Địa điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa.
1. Đền Bà Triệu
Đền Bà Triệu Hậu Lộc
Đền Bà Triệu thuộc khu di tích lịch sử Bà Triệu, ngôi đền được lập dưới thời vua Lý Nam Đế nhằm tưởng nhớ đến công ơn của vị nữ anh hùng bất khuất Triệu Thị Trinh, người đã có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô vào giữa thế kỷ thứ 3.
Đền thờ Bà Triệu tọa lạc trên ngọn núi Gai, thuộc địa phận làng Phú Điền, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Cách TP. Thanh Hóa 18 km về phía Bắc và cách Hà Nội 137 km về phía Nam.
Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, các kho tàng sự tích, ca dao, huyền thoại và cả những hiện vật hiếm có.
2. Khu di tích Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh Thọ xuân, Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)
Khu di tích Quốc gia Lam Kinh có lịch sử hàng trăm năm với kiến trúc triều đình độc đáo. Tưởng chừng là một cố đô đã bị lãng quên nhưng giờ đây Lam Kinh nổi lên là khu du lịch tâm linh Thanh Hóa chứa đựng nhiều câu chuyện truyền thuyết huyền bí.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt.
Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Nơi này còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua. Không gian nơi đây rộng rãi, thanh bình với cây cối bao quanh nhiều điện miếu, lăng tẩm vô cùng mát mẻ.
Là địa điểm du lịch Thanh Hóa nổi tiếng, cố đô Lam Kinh thu hút du khách bởi kiến trúc thiết kế vô cùng độc đáo. Nơi đây được xây dựng với các khu vực chính: Điện, miếu, lăng mộ và các khu vực dành để tản bộ, thư giãn.
3. Đền Sòng Sơn
Đền Sòng Sơn tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
Đền Sòng Sơn nổi tiếng trong dân gian với câu ca “Đền Sòng thiêng nhất xứ thanh”. Ngôi đền thiêng tọa lạc trên thế đất “Hữu bạch hổ, tả thanh long”, lại cận kề QL1A, rất thuận lợi cho du khách vãn cảnh, thắp hương, chiêm bái.
Địa chỉ đền Cô Sòng Sơn ở Thanh Hóa cụ thể thuộc trang Phú Dương, xã Cổ Đam, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Địa chỉ này cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 130km. Giao thông thuận lợi nên mỗi năm, ngôi đền này đón một lượt du khách rất lớn đến tham quan và chiêm bái.
Đền Sòng Sơn thờ Mẫu Liễu Hạnh, vị thần quan trọng trong đạo Mẫu Việt Nam - một trong “Tứ bất tử” của dân gian Việt Nam. Đền Sòng Sơn được khởi dựng năm nào, đến nay vẫn chưa tìm được tư liệu xác định chính xác.
Đền Sòng được xây dựng theo kiến trúc kết hợp giữa kiểu dáng thời Lê trung hưng và thời Nguyễn, mang đậm nét truyền thống đình, đền Việt Nam.Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội, không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, mà còn là điểm đến tâm linh tín ngưỡng có giá trị trường tồn trong văn hóa người Việt.
4. Đền Cô Chín
Đền Cô Chín tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
Đền Cô Chín là một trong những di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng tại xứ Thanh. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh lý tưởng mà còn là địa điểm để du khách có cơ hội tham quan dòng suối trong lành. Du lịch Thanh Hóa đừng bỏ lỡ nơi có “chín miệng giếng thiêng” huyền thoại này.
Địa chỉ đền Cô Chín ở Thanh Hóa cụ thể nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Địa chỉ này cách Hà Nội khoảng 130km. Giao thông thuận lợi nên mỗi năm, ngôi đền này đón một lượt du khách rất lớn đến tham quan và chiêm bái.
Đền Cô Chín là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất xứ Thanh, mỗi năm, ngôi đền đón tiếp một lượng lớn khách du lịch và người dân địa phương đến dâng lễ. Nếu có dịp ghé thăm ngôi đền này vào ngày 26/2 âm lịch, bạn sẽ được hòa chung không khí của các lễ hội truyền thống địa phương. Bên cạnh đó, vào khoảng 9/9 âm lịch là thời gian chính hội tại đền Cô Chín.
5. Đền Cô Tiên
Đền Cô Tiên tại TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Đền Cô Tiên nằm trên đỉnh hòn Đầu Voi cuối dãy Trường Lệ. Ngôi đền có vị thế khá đẹp và thoáng đãng, là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đi du lịch Sầm Sơn.
Đền Cô Tiên được xây dựng vào thời Lý theo kiểu kiến trúc cổ, gồm 3 lớp: Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung. Kiểu kiến trúc hình chữ Đinh (hay kiến trúc chuôi vồ). Trải qua bao độ mưa nắng, gió bão và sự tàn phá của chiến tranh ngôi đền đã bị hư hỏng nặng. Ngôi đền đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo.
Trong Hậu Cung của đền có đặt bàn thờ Tam tòa Thánh Mẫu: Thánh mẫu Thượng Thiên (tức là bà chúa Liễu Hạnh), Mẫu Thượng Ngàn, Thánh mẫu Thoải. Về nghi thức thờ cúng ngôi đền thờ ba vị Thánh Mẫu, nhưng xét theo tên gọi và đời sống tâm linh của nhân dân địa phương thì bà Chúa Liễu Hạnh có một vị trí đặc biệt.
