36.com.vn

Chùa Long Cảm - Ngôi chùa cổ 1000 năm tuổi ở xứ Thanh

Chùa Long Cảm được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ, trải qua 10 thế kỷ tồn tại, Long Cảm là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất xứ Thanh.

Chùa Long Cảm Thanh Hóa.

>>> [Bỏ Túi Ngay]: Bản đồ du lịch Thanh Hóa chi tiết, đầy đủ nhất

Chùa Long Cảm ở đâu?

Chùa Long Cảm nằm ở núi Ốc Sơn trước kia (thôn Trang Các, xã Hà Phong), nay thuộc tiểu khu Trang Các, thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Long Cảm tự có cảnh trí đẹp với lối kiến trúc cổ, được bao bọc bởi đồng ruộng và thôn quê yên bình. Long Cảm là một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Thanh.

Lịch sử chùa Long Cảm

Cổng lên chùa Long Cảm. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Những điểm du lịch Hà Trung đẹp và hấp dẫn

Chùa Long Cảm nằm ở núi Ốc Sơn thôn Trang Các, xã Hà Phong, huyện Hà Trung được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ, sau sự kiện năm Thuận Thiên thứ 11 (1020) khi nhà vua đem quân đi chinh phục đất phương Nam. Sử cũ cho biết: Trên đường đi chinh phục đất phương Nam, vua Lý Thái Tổ đã cùng đoàn quân của mình đóng quân trên núi Ốc Sơn. Đêm đến nhà vua nằm mộng thấy vị thần linh ở núi hiện đến và hứa sẽ trợ lực cho nhà vua trong cuộc tiến quân này. Công cuộc chinh phục phương Nam thắng lợi, về tới kinh đô, truy nhớ lại sự tích trên và để trả ơn vị thần linh giúp sức, vua Lý Thái Tổ đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa lấy tên Long Cảm. (Long là Rồng, nhà vua cảm tạ ơn).

Ngoài những yếu tố về mặt lịch sử, chùa Long Cảm từ xưa đến nay đều do các sư nữ trụ trì và trong nhiều thế kỷ nó cũng là nơi tu hành của các ni cô.

Không gian, kiến trúc chùa Long Cảm

Trải qua gần 10 thế kỷ tồn tại cùng thời gian, chùa Long Cảm đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Dấu tích thời Lý còn lưu giữ tại ngôi chùa cổ là 4 cột đá ở hiên chùa chính, bên trên khắc chữ Hán cổ. Còn lại, kiến trúc, tượng pháp, bia ký, chuông đồng, khánh đá... đều mang dấu tích thời Lê - Nguyễn.

Chùa Long Cảm nằm trong không gian làng quê tĩnh lặng. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Những ngôi chùa Thanh Hóa nổi tiếng đẹp và linh thiêng

Tọa lạc trên sườn núi Ốc Sơn, di tích chùa Long Cảm nằm trong không gian làng quê tĩnh lặng. Từ dưới chân núi, khách bộ hành men theo từng bậc nhỏ để lên trên chùa, cảm giác thanh tịnh và thật sự trong lành. Sư cô Thích Đàm Hảo trong bộ áo nâu sồng dẫn chúng tôi dạo bộ một vòng quanh chùa Long Cảm. Kia là 4 cây cột đá dựng chùa có từ thời Lý. Qua nhiều lần trùng tu, những cột đá được cố gắng giữ, để đến hôm nay, đó là dấu tích chứng minh cho lịch sử ngôi chùa cổ. Phía dưới sân chùa là khánh đá lớn, gõ vào tiếng kêu vang; rồi cả những văn bia công đức với niên đại khác nhau đã mờ nét chữ...

