cả hai nhánh của sông Mã (nhánh chảy qua Hàm rồng và nhánh chảy qua Lèn). Sông Lạch Trường còn được nối với sông Ấu và sông Trà Giang, sông kênh De tạo thành một mạng lưới giao thông đường thuỷ thuận tiện. Và do ảnh hưởng của các nguồn nước khác nhau ấy mà nhiều loài thuỷ sản ở Lạch Trường rất giàu chất bổ và có vị ngon đặc biệt (phi, hàu, sò huyết, cua gạch, tôm, ghẹ, cá các loại…)
Lạch Trường còn đẹp bởi được điểm tô thêm những di tích cổ (chùa Cam Lộ, chùa Vích, cụm di tích Nghè Diêm Phố và những ngôi nhà thờ xinh xắn: Nhà thờ Đa Phạn, nhà thờ Nam Huân, nhà thờ Trương Xá). Làng Trương Xá (Hoà Lộc) từ lâu đã nổi tiếng trong vùng về nhiều mặt và thường được so sánh với Bút Sơn Hoằng Hoá “Hậu Lộc Trương Xá-Hoằng Hoá Bút Sơn”.
Chùa Cam Lộ
Chùa Cam Lộ còn gọi là Thần Nông tự nằm ở ven bờ thương cảng cổ Lạch Trường, nay thuộc làng Thương Xá, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)
Cam Lộ là ngôi chùa cổ có từ thời trần, trên bờ bắc của sông Lạch Trường thuộc địa phận làng Trương Xá xã Hoà Lộc. Chùa Cam Lộ lúc đầu có tên là Thần Nông Tự, tháng 7 năm mậu thìn 1748 có điềm lành trời sa nước ngọt xuống phía đông chùa nên người dân địa phương gọi là chùa Cam Lộ.
Chùa Cam Lộ vẫn lưu giữ được những di sản văn hoá có giá trị trên nhiều phương diện: Bia ký, chuông đồng, khánh đá, đặc biệt các pho tượng lá (là một đặc điểm ít có ở các ngôi chùa Việt Nam). Ngôi chùa chính vẫn mang dáng dấp của thời trần, cổng tam quan lớn bề thế gồm 4 tầng còn nguyên vẹn.
Chùa Vích
Chùa Vích còn có tên gọi là “Bích Tiên tự”, được ghép từ tên của 2 làng Y Bích - Lộc Tiên, thuộc xã Hải Lộc (Hậu Lộc). (Ảnh: Sưu tầm)
Chùa Vích xưa kia gọi là chùa 3 Xã (Y Bích, Lộc Tiên, Tiên Xá). Chùa có từ thế kỷ 15 nằm cạnh kênh De, gần cửa biển, cách làng hơn 1 km về phía Tây. Chùa nhiều cây cối um tùm hoa quả thơm phức.
Kiến trúc chùa kiểu chữ công (i) mái cong lợp ngói mũi hài có hoa văn, trong chùa hiện còn 27 pho tượng cổ, tạo tác mang nhiều nét dân gian, sống động. Phía Tây Bắc chùa còn 2 bia đá thời Lê (1689). Trước chùa có trụ đá thiên đài đề bài thơ “thiên đài trụ”, tam quan treo chuông đồng nặng tới 100 kg. Bên cạnh chùa có phủ thờ “quỳnh nga công chúa”. Chùa còn nhiều hiện vật cổ: Sắc phong, câu đối, đồ thờ cổ…
Cụm di tích nghè Diêm Phố
Cụm di tích Diêm Phố bao gồm: Nghè, chùa, phủ, miếu được xây dựng chung trong một quần thể kiến trúc hài hoà về mặt không gian, cảnh quan. Mặt tiền khu di tích hướng ra biển, có cổng tam quan đồ sộ, có hàng cây xanh bảo vệ phía trước thể hiện một cái nhìn thoáng đãng, khát khao sự thịnh vượng. Khu di tích đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1991.
Chùa Liên Hoa trong Cụm Di tích nghè Diêm Phố tọa lạc trên địa bàn thôn Ninh Phú (xã Đa Lộc), Hậu Lộc. (Ảnh: Sưu tầm)
- Nghè thờ Thánh Cả (tứ vị Thánh Nương): Do lở đất và bão lũ di tích đã di chuyển nhiều lần nhưng kiến trúc thời lê vẫn còn. Kiến trúc nghè theo phép đối xứng rất cân đối giữa nghè chính, nghinh môn và hai giải vũ, giữa là một sân lát gạch hình chữ nhật. Nghè chính hướng nam, thềm lát đá lan gian, bậc lên xuống cửa chính có đôi rồng chầu thời lê dài 2,5m, cao 1m. Bên trong có cấu trúc tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, hậu đường dài 5m. Di tích còn gìn giữ được hàng ngàn hiện vật cổ.
- Chùa Liên Hoa Tự: Chùa thờ phật, được xây dựng theo kiểu hình chữ đinh, nằm sát liền nghè hơi chếch về phía tây nam. Chùa ngoảnh hướng đông, trước mặt có cửa tam quan 3 tầng, gác 2 treo một chiếc chuông đồng to đúc năm mậu dần 1938 tại Hà Nội. Trên chuông và đại tự đều ghi chùa liên hoa tự, chùa có 18 pho tượng cổ bằng gỗ được sơn son thiếp vàng (trong đó có 3 pho tượng dẹt). Chùa còn giữ được nhiều câu đối, đại tự.
- Phủ: Thờ thần cá Ông, nằm sát chùa liên hoa hơi chếch về phía Đông Nam và cùng hướng với chùa nhưng nhỏ hơn chùa. Bên trong có bệ thờ để bát hương, bài vị, gian ngoài xếp bộ xương cá Voi. Năm 1739 một con cá Voi không hiểu lý do nào bị trôi dạt vào bờ biển diêm phố, dân làng thấy lạ đem 100 lá chiếu đắp cho cá Ông. Sau khi cá chết, dân làng lấy toàn bộ xương cá Ông đem về lập phủ thờ.
- Miếu: Ở cạnh phủ thờ thần cá Ông về phía Đông, mặt miếu ngoảnh hướng bắc. Miếu có kiến trúc nhỏ, gồm 1 gian, bên trong có một bệ thờ, để bát hương, bài vị thờ vong hồn 344 người dân diêm phố đi biển bị bão cuốn chết ngày 18/8/1981.
Hậu Lộc là một vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử văn hoá lâu đời và nhiều cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, độc đáo tại Thanh Hóa. Hi vọng rằng những danh sách này sẽ giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn khi đến Hậu Lộc.