Ngoài Đền chính, trong quần thể Di tích Đền Cô Tiên Thanh Hóa còn có Đền trình - Quan Giám, Miếu lộ thiên Nam Hải Đại Vương và Miếu Cô Chín.
6. Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng là địa điểm du lịch hấp dẫn với kiến trúc độc đáo, quy mô tầm cỡ. Công trình tâm linh này ngự trên ngọn đồi cao, bên bờ sông Mã và xung quanh là rừng thông xanh ngút ngàn.
Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc trên đồi C4, thuộc địa phận phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2010 trên diện tích 9ha và sở hữu vị trí đắc địa “tọa sơn hướng thủy”, khi sau lưng là núi, trước mặt là dòng sông Mã huyền thoại gắn với những chiến công hiển hách trong lịch sử.
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng gây ấn tượng với quy mô tầm cỡ gồm 12 hạng mục công trình. Khi đến đây, du khách sẽ bước qua cổng Tam quan phía ngoài, tiếp theo là hàng trăm bậc đá dẫn lên cổng Tam quan phía trong và ngôi Đại Hùng Bảo Điện lớn. Trung tâm thiền viện là nhà thờ Tổ, hai bên là lầu chuông - lầu trống, Trai đường, khu nhà Tăng, Thiền đường, nhà giảng kinh, bến thuyền. Tất cả hạng mục công trình đều được thiết kế tinh tế, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên xung quanh.
Đến thiền viện Trúc Lâm Thanh Hóa, du khách sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp độc đáo của một công trình tâm linh tầm cỡ. Nơi đây còn khiến bạn có cảm giác như lạc vào một thế giới khác với không gian thanh tịnh, linh thiêng giữa rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên triền đồi thoai thoải.
>> Xem thêm: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp lịch sử của Cầu Hàm Rồng Thanh Hóa
7. Chùa Sung Nghiêm Diên Thánh
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh toạ lạc ở thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được xây dựng quy mô trên một nền chùa cũ đã đổ nát vào thời gian sau sự kiện vua Lý Nhân Tông trở về kinh đô.
Hiện nay, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có bốn gian hậu cung, năm gian tiền đường, nhà tổ năm gian và gần đây mới làm thêm hai gian ở phía hữu. Hậu cung thờ Phật, tiền đường thờ Lý Thường Kiệt. Sự kết hợp giữa chùa và đền cũng là một đặc điểm ở di tích này và gần như phổ biến ở các di tích khác trong thời điểm lịch sử của nước ta vào thế kỷ XIX - thế kỷ XX.
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, là một trong số rất ít chùa cổ có từ thời Lý còn lại ở Thanh Hóa. Chùa còn nhiều hiện vật cổ quý hiếm như: Kiểu dáng kiến trúc, tượng Phật, tấm bia thời Lý (khắc năm 1118), tấm bia thời Lê (khắc năm 1604), bệ đá hình sư tử đội tòa sen (tương tự bệ đá chùa Thầy ở Hà Nội), các tượng gỗ có từ thế kỷ thứ XVII, chuông đúc thời Gia Long (năm 1818), ngói lá đề, gạch hoa thời Lý... Với những giá trị to lớn ấy, năm 1990 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; năm 2019 được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
́8. Chùa Giáng
Chùa Giáng tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Chùa nằm ở địa phận làng Giáng xã Vĩnh Thành, nên gọi là chùa Giáng. Chùa Giáng có tên chữ là Tường Vân. Từ năm 1992, thị trấn Vĩnh Lộc thành lập, chùa Giáng thuộc về địa phận khu phố 3 thị trấn Vĩnh Lộc.
Chùa được xây dựng dưới triều vua Trần Duệ Tông (1372 – 1377), có vị trí địa thế thuận về sông, núi, thoáng gió, tụ khí, dòng chảy, phương vị. Thủa sơ khai, chùa được làm 4 gian, trải qua thời gian, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, kiến trúc ban đầu, hệ thống ao vua ngăn cách bởi mặt đường vào Tam Quan.
Khuôn viên chùa Giáng được giới hạn bởi cây đa sum suê, cây mít lá xanh đế, gỗ vàng đều mang linh khí của thần, là cây đại hút sinh lực của trời truyền cho đất, cây sung kết trái từng chùm, những rặng tre vươn cao tầm không đức độ, hàng cây thẳng tắp tỏa tán, những bông hoa hồng ngan ngát hương thơm, tất cả tạo nên một thế giới tâm linh.
Với vị thế đẹp, kiến trúc hoa văn trang trí độc đáo, cùng với sự linh thiêng, chùa Giáng Thanh Hóa không chỉ là điểm thu hút nhiều khách du lịch mà đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh.
Thanh Hóa cũng là nơi hội tụ nhiều điểm du lịch tâm linh giàu tính lịch sử, rất phù hợp cho bạn có thể cùng gia đình, bạn bè đến trải nghiệm để tận hưởng khoảng thời gian thật thanh tịnh, an yên.