Dấu tích thời Lý còn lưu giữ tại ngôi chùa cổ là 4 cột đá ở hiên chùa chính, bên trên khắc chữ Hán cổ. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Long Cảm gồm nhiều công trình nhỏ: chùa chính, nhà thờ Mẫu, nhà tổ... Trong đó, chùa chính gồm 3 gian kết cấu vì kèo theo kiểu “chồng giường, giá chiêng” với 4 hàng chân cột (cột cái, cột quân), phía trên là “câu đầu”... trên các vì kèo được trang trí hình các con giống như rồng, ngựa, hưu. Trong phật điện là hệ thống tượng phật, tượng hộ pháp, câu đối, đại tự. Hai pho tượng hộ pháp cổ được đặt hai bên với dáng tượng tạo tác kiểu vũ sĩ kích thước cỡ lớn, mặc áo giáp, tay cầm khí giới, đầu đội mũ trụ.

Bên trong chùa Long Cảm có tám pho tượng của tám vị tổ sư từng tu hành tại chùa, được coi là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, tinh xảo. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [GỢI Ý CHO BẠN]: Bản đồ du lịch tâm linh Thanh Hóa đầy đủ nhất

Gian giữa của Phật điện được bài trí các pho tượng cổ với 5 lớp ban thờ từ trên xuống dưới. Trên cùng là 3 pho tượng Tam Thế ngồi trên tòa sen, tượng trưng cho chư Phật ba đời: quá khứ, hiện tại, tương lai (vị lai); lớp ban thờ thứ hai là tượng Di Đà Tam Tôn, phật A Di Đà (tư thế tọa thiền), tượng Quan Thế Âm và Đại Chí Thế; lớp ban thờ thứ ba là Phật Thích Ca sơ sinh đứng trong tòa Cửu Long, bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát ngồi trên lưng sư tử và Phổ Hiền Bồ Tát ngồi trên voi trắng (bạch tượng); thứ tư là ban thờ có tượng Thánh Tăng, Thổ địa và Đức ông... Ngoài các pho tượng cổ, bên trong chùa chính cũng là nơi lưu giữ các mảng chạm khắc trang trí (bức võng, cốn mê, đại tự) tinh xảo với dấu tích điêu khắc thời Nguyễn.

Từ chùa chính, có “ngách” đi thông xuống nhà thờ Mẫu với kiến trúc “ba gian, hai vì kèo” bốn hàng chân cột được tạo tác bằng đá xanh. Trên các cây cột đá cũng được khắc chữ cổ mềm mại. Trong gian thờ Mẫu hiện lưu giữ các pho tượng cổ có giá trị tâm linh và cả nghệ thuật. Bên ngoài nhà thờ Mẫu còn cả bức đại tự cổ với dòng chữ “Giai trì xuân sắc”.

Hiện ngôi chùa đã xây dựng xong khu đại Giảng đường-Nhà khách dưới chân núi để có nơi hoằng dương chính pháp, và mở các khóa tu cho tín đồ phật tử.

Cây xoài trên 1.000 năm tuổi, cây to 2 người ôm không hết, tán lá xum xuê, tỏa bóng mát rượi sân chùa. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> KHÁM PHÁ: Lăng miếu Triệu Tường - 'Kinh thành Huế thu nhỏ' ở Hà Trung Thanh Hóa

Ngôi chùa còn có cây xoài trên 1.000 năm tuổi, cây to 2 người ôm không hết, tán lá xum xuê, tỏa bóng mát rượi sân chùa. Xung quanh thân cây, từ gốc lên tới ngọn được quấn quanh bởi chi chít cây tầm gửi. Sư cô Thích Đàm Tâm cho biết, lạ là mưa to, gió lớn, bão bùng cũng không quật ngã, làm gãy đổ được cây. Bên cạnh đó là cây ngâu tuổi đời cũng đã 500 năm tuổi. Mùa hoa ngâu, mùi hương ngâu hòa quyện với mùi trầm lan tỏa khắp không gian trầm mặc, tôn nghiêm của chùa.

