36.com.vn

Du lịch Thọ Xuân Thanh Hóa

Thọ Xuân là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hiến, núi sông cẩm tú, con người cần cù, giản dị, giàu lòng yêu nước. Thọ Xuân là đất thang mộc của hai vương triều hiển hách (Tiền Lê và Hậu Lê) để lại những dấu son sáng chói trong lịch sử Việt Nam. Về với Thọ Xuân du khách sẽ được về nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng.

Du lịch Thọ Xuân Thanh Hóa.

Đất Thọ Xuân đã sinh ra những vị anh hùng mở nước, giải phóng dân tộc. Từ Lê Đại Hành hoàng đế (Lê Hoàn) đến Thái tổ cao hoàng đế (Lê Lợi), Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành) - nhân vật của mọi thời đại đã làm cho Thọ Xuân trở thành vùng đất được mọi người dân Việt Nam và thế giới hướng về với tấm lòng ngưỡng mộ.

Tổng quan về Thọ Xuân

Huyện Thọ Xuân nằm về phía Tây Bắc TP. Thanh Hóa. Nơi đây có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, có trục quốc lộ 47, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, có tuyến đường từ Khu kinh tế Nghi Sơn về Cảng hàng không Thọ Xuân, khu Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Từ TP. Thanh Hóa theo quốc lộ 47 đến huyện lỵ Thọ Xuân chỉ có 36km, từ Thọ Xuân lên cửa khẩu quốc tế Na Mèo gần 150km và ra thủ đô Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh chỉ hơn 130km, đi khu kinh tế Nghi Sơn hơn 60km.

Bản đồ Thọ Xuân. (Ảnh: Sưu tầm)

Thọ Xuân là đất phát tích của 2 vương triều Tiền Lê và Hậu Lê, với 256 di tích đã được kiểm kê, nổi bật phải kể đến 2 di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và đền thờ Lê Hoàn, 4 di tích và cụm di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trò Xuân Phả.

Ngoài ra, Thọ Xuân còn được biết đến với hàng chục làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng như bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập, nem nướng thị trấn Thọ Xuân…

Những địa điểm du lịch Thọ Xuân hấp dẫn

Thọ Xuân là cái nôi linh thiêng của Xứ Thanh 'Mảnh đất địa linh nhân kiệt', có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch Văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh.

Di tích lịch sử Lam Kinh

Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm cách TP. Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1962, tiếp đó, năm 2012, nơi đây được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Được biết, sau khi đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng các kiến trúc điện, miếu... ở Lam Kinh, làm nơi ở của các vua Lê khi về quê và nơi yên nghỉ của các vị vua Lê. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế kỷ XV.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút du khách bởi không chỉ những kiến trúc độc đáo và cổ kính mang đậm chất Á Đông của kinh thành cổ, mà còn bởi những câu chuyện truyền thuyết huyền bí xoay quanh các lăng tẩm của các vị vua thời Hậu Lê. Đây là một địa điểm thuận lợi để khám phá và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Lăng mộ vua Lê Thái Tổ

Lăng vua Lý Thái Tổ. (Ảnh: Sưu tầm)

Với công trình kiến trúc đơn giản và tự nhiên, lăng mộ vua Lê Thái Tổ được biết đến như một địa danh thắng cảnh nổi tiếng của Thọ Xuân, Thanh Hóa. Lăng nằm trên khu đất bằng phẳng, bao quanh bởi núi và cây trong bầu không khí mát mẻ và trong lành. Hiện nay, Lăng vua Lê Thái Tổ đã trở thành một phần trong khu di tích lịch sử Lam Kinh, mang nét đẹp giản dị, gần gũi thiên nhiên mà tôn nghiêm, trang trọng.

Đền thờ Lê Hoàn

Đền thờ Lê Hoàn. (Ảnh: Sưu tầm)

Đền thờ Lê Hoàn nằm ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 2018, Đền thờ Lê Hoàn được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay Đền đã được tu bổ, tôn tạo khang trang nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính.

Đền thờ vua Lê có phong cách kiến trúc hình chữ Công mái xối theo kiểu đền thờ truyền thống của người Việt Mường cổ, hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chồng rường, con nhị, theo lối dầm đỡ chống nóc... tạo sự liên kết vững chắc cho ngôi đền cùng những bức chạm thủng, chạm nổi, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của người xưa.

Đặc biệt, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như, bia ký, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, hoành phi, hương án, khám thờ, tượng pháp, gốm sứ thời Lý, Trần, thời Minh và chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng vua Lê.

Phố Cổ Phố Đầm

Khu phố cổ Phố Đầm. (Ảnh: Sưu tầm)

Cách Lam Kinh 5 km về phía Bắc, du khách đến thăm khu phố cổ Phố Đầm thuộc làng Quảng Ích, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) vẫn còn đậm nét các dấu tích của một khu phố buôn bán sầm uất bậc nhất cuối triều Nguyễn và thời Pháp thuộc.

