Lễ hội Xuân Phả - Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Lễ hội Xuân Phả nhằm tưởng nhớ ai?
Lễ hội làng Xuân Phả nhằm tưởng nhớ công ơn của vị Thành hoàng làng Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Đây được xem là sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, được tổ chức thường niên của người dân địa phương.
Thời gian tổ chức lễ hội Xuân Phả?
Theo truyền thống, Lễ hội Xuân Phả diễn ra mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch vào tiết Thanh Minh hàng năm. Lễ hội Xuân Phả là hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống thường niên của dân làng Xuân Phả. Xuyên suốt lễ hội sẽ bao gồm các trò diễn và trò chơi dân gian độc đáo như: Lễ tiên hiền, rước văn, rước sắc, hội thi làm cỗ, lễ tế Thành Hoàng…
Lễ hội Xuân Phả. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm
Lễ hội Xuân Phả tổ chức ở đâu?
Lễ hội Xuân Phả được diễn ra tại di tích đình làng Nghè Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Đến ngày chính thức của lễ hội, từ mọi nẻo đường, du khách gần xa sẽ tận mắt chứng kiến cảnh người người, già trẻ, gái trai, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, cùng nô nức đổ về sân nghè để tham gia lễ hội Xuân Phả. Không khí lễ hội Xuân Phả với âm thanh vang rộn của tiếng trống, tiếng nhạc, chia thành từng đoàn lộng lẫy cờ – lọng, rước kiệu, rước cỗ về sân tế.
Các hoạt động tại lễ hội Xuân Phả
Lễ hội diễn ra với các hoạt động chính: Lễ rước văn, rước sắc, rước kiệu, rước cỗ, tế lễ truyền thống, thi kéo hội và 5 điệu múa trò Xuân Phả, thi kéo co giữa các làng văn hoá.
Tế lễ trong lễ hội Xuân Phả. (Ảnh: Sưu tầm)
Đặc trưng của lễ hội Xuân Phả là thi múa Trò Xuân Phả với tên gọi Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống, gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh.
Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo đỏ, xanh và màu vàng. Các loại đạo cụ diễn trò cũng rất độc đáo, hấp dẫn với lốt voi, lốt hổ, lốt ngựa, lốt kỳ lân, mặt nạ, mũ da bò, mũ nan, siêu đao, mái chèo thuyền, cờ chạy giải...
Trò Xuân Phả. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Lễ hội Lam Kinh - Di sản phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị
Đặc trưng ở Trò Xuân Phả là các “vũ công” nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Những điệu múa của Trò Xuân Phả vừa vui, mạnh nhưng không kém phần trữ tình.
Trò Xuân Phả sử dụng nhiều đạo cụ và mỗi đạo cụ có một hình tượng riêng. Những động tác khi múa lúc uyển chuyển, nhịp nhàng khi lại mạnh mẽ tạo nên cao trào, đem đến cho khán giả một cảm giác hết sức rộn ràng, đứng ngồi không yên.
Biểu diễn Trò Xuân Phả. (Ảnh: Sưu tầm)
Trò Xuân Phả lại mang đậm yếu tố cung đình và dân gian Việt trong từng điệu múa. Với những điệu múa độc đáo, có sự pha trộn yếu tố cung đình và dân gian mang đầy tính chất ước lệ, Trò Xuân Phả cũng rất huyền bí, lộng lẫy, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của dân tộc nói chung, của người nông dân nơi nó được sinh ra nói riêng.
Trò Xuân Phả là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc Gia và trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc tại xứ Thanh.
Lễ hội truyền thống làng Xuân Phả là niềm tự hào của Nhân dân xã Xuân Trường nói riêng và của xứ Thanh nói chung. (Ảnh: Sưu tầm)
Nếu có dịp ghé thăm Thọ Xuân, Thanh Hoá vào các Tháng 2 âm lịch, bạn hãy thử một lần hoà vào dòng người, cùng tham gia vào các hoạt động xuyên suốt lễ hội Xuân Phả để cảm nhận không khí độc lạ, mang nét đặc trưng trong văn hoá của nhân dân xứ Thanh.