36.com.vn

Những địa điểm du lịch Yên Định không nên bỏ lỡ

Yên Định, vùng đất gắn liền với các di tích cổ từ lâu đã được nhiều người nhắc đến bởi bề dày lịch sử, sự phong phú về giá trị văn hóa có trong mỗi điểm đến. Hãy cùng khám phá những địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ nhé!

Những địa điểm du lịch Yên Định không nên bỏ lỡ.

Tổng quan về huyện Yên Định

Yên Định là một huyện bán sơn địa và nằm dọc theo sông Mã trong tỉnh Thanh Hóa. Cách TP. Thanh Hóa khoảng 28 km về phía Tây Bắc. Huyện Yên Định có diện tích 228,83 km², dân số vào năm 2019 là 165.830 người, với mật độ dân số đạt 725 người/km². Yên Định cũng là địa phương có tuyến đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua.

Bản đồ huyện Yên Định, Thanh Hóa.

Trong lịch sử, Yên Định là vùng đất của bốn con sông: sông Mã, sông Cầu Chày, sông Mạn Định và sông Nhà Lê. Sông Mã và sông Cầu Chày mang đến nguồn phù sa mùa lũ cho vùng đất này. Sông Mạn Định là một sông tự nhiên và sông Nhà Lê là một kênh đã trở thành trầm tích lưu miên trong sách sử.

Trên địa bàn Yên Định, có một hồ nước mang tên Cựu Mã Giang, có chiều dài 5,5km và chạy qua 3 xã: Yên Thọ, Yên Trung, Yên Trường. Nhiều người còn gọi Cựu Mã Giang là Tây Hồ của Yên Định.

Yên Định cũng nằm giữa ba địa điểm nổi tiếng khác trong lịch sử Việt Nam, bao gồm Đông Sơn, Thành Nhà Hồ và di tích Lam Kinh. Đông Sơn là nơi tìm thấy nhiều di chỉ đồ đồng cổ nổi tiếng. Thành Nhà Hồ là di tích của vương triều Nhà Hồ, một triều đại quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Lam Kinh là nơi sinh sống và thờ tự người anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh và thành lập nhà Lê sơ.

Nếu du khách ghé thăm Yên Định, không nên bỏ lỡ những điểm đến hấp sau đây của du lịch Yên Định:

Đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ Yên Định, Thanh Hóa.

Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử – văn hóa ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, cách TP. Thanh Hóa 40 km về phía Tây Bắc. Đền tọa lạc trên chân núi Khả Lao, nằm trong quần thể di tích núi Tam Thai, chùa Thanh Nguyên, Quán Triều Thiên, hồ Bán Nguyệt, Bến Trường Châu, hang động thông với sông Mã thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê – Trịnh (1630), miếu được Xây dựng khang trang, to đẹp hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ – vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn.

Đền Đồng Cổ Thanh Hóa có kiến trúc cổ kính, độc đáo: Nhà tiền đường kết cấu 5 gian, kiến trúc hai tầng mái. Qua tiền đường là chính tẩm, rộng ba gian, có kết cấu giáp mái với tiền đường. Sau cùng là hậu cung, lưng dựa vào vách núi, được bố cục gọn gàng với lối kiến trúc cổ kính. Điều đặc biệt là trống đồng - linh vật mang tính biểu tượng của ngôi đền - đều được đặt ở vị trí trang trọng ở tiền đường, trung đường và hậu cung.

Trước mặt đền là hồ Bán Nguyệt với màu nước xanh ngọc bích. Ngoài ra đền còn được ba ngọn núi bao quanh, sau lưng núi là sông Mã với bến Trường Châu... cả không gian, cảnh sắc ấy như gợi mở về truyện xưa tích cũ, những câu chuyện về núi và thần Đồng Cổ cũng theo dòng thời gian, lịch sử mà hiện ra đầy huyền bí, linh thiêng.

Với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc, năm 2001, đền Đồng Cổ được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đây là điểm du lịch Thanh Hóa gắn với các mốc sự kiện quan trọng của tỉnh Thanh Hóa.

