36.com.vn

Những địa điểm du lịch Hà Trung Thanh Hóa đẹp và hấp dẫn nhất

Hà Trung là một huyện đồng bằng trung du của tỉnh Thanh Hóa, nơi đây có lịch sử lâu đời với bề dày lịch sử và văn hóa. Những di tích lịch sử và danh thắng của đất Hà Trung có tiềm năng du lịch rất lớn. Cùng khám phá những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của huyện Hà Trung, Thanh Hóa nhé!

Địa điểm du lịch hấp dẫn nhất huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Hà Trung là một trong những địa điểm thú vị mà bạn có thể lưu lại trong cẩm nang du lịch Thanh Hóa của mình. Nơi đây gắn liền với nhiều chiến tích lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong nhiều thời kỳ. Ngoài ra, phong cảnh thiên nhiên và đặc sản của người dân bản địa cũng là một trong những điều tạo nên sự hấp dẫn của huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Tổng quan về Hà Trung, Thanh Hóa

Huyện Hà Trung có vị trí phía Đông giáp huyện Nga Sơn, phía Tây giáp huyện Vĩnh Lộc và huyện Thạch Thành, phía Nam giáp huyện Hậu Lộc, và phía bắc giáp huyện thị xã Bỉm Sơn.

Hà Trung là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể xứ Thanh, giàu truyền thống lịch sử và văn hoá. Người dân nơi đây luôn cần cù, dũng cảm, thông minh và kiên cường trong các hoạt động sáng tạo, đổi mới và phát triển kinh tế cũng như mở rộng phát triển các địa điểm du lịch để địa phương ngày một phát triển hơn.

Những địa điểm du lịch Hà Trung đẹp và hấp dẫn nhất

Hà Trung với sự kết hợp giữa lịch sử, thiên nhiên và văn hóa đặc trưng. Điều này tạo nên một trải nghiệm du lịch độc đáo và hấp dẫn cho khách thăm quan. Sau đây là những địa điểm du lịch huyện Hà Trung, Thanh Hóa được du khách yêu thích nhất.

Đền Cô Bơ

Đền Cô Bơ  thờ một trong Tứ Phủ Thánh Cô. (Ảnh: Sưu tầm)

Đền Cô Bơ là một điểm đến đặc biệt tại Hà Trung, nơi thờ một trong Tứ Phủ Thánh Cô – nằm tại vị trí ngã ba sông và thuộc quần thể di tích của đền Hàn Sơn. Đền Cô Bơ cũng giao giữa 5 huyện bao gồm Hà Trung, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Hoằng HoáYên Định – nơi được mệnh danh là “ngũ kê huyện” (Một tiếng gà gáy 5 huyện cùng nghe). Đền Cô Bơ Thanh Hóa có lịch sử lâu đời hơn 500 năm và lưu truyền nhiều câu chuyện và truyền thuyết tâm linh kỳ bí.

Người dân nơi đây thường tổ chức ngày lễ rước kiệu, rước bóng cô Bơ về hầu thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn vài ngày 12 tháng 06 hàng năm. Đặc biệt, Đền Cô Bơ là nơi có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, phong cách kiến trúc độc đáo và là vùng đất sinh khí linh thiên của xứ Thanh.

Đền Hàn Sơn

Đền Hàn Sơn tựa như một bức tranh sơn dầu - thủy mặc.

Đền Hàn Sơn tựa như một bức tranh sơn dầu - thủy mặc, nhưng lại mang trong mình yếu tố tâm linh mà nơi khác không có được. Ngôi đền được lập ở nơi sườn non sơn thủy. Nhìn bên ngoài, đền Hàn Sơn không tráng lệ nhưng ấn tích và thời gian càng làm tăng thêm giá trị cổ kính, uy nghi và thiêng liêng của ngôi đền. Cổng đền hướng ra bờ sông Lèn, ở giữa là bức đại tự “Hàn Sơn linh từ”. Bên trong, đền được lập theo 4 cấp với 4 cung uy nghi, tráng lệ.

Sau hậu cung lên tới đỉnh núi ngự khoảng gần cây số là nơi Mẫu Đệ tam giáng thế. Tuy là đỉnh núi nhưng rất bằng địa ở giữa là một phiến đá rộng khoảng chục mét vuông, xung quanh rừng thông bạt ngàn ngày đêm lộng gió.

Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng rõ nhất cụm danh lam thắng cảnh Hàn Sơn và đồng ruộng, xóm làng con người luôn cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Lòng du khách nhẹ đi rất nhiều!. Khi về đêm, toàn cảnh TP. Thanh Hóa, TP. Ninh Bình hay biển Đông như hiện ra trước mắt ta trong tiếng gió vi vu của đại ngàn rừng thông.

Lễ hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 là ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng xứ Thanh, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể.

Đền thờ Trần Hưng Đạo

Đền Trần thuộc làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Đền Trần Thanh Hóa thuộc làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, ngôi đền đã có lịch sử xây dựng gần 700 năm thờ Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ được những hiện vật cũ như long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm, đặc biệt là con dấu (ấn triện), cho thấy quá trình tồn tại của ngôi đền trong lịch sử.

Hàng năm đền Đền Trần được tổ chức hai kỳ lễ lớn là Rằm Tháng Giêng gọi là lễ khai ấn và lễ hội chính vào ngày kỵ của đức thánh Trần (từ ngày 19 đến 21 tháng 8 âm lịch).

Mặc dù không nổi tiếng như ở Nam Định, thế nhưng lễ khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa vẫn thu hút hàng ngàn người dân tới dự lễ, xin ấn. Đây là lễ hội truyền thống của người dân địa phương nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Chầu Đệ Tứ (Đền Cây Thị)

Đền Chầu Đệ Tứ, hay còn được gọi là Đền Cây Thị, nằm tại xã Hà Ngọc thuộc huyện Hà Trung. (Ảnh: Sưu tầm)

Đền Chầu Đệ Tứ, hay còn được gọi là Đền Cây Thị hay Đền Đệ Tứ Khâm Sai, nằm tại xã Hà Ngọc thuộc huyện Hà Trung. Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp như một bức tranh sơn thuỷ mà còn mang giá trị về văn hóa và lịch sử dân tộc.

Chầu Đệ Tứ là vị thánh thứ tư trong đạo Mẫu tứ phủ, được gọi là Chiêu Dung công chúa. Đền Chầu Đệ Tứ được xây dựng để tưởng nhớ công ơn của bà. Người dân huyện Hà Trung đã và đang cống hiến công sức để trùng tu và bảo tồn đền thờ này. Đền Chầu Đệ Tứ không chỉ là một nơi thờ cúng mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách thập phương.

Phủ Mỗ - Nơi giáng sinh lần thứ ba của Mẫu Liễu Hạnh

Phủ Tây Mỗ là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. (Ảnh: Sưu tầm)

Phủ Tây Mỗ, hay còn gọi là Phủ Mỗ, có tên cổ là “Tây Mỗ Linh Từ” ở chân núi Ông Quân, làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Phủ Tây Mỗ là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nơi đây gắn với sự tích giáng sinh lần thứ ba của Mẫu Liễu Hạnh.

Phủ Mẫu Tây Mỗ có từ rất xa xưa, cách đây khoảng gần 600 năm, kể từ ngày mẫu hóa. Di tích còn lại là một cây mít cổ có tuổi hơn 500 năm. Có người nói đó là cây mít do chính tay Mẫu trồng khi còn ở cõi dương trần. Cây mít cổ này hiện vẫn nằm bên chân núi ngay bên trái ngôi Đền.

Phủ Mỗ là nơi sơn thủy hữu tình, tòa phủ mới trùng tu tựa núi Ông Quân như thể tay ngai. Mặt hướng đầm sen bán nguyệt. Từ nghi môn trụ biểu thấy bức bình phong đề Tây Mỗ Linh Từ, qua giếng ngọc lung linh tới sân đền rộn rã chim muông, ngát thơm hoa trái,có cây mít cổ thụ, tương truyền từ thuở thánh mẫu giáng sinh nay nhưng ông rắn có mào vẫn về chầu trực. Bước lên 18 bậc lan can đá chạm rồng vào tòa Tiền tế chính cung thờ Ngũ vị Tôn ông, công đồng Tứ Phủ, đôi bên thờ Tứ phủ Thánh cô, Tứ Phủ Thánh Cậu. Trung cung thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, quan Nam Tào, quan Bắc đẩu.

Hậu cung Tôn trí kim thân Thánh mẫu với kích thước lớn hơn người thật dung mạo phi phương cốt cách nhân từ, thật tôn kính mà siết bao gần gũi, trên có bảng vàng Mẫu nghi thiên hạ, đôi bên có nhị vị Tiên nương thị giả. Trở ra phía bên trái phủ là cung thờ Đức Thánh Trần, bên phải là cung thờ Phật Mẫu địa hoàng, động sơn trang và các bàn thờ cô bé cậu bé, thủ đền, thủ phủ.

