Lễ hội Pồôn Pôông.
Lễ hội Pồôn Pôông là lễ gì?
Lễ hội Pồôn Pôông theo quan niệm của những người dân Mường là lễ cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Ờm - Bồng Hương và cũng là dịp để về Mường vui vầy cùng các nam thanh, nữ tú. Hình thức nghệ thuật diễn xướng tinh tế này đã tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người dân tộc Mường, cuốn hút người xem hòa mình vào các trò chơi, các trò diễn dân gian.
Lễ hội Pồôn Pôông diễn ra vào thời gian nào?
Lễ hội Pồôn Pôông của người Mường được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam - nữ.
Lễ hội Pồôn Pôông diễn ra ở đâu?
Ở Thanh Hóa, vùng nào có người Mường ở là có Lễ hội Pôồn Pôông. Lễ hội diễn ra có thể từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm.
Ở Thanh Hóa, vùng nào có người Mường ở là có Lễ hội Pồôn Pôông. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm
Sự tích lễ hội Pồôn Pôông
Lễ hội có từ rất xưa, trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, nhảy múa. “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa. “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên cây bông (hay còn gọi là nhảy múa bên cây hoa).
Lễ hội Pồôn Pôông gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương.
Tương truyền, nàng Ờm và Bồng Hương yêu nhau nhưng bị bố mẹ nàng Ờm chia cắt, do nhà Bồng Hương nghèo. Bất chấp sự ngăn cấm của bố mẹ, nàng Ờm vẫn lén lút gặp gỡ Bồng Hương. Một hôm, bố mẹ nàng Ờm bắt được đã đánh rồi đuổi nàng ra khỏi nhà.
Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương rồi cả hai cùng ăn lá ngón chết bên nhau. Trước khi chết, Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Sau đó cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quanh cây.
Cũng từ đó hoa bông nở vào tháng Ba, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Người Mường chọn cây hoa chạng bạng có hoa bông trắng nở để mở hội Pồôn Pôông.
Các hoạt động của lễ hội Pồôn Pôông
Lễ hội Pôồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò. Các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại toàn bộ các phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hoá tinh thần của đồng bào Mường. Lễ hội gồm 42 trò đặc sắc, như: Trò chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, làm cơm mời Mường... Các nhân vật tham gia lễ hội múa những điệu múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, vui chơi hàng ngày.
Người Mường đã gọi các nhân vật chính trong lễ hội Pôồn Pôông là các Ậu Máy - người chủ lễ, người tổ chức, chủ trì cuộc Pồôn Pôông. Đặc biệt, Ậu Máy trong Pồôn Pôông vẫn tồn tại với tư cách là “bảo tàng sống”, là di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường.
Trong lễ hội Poồn Poông cây bông là quan trọng nhất không thể thiếu. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa - Di sản phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị
Cây bông - là vật trung tâm trong lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, nó hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người từ thủa hồng hoang. Trên cây bông làm bằng tre, cao khoảng 3m, có treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm muôn sắc màu xanh, tím, đỏ, vàng rất bắt mắt; và những mô hình muông thú (cá, chim), nông cụ sản xuất (cuốc, cày), những thành quả chế tác của con người như: vò rượu, bánh chưng, cồng chiêng, quả còn, hòm vàng, hòm bạc tượng trưng cho sự ấm no, thịnh vượng. Cây bông này chỉ có bà Máy mới làm được và truyền nghề lại cho một vài người khéo tay trong làng, trong xã.
Dưới gốc của cây bông, Enh chàng và nàng Chóng long ngồi đối xứng qua cây bông, trùm khăn xanh khăn đỏ, lúc múa hát, lúc lại soi gương chải đầu, lúc thổi sáo ôi! Nhạc cồng chiêng, tam pu nổi lên rộn rã, bà Máy vừa đi vừa nhảy múa và vừa hát Đang:
“Em gái xinh xinh chóng long đồng thiếp ơi!
Em ở đất mường trời cao cao
Đêm nay, em xuống cùng anh.
Chơi bông, chơi hoa em hỡi...”.
Ấn tượng nhất là những điệu múa cùng với tiếng cười “hớ hớ hơ!... hớ hớ hơ! của bà Máy cứ vang lên lảnh lót như tiếng chim ca, giục giã, mời gọi, thổi bùng lên không khí lễ hội rộn rã. Bà Máy như thầy cúng, là người dẫn chuyện kể lại giai thoại sinh ra đất trời, lập nên bản Mường...; thông báo với thần linh vụ mùa năm nay thắng lợi, làng mở hội mừng cơm mới, thể hiện tấm lòng biết ơn đất trời đã cho mưa thuận gió hòa, bông lúa nhiều hạt và bắp ngô vừa to vừa mẩy. Bà kể bằng ngôn ngữ văn vần như trong lễ diễn xướng dân gian và bà vừa kể vừa nhảy múa. Mỗi khi kể đến giai thoại nào là các nam thanh nữ tú biểu diễn các trò mô phỏng lại hoạt động đó, như: cảnh dân làng đuổi hổ dữ, bắt cá, chọi trâu, chọi gà, trai gái vào hội bói hoa...
Ậu Máy - người chủ lễ, người tổ chức, chủ trì cuộc Pôồn Pôông. (Ảnh: Sưu tầm)
Bên cạnh nét đẹp tâm linh, lễ hội cũng là dịp để bà con bản Mường cùng nhau quây quần ngồi lại bên nhau để ôn về lịch sử hào hùng của bản Mường. Cùng tâm sự, sẻ chia buồn vui đã qua, mách cho nhau mẹo làm ăn khấm khá hơn...
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận trò diễn Pồôn Pôông xã cao Ngọc (Ngọc Lặc) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Pồôn Pôông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. (Ảnh: Sưu tầm)
Ngày nay, dù rất nhiều loại hình văn hóa đang len lỏi vào đời sống văn hóa của đồng bào nhưng Pồôn Pôông không chỉ được tổ chức rộng rãi trong các lễ hội của người Mường mà còn được tổ chức trong các dịp lễ tết của đất nước như Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán... Lễ hội và các trò diễn Pồôn Pôông ngày càng có sức sống mãnh liệt, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Mường trên mảnh đất xứ Thanh hôm nay.
Ai đã từng đến với Lễ hội Pồôn Pôông của người Mường ở tỉnh Thanh Hóa cũng đều mê đắm những lời ca, điệu múa hòa trong tiếng cồng, tiếng chiêng giục giã, mời gọi, thôi thúc...