Lễ hội đền Hàn Sơn Thanh Hóa.
Ý nghĩa lễ hội Hàn Sơn
Lễ hội Đền Hàn Sơn được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ tới những người có công khai thiên, lập địa vùng đất Hà Trung, tưởng nhớ tới các anh hùng dân tộc có công chống giặc ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngoài ra, tại lễ hội, còn có phần lễ rất tôn nghiêm để tưởng nhớ đến Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” - được tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân.
Đền Hàn Sơn ở đâu?
Đền Hàn nằm trên vùng đất thuộc xã Hà Sơn một xã miền núi thuộc huyện Hà Trung - tỉnh Thanh Hóa, chạy dọc phía tả sông Mã (Sông Lèn) với. Là một mảnh đất có vị trí địa lý rất đặc biệt, nơi con sông Mã tách làm 2 nhánh tạo thành một ngã ba sông giáp với 6 huyện: Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa và Yên Định với nhiều truyền thuyết lịch sử “Đất Thanh kê lục huyện”, tức là chỉ một tiếng gà gáy là nhân dân cả 6 huyện đều nghe.
Đền Hàn Sơn Thanh Hóa.
Nơi hội tụ của 4 di tích gồm: Đền cây Thị ở cuối xã Hà Ngọc hay còn gọi là đền Trình; Đền Đức Ông- nơi thờ Thái úy Lê Thọ Vực; Đền Bông tức đền Cô Bơ hay Cô Ba thoải; Đền chúa Ngự hay là đền thờ Mẫu.
Đền Phong Mục và đền cô Tám (thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) là cụm di tích thờ Mẫu ở phía bên kia sông Lèn, đối diện với đền Hà Sơn. Cả 4 cụm, điểm di tích này đều nằm trong không gian văn hóa của lễ hội đền Hàn.
Di tích đền Hàn Sơn
Đền Hàn (hay còn gọi là Đền Mẫu Đệ tam hoặc là Đệ tam thoải phủ), Đền Ba Bông (Hay còn gọi là Đền Cô Bơ hoặc là Cô Ba thoải phủ) là những di tích lịch sử Văn hóa thuộc xã Hà Sơn được xây dựng cách đây trên 500 năm. Cả hai đền này đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 1992.
Đền Cô Bơ Thanh Hóa.
Đền Hàn Sơn tựa như một bức tranh sơn dầu - thủy mặc, nhưng lại mang trong mình yếu tố tâm linh mà nơi khác không có được. Ngôi đền được lập ở nơi sườn non sơn thủy. Nhìn bên ngoài, đền Hàn Sơn không tráng lệ nhưng ấn tích và thời gian càng làm tăng thêm giá trị cổ kính, uy nghi và thiêng liêng của ngôi đền. Cổng đền hướng ra bờ sông Lèn, ở giữa là bức đại tự “Hàn Sơn linh từ”. Bên trong, đền được lập theo 4 cấp với 4 cung uy nghi, tráng lệ.
Sau hậu cung lên tới đỉnh núi ngự khoảng gần cây số là nơi Mẫu Đệ tam giáng thế. Tuy là đỉnh núi nhưng rất bằng địa ở giữa là một phiến đá rộng khoảng chục mét vuông, xung quanh rừng thông bạt ngàn ngày đêm lộng gió.
Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng rõ nhất cụm danh lam thắng cảnh Hàn Sơn và đồng ruộng, xóm làng con người luôn cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Lòng du khách nhẹ đi rất nhiều!. Khi về đêm, toàn cảnh TP. Thanh Hóa, TP. Ninh Bình hay biển Đông như hiện ra trước mắt ta trong tiếng gió vi vu của đại ngàn rừng thông. Quả thật là:
"Đỉnh non cao thạch bàn chúa ngự
Dưới thác Hàn sóng vỗ reo ca"
Đền Hàn và đền Ba Bông đây là nơi “Quốc mẫu dân cầu” có một không hai. Cả hai đền này đã được Nhà nước cấp bằng Di tích cấp tỉnh năm 1992.
Lễ hội đền Hà Sơn tổ chức vào thời gian nào?
Lễ hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (Âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 là ngày chính hội. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng xứ Thanh, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể.
Các hoạt động trong lễ hội đền Hàn Sơn
Lễ hội Hàn Sơn được tổ chức vào tháng 6 (Âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 là ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống.
Bước vào mùa lễ hội hàng năm, xã Hà Sơn đã đón hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh.
Lễ hội Đền Hàn Sơn thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự. (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội và di tích đền Hàn Sơn Thanh Hóa đã và đang trở thành một không gian văn hóa lý tưởng, một trung tâm du lịch lễ hội Thanh Hóa hấp dẫn đặc biệt cả trong và ngoài tỉnh.