36.com.vn

Những địa điểm du lịch Vĩnh Lộc Thanh Hóa không thể bỏ lỡ

Huyện Vĩnh Lộc là một trong top những địa điểm du lịch nổi tiếng, nhiều người biết của tỉnh Thanh Hóa. Cùng khám phá những địa điểm du lịch Vĩnh Lộc thú vị nhé!

Các địa điểm du lịch nổi tiếng tại huyện Vĩnh Lộc.

Khi du lịch Thanh Hóa, chắc chắn bạn phải ghé thăm Vĩnh Lộc. Đây là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhiều người tới ghé thăm. Nếu bạn chưa biết đi đâu, làm gì ở Vĩnh Lộc, hãy cùng điểm qua những địa điểm du lịch thú vị, đáng đến ở nơi đây nhé!

Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa Thế giới

 

Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới.

Thành nhà Hồ là tòa thành đá độc đáo có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đây cũng là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới mà kỹ thuật xây thành đến ngày nay vẫn còn nhiều bí ẩn.

Thành nhà Hồ bắt đầu khởi công vào mùa xuân năm Đinh Sửu. Mục đích của việc xây thành này là để buộc vua Trần Nhân Tông phải dời kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, nhằm lật đổ triều Trần. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô của triều đại mới.

Thành nhà Hồ được xây dựng chỉ trong vòng 3 tháng, sau đó được tiếp tục hoàn thiện cho đến năm 1402. Các cổng của thành nội đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi, các phiến đá được xây dựng đặc biệt lớn. Thành nhà Hồ có trình độ kỹ thuật xây vòm đá rất cao. Các phiến đá nặng hàng chục tấn được ráp với nhau một cách tự nhiên, không chất kết dính mà vẫn còn tồn tại sau 600 năm.

Thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc độc đáo, địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Thanh Hóa. Ghé thăm nơi này, bạn như được quay ngược thời gian, trở về thời xa xưa, được tận mắt nhìn thấy, chạm tay vào những phiến đá để cảm nhận vẻ đẹp tiềm ẩn và huyền bí của thành nhà Hồ.

Thắng cảnh Kim Sơn

Danh thắng Kim Sơn - Chốn bồng lai tiên cảnh ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)

Danh thắng Kim Sơn Vĩnh Lộc là nơi lưu lại bút tích của chúa Trịnh một thời vang dội. Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, chưa hề bị bê tông hóa, cùng hệ thống miếu chùa, hang động, bờ suối thơ mộng,.. Chính vì thế mà danh thắng Kim Sơn Thanh Hóa được du khách thập phương ví von là tuyệt tình cốc giữa lòng xứ Thanh.

Khu danh thắng Kim Sơn có hệ thống động khô và động nước Kim Sơn, Tiên Sơn, cùng với đó là điểm tâm linh chùa Linh Ứng nằm ngay vách núi. Không chỉ vậy, nơi đây còn có dòng suối Ấu thơ mộng, trong lành nép mình bên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đã làm cho nơi đây lại càng thêm phần nguyên sơ, kì bí.

Danh thắng Kim Sơn nổi bật với núi đá sừng sững, những đầm nước trong veo và hang động huyền bí, khiến nó vừa toát lên một vẻ đẹp trong trẻo lại vừa hữu tình, thơ mộng. Song, thứ gây ấn tượng nhất tại khu du lịch sinh thái Kim Sơn lại chính là hồ nước mênh mông, rộng lớn nằm dưới chân núi

Và sẽ thật là thiếu sót lớn nếu ghé thăm khu danh thắng Kim Sơn mà không khám phá hệ thống 7 hang độc độc đáo thông với nhau trong lòng núi Kim Sơn.

Chùa Linh ứng cổ kính. (Ảnh: Sưu tầm)

Trong hành trình du lịch khu danh thắng Kim Sơn bạn cũng nhất định phải ghé thăm chùa Linh Ứng cổ kính, nép mình bên chân núi đá với địa thế đắc địa tựa sơn hướng thủy. Quanh năm ở chùa đều có người đến thăm hương cầu khấn nên luôn bao phủ trong làn hương khói huyền ảo, kết hợp hài hòa với cảnh vật tạo nên một không gian êm đềm, lắng đọng, giúp bạn thấy lòng bình an, quên hết muộn phiền.

Nhà Cổ 200 tuổi

Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1810. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Thưởng thức ngay: Chè Lam Phủ Quảng - Thứ quà tinh hoa Vĩnh Lộc 

Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1810, do ông Phạm Ngọc Tùng - đời thứ 7 trong dòng họ Phạm xây dựng. Nằm tại thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, ngôi nhà cổ này cách cổng Tây Thành Nhà Hồ khoảng 200m. Được tổ chức Di sản châu Á - Thái Bình Dương bảo tồn, đây là một trong sáu ngôi nhà cổ cổ nhất trong nước.

Khung của ngôi nhà cổ được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, bao gồm cột, chèo và cửa. Đặc biệt, gỗ xoan được sử dụng rộng rãi do tính nhẹ và ít bị mối mọt. Mỗi họa tiết hoa văn và hình điêu khắc trên các vị kèo đều mang ý nghĩa riêng của ngôi nhà cổ và không bị trùng lặp, luôn đối hướng và đối xứng. Qua thời gian và biến động lịch sử, ngôi nhà vẫn giữ nguyên những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian.