Lễ hội Phủ Mỗ được tổ chức hàng năm vào ngày 7 tháng 3 âm lịch nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng ở nhiều nơi nhưng lễ hội Phủ Mỗ hiện nay được nhân dân trong làng và du khách thập phương đến dự lễ với nhiều hoạt động độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật hát văn và hầu đồng và thời gian lễ hội diễn ra trong nhiều ngày.

Chùa Long Cảm

Chùa Long Cảm, Hà Trung. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Long Cảm nằm ở núi Ốc Sơn thôn Trang Các, xã Hà Phong, huyện Hà Trung được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ, sau sự kiện năm Thuận Thiên thứ 11 (1020) khi nhà vua đem quân đi chinh phục đất phương Nam.

Ngoài những yếu tố về mặt lịch sử, chùa Long Cảm từ xưa đến nay đều do các sư nữ trụ trì và trong nhiều thế kỷ nó cũng là nơi tu hành của các ni cô.

Trải qua gần 10 thế kỷ tồn tại, kiến trúc chùa Long Cảm đã bị thay đổi qua nhiều lần tôn tạo, tu sửa. Dấu tích thời Lý chỉ còn lại 4 cột đá ở hiên chùa chính. Còn lại từ thượng Pháp đến kiến trúc chùa, bia ký, chuông đồng, khánh đá… đều mang dấu tích thời Lê – Nguyễn.

Chùa được xây dựng trên sườn núi Ốc Sơn và cấu trúc thành một thể liên hoàn: Cửa Tam Quan – Sân chùa – chùa chính – nhà thờ mẫu – nhà tổ, tiếp đó là nhà khách và nơi ở của nhà sư trụ trì. Từ sân nhìn xuống về phía đông ở khu đất thấp hơn là khu Xá Lỵ (cách khuôn viên chùa chính khoảng 15m).

Chùa Long Cảm là một công trình thờ phật quy mô. Số lượng tượng pháp, đại tự, câu đối bia ký và dấu ấn kiến trúc cổ còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, trong đó những pho tượng phật là những tài sản vô giá. Lịch sử ra đời và tồn tại của chùa Long Cảm, góp thêm một ngôi chùa có niên đại thời Lý trên đất Thanh Hóa.

Chùa Cao Hà Lĩnh (Thiên Sơn Tự)

Chùa Cao (Thiên Sơn tự) còn được gọi với tên khác là Mành Sơn tự, chùa thuộc thôn 6, xưa là làng Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Chùa Bụt Thanh Hóa - Ngôi chùa với kiến trúc 'lạ', view cửa biển đẹp ngất ngây

Chùa Cao Hà Lĩnh, hay còn được gọi là Thiên Sơn Tự, là một ngôi chùa cổ nằm tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung. Mặc dù đã trải qua nhiều tu sửa trong suốt nhiều năm và không còn nhiều kiến trúc cổ xưa, chùa vẫn thu hút sự chú ý của du khách.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý của Chùa Cao Hà Lĩnh là có 4 pho tượng Bồ Tát được đặt hướng ra 4 hướng chính là Đông, Tây, Nam, Bắc. Điều này tượng trưng cho sự bao quát và sự bảo hộ từ các vị thần trong tôn giáo. Ngoài ra, chùa còn có một cây cầu kính dài hàng chục mét và một bàn tay khổng lồ được đặt ở trung tâm.

Với kiến trúc độc đáo và mới mẻ, Chùa Cao Hà Lĩnh tạo nên một sức hút lớn đối với du khách, không chỉ trong nước mà còn từ khách du lịch quốc tế. Du khách có thể khám phá và tìm hiểu về tâm linh, tham quan các di tích và thưởng ngoạn phong cảnh xung quanh chùa. Chùa Cao Hà Lĩnh là một điểm đến độc đáo của du lịch huyện Hà Trung, mang lại cho du khách một trải nghiệm du lịch độc đáo và thú vị.

Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường

Di tích lăng miếu Triệu Tường tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung. (Ảnh: Sưu tầm)

Di tích Lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Các nhà sử học coi khu di tích này là “kinh thành Huế thu nhỏ”.