Đến đây du khách sẽ được tham quan một khu phố cổ với vị trí bến thuyền nổi tiếng một thời. Những ngôi nhà cổ san sát như 'Hội An xứ Thanh' những căn nhà 2 tầng kiến trúc Á, Âu rất đẹp, in dấu Phố Đầm hàng hiệu sầm uất, buôn bán phồn thịnh như Hiệu thuốc Tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ,...

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia - Chùa Tạu

Chùa Tạu có tên chữ là Hồi Long Tự. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Tạu thuộc xã Xuân Trường huyện Thọ Xuân có tên chữ là Hồi Long Tự, còn gọi là chùa Xuân Phả. Chùa tọa lạc trên khu đất tương đối cao và bằng phẳng phía đầu làng, cách bờ đê sông Chu khoảng 100m. Khuôn viên của chùa có diện tích 2.696m2. Chùa Tạu được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993.

Kiến trúc hiện tại của chùa mang niên đại thời Nguyễn muộn, kết cấu kiến trúc theo kiểu chuôi vồ, gồm nhà bái đường 5 gian, phần hậu cung 3 gian. Vật liệu xây chùa chủ yếu là gỗ, gạch, ngói mũi.

Đền thờ 3 vị vua

Đền thờ ba vị Vua nhà Lê. (Ảnh: Sưu tầm)

Cách thị trấn Thọ Xuân khoảng 3km về phía Nam là trang Bàn Thạch tồn tại trong lịch sử thế kỷ XV. Theo các cụ bô lão và dân làng truyền lại rằng, trang Bàn Thạch xưa, xã Xuân Quang (nay là xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là địa danh sơn kỳ thủy tú, vượng khí trung linh nên được người xưa chọn là nơi an táng của 3 vị Vua thời Lê Trung Hưng.

Cái tên đất Ba Lăng vua vì thế được nhân dân địa phương vẫn gọi cho đến nay, cụ thể là tại làng Bái Trạch xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân có phần lăng mộ của Vua Lê Dụ Tông. Tại Cồn cánh Rơi xã Xuân Quang (cũ), có phần lăng mộ của Vua Lê Mẫn Đế. Tại Cồn Nẫn (khu Đền thờ hiện tại) là nơi nhân dân phát hiện lăng mộ Vua Lê Hiển Tông.

Hiện tại, Đền đang thờ ba vị vua là: Vua Lê Dụ Tông; Vua Lê Hiển Tông và Vua Lê Mẫn Đế và khu Đền thờ Mẫu để thờ Mẫu hậu, các Hoàng hậu, các phi tần của các vị vua thời Lê Trung Hưng.

Chùa Quảng Phúc

Chàu Quảng Phúc hay chùa Đầm. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Quảng Phúc còn có tên gọi khác là chùa Đầm, tọa lạc tại thôn Quảng Phúc, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân), cách Khu Di tích Lịch sử Lam kinh khoảng 3 km về phía Đông. Chùa có tên chữ là Quảng Phúc tự (nghĩa là chùa phúc rộng).

Chùa Quảng Phúc được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIV). Trước đây chùa là một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng đạo phật của tăng ni, phật tử các huyện miền núi Thanh Hóa. Hiện nay chùa Quảng Phúc ngoài chức năng thờ Phật, còn thờ Lê Triều Thụy Hoa công chúa, Tôn thần Chiêu ứng, Tứ Kim Chính khí tước phong Dực Bảo trung hưng linh phù Tôn thần; Trần triều Mỹ Hoa công chúa, Dực Bảo trung hưng linh phù Tôn thần...

Chùa có những tác phẩm điêu khắc mang ý nghĩa trang trí làm tăng thêm sự trang nghiêm và lộng lẫy của cơ sở thờ tự. Ngoài các pho tượng trong chùa có từ thời Trần, còn có các bức cửa võng, đại tự, câu đối... được chạm khắc tinh xảo, đại diện cho nghệ thuật chạm khắc nhiều thời kỳ khác nhau.

Các lễ hội đặc sắc tại Thọ Xuân

Lễ hội Lê Hoàn

Lễ hội Lê Hoàn. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội truyền thống Lê Hoàn diễn ra từ ngày 7-9/3 âm lịch hàng năm tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như: Hội thi dựng trại binh thời Lê, các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu vật, kéo co, cờ tướng, thi làm bánh lá răng bừa.

Lễ Hội Lam Kinh

Lễ hội Lam Kinh. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu vực Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá nơi an táng vua Lê Thái Tổ. 

Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại.

Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn…

Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: Trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hoá; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên…

Lễ hội Xuân Phả

Lễ hội Xuân Phả. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội làng Xuân Phả nhằm tưởng nhớ công ơn của vị Thành hoàng làng Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Đây được xem là sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, được tổ chức thường niên của người dân địa phương.

Lễ hội diễn ra với các hoạt động chính: Lễ rước văn, rước sắc, rước kiệu, rước cỗ, tế lễ truyền thống, thi kéo hội và 5 điệu múa trò Xuân Phả, thi kéo co giữa các làng văn hoá.

Đặc trưng của lễ hội là thi múa trò Xuân Phả với tên gọi Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống, gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh.

Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo đỏ, xanh và màu vàng. Các loại đạo cụ diễn trò cũng rất độc đáo, hấp dẫn với lốt voi, lốt hổ, lốt ngựa, lốt kỳ lân, mặt nạ, mũ da bò, mũ nan, siêu đao, mái chèo thuyền, cờ chạy giải...

Tháng 9-2016, trò Xuân Phả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đặc sản Thọ Xuân Thanh Hóa

Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ.

Bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên là một trong những món ngon nổi tiếng mang hương vị thơm ngon đặc trưng xưa kia dùng để tiến Vua.

Để làm ra chiếc bánh gai, phải bỏ ra nhiều công sức từ việc chọn những hạt gạo nếp ngon rồi giã nhỏ, sau đó trộn với mật mía. Màu chủ yếu của chiếc bánh gai là màu đen của nước lá gai hòa quyện vào bột nếp tạo nên màu đen sánh.Nhân bánh được làm bằng đậu xanh giã nhuyễn, dừa hoặc thịt lợn. Sau khi nhào nặn bột nếp lá gai rồi cho nhân vào bên trong, bánh gai được gói lại bằng lá chuối khô.

Vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của đậu xanh, vừng, cùng vị ngọt của mật mía và mùi thơm đặc trưng của lá chuối khô cùng sự công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo cho chiếc bánh gai Tứ Trụ ngon có tiếng ở xứ Thanh.

Bánh lá răng bừa

Bánh lá răng bừa. (Ảnh: Sưu tầm)

Bánh lá răng bừa làng Trung Lập, xã Xuân Lập, cũng là một trong những loại bánh có từ xa xưa mang hương vị thơm ngon đặc biệt, là đặc sản tiến Vua.

Bánh được làm từ bột gạo tẻ, trộn với nhân bằng thịt lợn rồi gói bằng lá dong hoặc lá chuối tươi (chuối hạt) đã được hơ mềm qua lửa. Sau khi gói, chiếc bánh răng bừa có hình thon nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, chiều dài khoảng 20cm rồi đem luộc hoặc hấp.

Nem nướng

Đặc sản nem nướng. (Ảnh: Sưu tầm)

Vùng đất Thọ Xuân còn được biết đến bởi món nem nướng. Đây là nơi nắm giữ bí kíp làm nem nướng hấp dẫn du khách gần xa được lưu truyền qua nhiều đời.

Để có một chiếc nem ngon, từ lúc lựa chọn nguyên liệu đến khi đưa lên bàn ăn rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, cẩn trọng, gửi gắm tâm huyết, tình cảm của người chế biến dành cho thực khách gần xa.

Thịt nạc là thành phần chủ yếu của chiếc nem nướng. Bì nem nướng thái to và dài sợi hơn bì nem chua. Khi vùi trong than bếp, nhựa từ những sợi bì lợn chảy ra, nổ tí tách quyện với mùi thơm lừng, béo ngậy của thịt nạc mới chín đến khiến chiếc nem thơm ngon, mỡ màng hơn.

Chiếc nem ngon nhất là vùi trong than củi hồng rực. Khi bóc ra, nem nghi ngút tỏa mùi thơm của lá chuối, lá đinh lăng quyện mùi thịt nạc, tiêu bắc thơm lừng.

Cá rô đầm Sét

Cá ro đầm Sét.

Cá rô đầm Sét Thọ Xuân vàng ươm, béo mẫm, khi chế biến có vị thanh ngọt, rất thơm xưa kia là sản vật dùng tiến vua, ngày nay trở thành thức quà địa phương dân dã, dễ làm mê hoặc bất cứ thực khách nào.

Đầm Sét thuộc xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nằm bên dòng hạ lưu sông Chu, là vùng đất có nhiều con rạch, ruộng nước, ao hồ giàu lượng phù sa và vô số loài phù du nước ngọt…đây chính là môi trường tự nhiên thuận lợi nhất cho loài cá rô sinh trưởng và cũng là nguyên do để mùi vị đặc biệt của cá rô Đầm Sét không thể lẫn với bất cứ loại cá rô của các địa danh khác.

Bưởi Luận Văn

Bưởi đỏ Luận Văn. (Ảnh: Sưu tầm)

Nhắc đến Thọ Xuân, ta không thể không nhắc đến những quả bưởi Luận Văn chín đỏ. Đây là giống bưởi nổi tiếng duy nhất ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương. Khi còn nhỏ bưởi Luận Văn có màu xanh nhưng lúc chín thì chuyển sang màu đỏ như gấc chín.

Là giống bưởi có vị chua ngọt đặc trưng, màu sắc đặc biệt và rất thơm khi chín nên bưởi Luận Văn xưa kia đã được chọn làm sản vật để tiến Vua.

Ngoài những đặc sản trên, Thọ Xuân còn được biết đến với nhiều món ăn đặc sản như: Kẹo lạc, chè sánh lược, bánh ú làng Đầm, chim mía...

Thọ Xuân với cấu trúc địa lý một cách hài hòa giữa núi non, ruộng đồng, sông suối lại ẩn chứa trong lòng nhiều huyền thoại đặc sắc. Kỳ vọng, trong hiện tại và tương lai du lịch huyện Thọ Xuân sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.