36.com.vn

Đặc sắc lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy Sầm Sơn

Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy là lễ hội văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của nhân dân TP. Sầm Sơn, cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển lặng sóng êm; cầu cho mùa màng tươi tốt, cá tôm đầy thuyền, du lịch đạt nhiều thắng lợi; cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy Sầm Sơn.

Ý nghĩa lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy Sầm Sơn

Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy mang đậm dấu ấn riêng về văn hóa tâm linh của Sầm Sơn, một vùng đất mang đậm dấu ấn của văn hóa vùng biển, đồng thời nhắc nhớ truyền thuyết Hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy làm lễ vật dâng lên Vua Hùng. Lễ hội làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước nói chung trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Theo truyền thống, đây là Kỳ tế Đảo Vũ, kỳ Đại tế này đã trở thành lễ hội lớn trong năm của Sầm Sơn, lễ vật chủ yếu là bánh chưng, bánh giầy, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng; cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy thuyền; cầu cho mùa du lịch bội thu và tốt đẹp. Đồng thời, lễ hội còn thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

Thời gian tổ chức lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy Sầm Sơn

Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy là lễ hội văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của nhân dân Sầm Sơn, lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội văn hóa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển lặng sóng êm; cầu cho mùa màng tươi tốt, cá tôm đầy thuyền, du lịch đạt nhiều thắng lợi; cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, ấm no, hạnh phúc.

Lễ rước kiệu truyền thống. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> 05 ngôi đền linh thiêng tại Sầm Sơn

Lễ hội cũng dung hòa các sắc thái văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tôn vinh “Thần Sơn tiêu Độc Cước thượng thượng đẳng tối linh” - biểu tượng của cư dân vùng biển nói chung và cư dân Sầm Sơn nói riêng; tạo nên bức tranh văn hóa rất nhiều màu sắc, củng cố nền tảng phát triển, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thắt chặt nghĩa tình đồng bào, khơi dậy hồn thiêng sông núi.

Các hoạt động của lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy Sầm Sơn

Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với nghi thức rước kiệu truyền thống từ đền thờ, đình làng ở các xã, phường. Các cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú và thiếu nhi trong trang phục truyền thống tham gia đoàn rước kiệu đi dọc đường Hồ Xuân Hương tề tựu về sân đền Độc Cước chuẩn bị cho phần nghi lễ chính thức.

Chương trình nghệ thuật quần chúng ca ngợi vẻ đẹp của Đất và Người Sầm Sơn và sự tích bánh chưng, bánh giầy. (Ảnh: Sưu tầm)

Bên cạnh phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, lễ hội còn có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: chương trình nghệ thuật quần chúng ca ngợi vẻ đẹp, sự đổi thay của thành phố biển Sầm Sơn; sự tích bánh chưng, bánh giầy....

Hoạt động đặc sắc, hấp dẫn thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo Nhân dân và du khách chính là phần thi làm bánh giầy giữa 11 phường, xã trên địa bàn thành phố. Mỗi đơn vị chuẩn bị 20kg gạo nếp khô và các vật dụng cần thiết khác để làm 2 chiếc bánh có đường kính 30cm, cao 10cm và phải đảm bảo chất lượng, ngon, dẻo, mịn, trình bày đẹp mắt.

Các đội nhanh chóng chạy đua với thời gian để tạo ra chiếc bánh đạt chất lượng nhất. (Ảnh: Sưu tầm)

Mỗi làng chọn 7 người có sức khoẻ và kinh nghiệm, mặc trang phục truyền thống, mang theo một thúng nếp đã được ngâm sẵn, cùng các vật dụng như: nồi nấu, cối đá, chày gỗ, mâm đặt bánh, nước sạch và củi lửa để tham gia cuộc thi.

Theo các cụ cao niên trong các làng chia sẻ, để có được chiếc bánh giầy ngon dẻo phải có sự chuẩn bị công phu từ khâu chọn gạo, lá gói đến kỹ thuật chế biến.

Thanh niên khỏe mạnh được giao nhiệm vụ giã bánh sao cho thật đều tay, các cụ cao niên có kinh nghiệm đảm nhận khâu nặn bánh để khi thành sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chí, đẹp, dẻo, mịn, tròn đều và đúng thời gian, kích thước.

Thanh niên khỏe mạnh được giao nhiệm vụ giã bánh. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [Khám phá ngay]: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm

Sau tín hiệu phát lên của Ban tổ chức, chương trình thi làm bánh bắt đầu, lửa bếp được nhóm lên, các làng thi nhau hông xôi, giã xôi, nặn bánh trong tiếng trống giục, tiếng reo hò cổ vũ của nhân dân các làng cùng du khách.

Trong thời gian 40 phút, đội nào làm được chiếc bánh giầy nhanh nhất, ngon nhất và đẹp nhất sẽ giành chiến thắng.

Tất cả các công đoạn làm nên chiếc bánh giầy truyền thống được các đội thi tái diễn chi tiết, sinh động, thể hiện sự khéo léo, bản lĩnh, sức mạnh và tinh thần đoàn kết của người dân Sầm Sơn trong đời sống lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Các cụ cao niên nặn bánh tạo hình để dự thi. (Ảnh: Sưu tầm)

Sau khi lễ hội kết thúc, bánh được chia đều cho dân trong làng cùng nhau hưởng lộc, phúc để trong năm gặp nhiều may mắn và bình an.

Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy là một trong những sự kiện đặc sắc nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa - du lịch của Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn, góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với TP. Sầm Sơn.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.