Khu di tích lăng miếu Triệu Tường được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường thuộc làng Gia Miêu – xã Hà Long. Ở đây có khu di tích Gia Miêu gồm: vùng núi lăng Triệu Tường là nơi táng ông Tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim, Miếu Triệu Tường thờ Nguyễn Kim, Nguyễn Hòang (con Nguyễn Kim) và Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lựu (thân sinh Nguyễn Kim) và Đình làng Gia Miêu - thờ thành hoàng Nguyễn Công Duẩn.

Cầu Lèn

Cầu Lèn Hà Trung Thanh Hóa. Ảnh (Sưu tầm)

Cầu Lèn Hà Trung không chỉ có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông, mà còn mang giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Khi cầu Lèn được thông tuyến, khu vực xung quanh, đặc biệt là khu vực Lèn, trở nên sôi động và tấp nập hơn.

Ngoài ra, chỉ cách vài trăm mét từ cầu Lèn là tượng đài di tích lịch sử của dân tộc, tượng trưng cho sự anh dũng và chiến đấu của dân tộc Việt Nam trong quá khứ để giành lại độc lập. Đây là nơi gợi nhớ và tôn vinh những người anh hùng đã hy sinh và đóng góp cho sự độc lập và tự do của tổ quốc.

Ngoài những địa danh kế trên, vùng đất Hà Trung còn mang trong mình nhiều địa điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa nổi tiếng, bao gồm di tích và lễ hội truyền thống đặc sắc, có thể liệt kê như sau:

- Lễ hội Phủ Trung – 26/02 âm lịch, Thị Trấn Hà Trung

- Lễ hội Đền Quan Hoàng Triệu Tường – 24/3 âm lịch, xã Hà Long

- Lễ hội Phủ Suối – 17/3 âm lịch xã Hà Vinh

- Lễ hội Phủ Đại – 9,10/3 âm lịch, xã Lĩnh Toại

- Lễ hội đền Rồng – đền Nước – 24/2 âm lịch, xã Hà Long.

- Đình Trung thuộc làng Đình Trung, xã Hà Yên, huyện Hà Trung. Ngôi Đình gọi theo tên làng từ thế kỷ XIX, đình thờ thành hoàng Tô Hiến Thành. Đây là ngôi đình có giá trị lớn cả về kiến trúc và nghệ thuật và năm 2004 được nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc Gia.

- Ly cung nhà Hồ hay còn gọi là Cung Bảo Thanh nằm trên địa bàn thôn Kim Phát, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

- Đình Động Bồng, xã Hà Tiến: Di tích lịch sử cấp Quốc Gia.

- Đình Thượng Phú (Kim Sơn) xã Hà Đông (Hà Trung, Thanh Hóa) nổi tiếng là ngôi đình với kiến trúc Chăm độc đáo.

- Ngôi đền cổ thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

- Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Trình Minh tại làng Ngọc Chuế, xã Hà Châu.

Thưởng thức đặc sản Hà Trung Thanh Hóa

Mắm tép từ làng Đình Trung, xã Hà Yên (nay là xã Yên Dương, huyện Hà Trung) là một loại mắm đặc biệt và nổi tiếng ở miền đất xứ Thanh. Là đặc sản tiến vua Thanh Hóa, loại mắm này đã tồn tại trong hàng trăm năm và có hương vị thơm ngon đặc trưng, màu đỏ gạch hấp dẫn.

Mắm tép Đình Trung nổi tiếng và độc đáo với hương vị thơm ngon và màu sắc đặc biệt. (Ảnh: Sưu tầm)

Theo truyền thống, vào mỗi dịp Tết đến, người dân trong vùng chọn những vò mắm ngon nhất để cung tiến cho vua. Điều này chứng tỏ mắm tép Đình Trung có chất lượng cao và được đánh giá là một món ăn độc đáo và đặc biệt.

Mắm tép Đình Trung đã trải qua nhiều biến động trong lịch sử, nhưng vẫn giữ được sự nổi tiếng và độc đáo với hương vị thơm ngon và màu sắc đặc biệt. Đây là một trong những sản phẩm đặc sản Thanh Hóa, mang trong mình giá trị văn hóa và ẩm thực độc đáo.

Hà Trung tự hào với sự kết hợp giữa lịch sử, thiên nhiên và văn hóa đặc trưng của nó. Điều này tạo nên một trải nghiệm du lịch độc đáo và hấp dẫn cho khách thăm quan. Trong hành trình du lịch Thanh Hóa, hãy đến và trải nghiệm những di tích lịch sử đậm đà văn hóa dân tộc của vùng đất Hà Trung bạn nhé!

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.