Di tích Phủ Cẩm

Di tích Phủ Cẩm xã Định Công, Yên Định.

Phủ Cẩm tọa lạc tại xã Định Công, huyện Yên Định đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và lịch sử. Với kiến trúc độc đáo và quy mô lớn, Phủ Cẩm Yên Định đã trải qua hàng trăm năm và là một trong những di tích lịch sử quan trọng của khu vực này.

Khi bước vào Phủ Cẩm Yên Định, bạn sẽ bị mê hoặc bởi những tòa nhà cổ xưa, những sân vườn xanh tươi và không gian yên bình. Đây là nơi mà bạn có thể tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa của người dân Thanh Hóa trong quá khứ.

Làng Du lịch Yên Trung

Làng du lịch Yên Trung, xã Yên Trung, Yên Định. (Ảnh: Sưu tầm)

Làng du lịch Yên Trung tọa lạc tại thôn Nam Thạch, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cách TP. Thanh Hóa hơn 40km và cách sân bay Thanh Hóa hơn 20km. Đây là khu du lịch mới nổi nhưng đã thu hút không ít khách du lịch ghé thăm.

Tất tần tật những gì gần gũi, thôn quê, dân dã và tuổi thơ nhất bạn sẽ được tham gia khi đi du lịch tại đây, bạn được trải nghiệm cuộc sống thực tế, cùng người dân làm việc như đánh dậm, chèo thuyền, bắt cá trong bộ áo bà ba.

Đến đây, đầu tiên bạn sẽ được tham quan ngôi nhà cổ tại làng du lịch ở vùng quê Bắc Trung Bộ. Ngôi nhà này có tuổi đời cả trăm năm tuổi, mang đậm kiến trúc và lối sống của người Việt xưa. Với các hình ảnh sân đình, giếng nước chân chất và đầy ký ức... Sau đó, bạn có thể tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, tham gia các hoạt động thú vị tham gia cùng người dân bao gồm đánh dậm, bắt cá trong ao. Hay chèo thuyền, đạp vịt cùng gia đình.

Đền Hổ Bái

Đền Hồ Bái, xã Yên Trường, Yên Định. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Thành Nhà Hồ - Di tích, địa điểm du lịch nổi tiếng Thanh Hóa

Đền Hổ Bái là ngôi đền cổ với tuổi đời gần 2.000 năm thờ thần Lạc Hầu Hợp Lang, người con thứ mười một của Vua Hùng.

Hợp Lang vốn là một người có diện mạo khác thường, trí dũng siêu việt. Trong một lần theo dòng sông Mã tìm đến đất Trang Trân Bái ở huyện Yên Định (nay là làng Hổ Bái), sau khi quan sát đất trời, nghiên cứu địa hình, ngài thấy hình sông thế núi nơi đây uyển chuyển với giải đất anh linh khẳng định đây là chốn linh thiêng, bèn cho xây dựng một ngôi đền thờ ở bên sông - chính là đền Hổ Bái ngày nay. Công việc xong, Lạc Hầu trở về thủy cung vào ngày 4 tháng Tư. Từ đó trở đi, ngày này trở thành một ngày lễ lớn để người dân nhớ tới công lập làng dựng đền của thần Hợp Lang.

Cũng theo sử sách ghi chép lại, liên quan đến đền Hổ Bái, ngoài sự kiện thần Hợp Lang về cho xây dựng đền thì vẫn còn 3 sự kiện quan trọng và ý nghĩa khác. Đó là trong một lần Bà Trưng về đền cầu anh linh Vua Hùng phù hộ để diệt giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Tiếp sau là vào năm 1286, đứng trước cảnh hạn hán khốc liệt, vua Trần Nhân tông lệnh cho các Đình thần trở về chính ngôi đền thờ thiêng ở Trang Trân Bái làm lễ tế để xin cho đất nước qua cơn hoạn nạn. Năm 1888, thực dân Pháp đưa quân về đàn áp nhân dân Hổ Bái. Bỗng một hôm, ngôi đền bốc cháy dữ dội. Từ cổng nghinh môn, đền chính, tẩm cung, tượng, ngọc phả đều biến thành tro bụi. Nhưng chỉ tám năm sau, đến đời vua Thành Thái (1896), đền đã được xây dựng lại bề thế và vững chắc như trước.

Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Yên Trường

Khu di tích Bác Hồ, xã Yên Trường, Yên Định. (Ảnh: Sưu tầm)

Khu di tích Bác Hồ tọa lạc tại thôn Lựu khê , xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 11 tháng 12 năm 1961, Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã về thăm mô hình hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường. Nơi máy bay chở Bác hạ cánh thuộc khu đất đội 4, xã Yên Trường, Yên Định, Thanh Hóa (Ngày nay thuộc thôn Lựu Khê, xã Yên Trường).

Năm 1979, tại vị trí Bác Hồ nói chuyện với Cán bộ, nhân dân Yên Trường đã được xây dựng thành Khu di tích Bác Hồ, bao gồm 01 Tượng đài, 01 ao cá (ở giữa ao có nhà dâng hương) và xung quanh là khuôn viên, vườn cây râm mát.

Năm 1993, Khu di tích Bác Hồ được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Di tích lịch sử Điện Thừa Hoa - Từ đường Phúc Quang

Điện Thừa Hoa - Từ đường Phúc Quang, Định Hòa, Yên Định. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Du lịch Lam Kinh Thanh Hóa - Cố đô cổ xưa ở xứ Thanh

Điện Thừa Hoa (còn gọi là Phủ Nhì, Đền Thánh Mẫu) thuộc di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia Điện Thừa Hoa và từ đường Phúc Quang mà trung tâm là đền thờ Thánh Mẫu Ngô Thị Ngọc Dao (thân mẫu Vua Lê Thánh Tông) nằm ở làng Thung Thượng và Thung Thôn, xã Định Hòa, huyện Yên Định.

Theo gia phả họ Ngô ở xã Đinh Hòa, tháng 2 năm Hồng Đức thứ 4 (1473) Vua Lê Thánh Tông ngự về Tây Kinh (tức Lam Kinh) bái yết tổ tiên đã về thăm quê ngoại, cho tu sửa Thuần Mậu đường và đổi tên là Phúc Quang từ đường, đồng thời cho xây dựng một cung để phụng dưỡng mẹ (Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao) đặt tên là Điện Thừa Hoa.

Điện Thừa Hoa xây dựng cách đây đã gần 600 năm, là nơi thờ Chính Quang thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bà sinh năm Canh Tý (1420) con gái Dụ Vương Ngô Từ, là người phụ nữ có vị trí đặc biệt trong lịch sử triều Lê, có ảnh hưởng và công lao to lớn với 3 vị vua Lê (bà là vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông và là bà nội vua Lê Hiển Tông) - là những vị vua anh minh, khiến cho thời Lê Sơ trở thành thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Bà được sử sách ghi nhận, tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”.

Hiện khu di tích còn lưu giữ 3 đạo sắc phong quý. Hàng năm vào ngày 26-3 âm lịch người dân địa phương lại tổ chức lễ hội Phủ Nhì, xưa là Quốc lễ vì được vua đặc ân ban kinh phí từ lộc điền và tiến lễ hàng năm. Việc chuẩn bị được bắt đầu từ ngày 8-3 âm lịch (ngày giỗ cụ Ngô Từ). Một trong những phần hấp dẫn và độc đáo trong lễ hội là nghi lễ rước bóng Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao từ ngoài vào Điện Thừa Hoa vào ngày 25-3. Nét đặc biệt của nghi lễ này là chỉ có con gái mới được tế lễ.

Yên Định là các địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và Quốc gia. Bên cạnh đó, Yên Định còn được biết đến là một vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống,... hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi đặt chân đến quê hương Bà Triệu anh hùng.

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.