Cặp khánh đá cổ nghìn năm tuổi mãi vang vọng

Ấn tượng nhất với phật tử và du khách bốn phương khi đến vãn cảnh chùa Long Cảm là cặp khánh đá cổ đặt ở sân chùa. Hai chiếc khánh rất lớn, nặng khoảng 300-400 kg, cùng màu đá xanh xám, được treo ngay ngắn trên các trụ đá và đặt song song nhau. Điểm khác của chúng là một chiếc có hoa văn chạm trổ hình đám mây, một chiếc đơn thuần là phiến đá lớn tạc hình bán nguyệt được làm phẳng. Căn cứ vào các thư tịch cổ và văn tự khắc trên đôi khánh đá, các nhà nghiên cứu lịch sử đều có chung nhận định, chúng không có chung nguồn gốc cũng như niên đại.

Chiếc khánh đá cổ nghìn năm tuổi này chỉ cần lấy tay vỗ sẽ phát ra những tiếng kêu trầm bổng ngân dài. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Đền Cô Bơ Thanh Hóa - Chốn thờ tự linh thiêng nơi gà gáy 5 huyện nghe

Được biết, chiếc khánh lớn có họa tiết hoa văn vốn không phải của nhà chùa Long Cảm. Trước đây nó ở trong ngôi chùa bên làng Thượng (xã Hà Phong). Do trước đó, chùa Thượng bị đổ, nhiều đồ thờ bị vỡ hỏng, có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo để bảo quản. Sau này, người đó thuê người trục vớt lên, đem về chùa Long Cảm cung tiến nên nhà chùa treo bên cạnh chiếc khánh cổ ở sân.

Riêng chiếc khánh đá cổ của chùa Long Cảm không rõ có từ bao giờ. Nhìn khánh đá cổ trông giản dị, mộc mạc, không có hoa văn, lại bị sứt một mảng to nơi thường dùng để gõ, có thể do sử dụng nhiều…

Chiếc khánh rất lớn, nặng đến hàng chục người khiêng, màu đá xanh xám, được treo trên các trụ đá. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Khám phá ngay: Đền Hàn Sơn Thanh Hóa - Danh thắng kỳ vĩ

Điểm khác biệt lớn nhất của hai chiếc khánh cổ còn nằm ở tiếng ngân vang. với chiếc khánh đá cũ chỉ cần lấy tay vỗ vỗ sẽ phát ra những tiếng kêu trầm bổng ngân dài. Nếu dùng vồ gỗ gõ mạnh, nó ngân như tiếng chuông đồng, vang xa. Còn với chiếc khánh lớn mới được đưa về từ làng Thượng, dù gõ mạnh đến mấy cũng chỉ phát ra tiếng “lạch, cạch” trầm đục.

Hiện du khách thập phương vẫn thường tìm đến chùa để tự tay gõ nhẹ vào khánh đá cổ mà nghe tiếng kêu, để tâm hồn thanh thản. Có người gõ khánh để cầu may mắn, bình an hay cầu tự.

Quả chuông được đúc hơn 200 năm trước. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Chùa Giáng - ngôi chùa cổ trên đất xứ Thanh

Ngoài hai chiếc khánh đá cổ, chùa Long Cảm còn có quả chuông được đúc hơn 200 năm trước. Chỉ nặng 70 kg song tiếng chuông vang rất xa, đứng cách hàng km vẫn có thể nghe được.

Trải qua gần 10 thế kỷ, nhiều triều đại phong kiến đời sau đều rất quan tâm đến ngôi chùa độc đáo này. Nhiều tao nhân mặc khách cũng coi đây là chốn đi về bái Phật cầu an, vãn cảnh, tu dưỡng tâm tính, để lại nhiều thơ phú.

Hàng năm vào dịp Tết hoặc ngày rằm, mùng một, rất đông người dân và du khách thập phương đã đến vãn cảnh, lễ phật tại ngôi cổ tự Long Cảm.

Với sự uy nghiêm, linh thiêng của ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi, phong cảnh thơ mộng, hữu tình nơi đây, chùa Long Cảm sẽ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của tăng, ni, phật tử và nhân dân gần xa; trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của huyện Hà Trung.

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.