Đặc biệt, trong ngôi nhà ông Tùng vẫn còn lưu giữ 8 bức câu đối được viết bằng chữ Hán Nôm, mang in ấn tín của nhà vua.

Đàn tế Nam Giao

 

Đàn tế Nam Giao. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Khám phá ngay: Làng du lịch Yên Trung Yên Định, Thanh Hóa

Đàn Nam Giao, hay còn gọi là Đàn Nam Giao nhà Hồ, là một di tích nằm trong khu vực di tích thành nhà Hồ, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, đây là nơi mà triều đình nhà Hồ tổ chức các buổi lễ tế trời hàng năm, nhằm cầu nguyện cho sự thịnh vượng của quốc gia và sự an lành của nhân dân trong những dịp đặc biệt và quan trọng.

Đàn tế Nam Giao có diện tích tổng cộng là 4,3ha và có một kiến trúc độc đáo. Nó được xây dựng dựa trên nguyên tắc lưng tựa núi, mặt nhìn về hướng Nam, và các nền đàn được xếp theo dạng bậc thang nâng cao. Tính từ chân Đốn Sơn, đàn tế được chia thành 5 cấp nền, có hình dạng chữ nhật và hướng về phía Nam.

Đền thờ nàng Bình Khương

Đền thờ nàng Bình Khương gần tường phía Đông của Thành Nhà Hồ. (Ảnh: Sưu tầm)

Đền Bình Khương nằm tại thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, gần tường phía Đông của Thành Nhà Hồ. Nơi này là nơi thờ phu nhân nàng Bình Khương, vợ của chỉ huy Cống sinh Trần Công Sỹ, người đã có công xây dựng tường thành phía đông của Thành Tây Đô.

Vào những ngày rằm hàng tháng, người dân từ làng Đông Môn đến đền để cúng hương, mong được an lành, hạnh phúc và đầy đủ. Tại ngôi đền này, hiện vẫn lưu giữ một phiến đá đặc biệt, có hình dáng giống đôi bàn tay và một phần đầu của một người phụ nữ. Người dân tin rằng đó là dấu vết của việc nàng Bình Khương đã đập đầu tự tử và kêu oan cho chồng của mình.

Chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc). (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Yên Định không thể bỏ lỡ

Nằm dưới chân núi Báo, hướng nhìn ra dòng sông Mã, chùa Báo Ân xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) ở vào địa thế sơn thủy hữu tình. Tại đây, còn có lễ hội rước nước đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng văn hóa dân gian được lưu truyền từ xa xưa.

Theo nội dung văn bia “Viên Quang tháp nội bi kí” tại chùa Báo Ân được tri huyện Minh Chính Cao Lạc Hiển Lỗ Vương soạn dưới thời vua Tự Đức, tháp Viên Quang dựng năm 1852 do bậc tôn thiền sư Thích Thủ - hiệu Diệu Trì xây dựng. Người được thờ trong tháp họ Bùi, tên húy Tại Tâm, hiệu Diệu Chấn vốn người huyện Thanh Miện, được một gia đình ở đất Bồng Thượng nuôi dưỡng 15 năm. Vốn là người có tư chất thông minh, ông từng tìm đến vùng đất Yên Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc ngày nay)- quê hương của Khổng Tử để tầm sư học đạo suốt nhiều năm liền. Sau đó, trở lại chùa Lộc Sơn, đổi tên thành Báo Ân tự với ý nghĩa “Báo đáp phải báo đáp” đó là “Ân” vậy. Sinh thời, nhà sư Tại Tâm được ngợi ca là người không ngại khó, ngại khổ, dốc lòng cho việc tu tập, danh thơm xa gần đều biết.

Ngoài nét đẹp kiến trúc và cảnh sắc mê đắm lòng người, chùa Báo Ân còn có lễ hội rước nước đặc sắc với những nghi lễ tâm linh - tín ngưỡng của cư dân bên bờ sông Mã. Lễ hội truyền thống rước nước chùa Báo Ân diễn ra từ ngày 27-29 tháng 2 (âm lịch) hàng năm thu hút đông đảo người dân cùng du khách về dâng hương, tham gia vui hội.

Chùa Giáng

Chùa Giáng là một ngôi chùa cổ trên đất Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Chùa Giáng là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ triều vua Trần Duệ Tông, tọa lạc ở chân núi Đốn Sơn (huyện Vĩnh Lộc) xưa được liệt vào kỳ quan bậc nhất của xứ này.

Chùa nằm ở địa phận làng Giáng xã Vĩnh Thành, nên gọi là chùa Giáng. Chùa Giáng có tên chữ là Tường Vân. Từ năm 1992, thị trấn Vĩnh Lộc thành lập, chùa Giáng thuộc về địa phận khu phố 3 thị trấn Vĩnh Lộc.

Chùa Giáng có vị trí địa thế thuận về sông, núi, thoáng gió, tụ khí, dòng chảy, phương vị. Ngày xưa, trước cổng chùa có đường lát đá hoa đi xuống đàn tế Nam Giao của Nhà Hồ, lại có đoạn sông đào dài sáu bảy trăm mét, từ chân Đốn Sơn thông với dòng sông Mã, là đường vận chuyển thủy của Nhà Hồ.

Cổng chùa Giáng gồm hai tầng mái với chiều cao 13,7m, hai cầu thang được xây dựng vững chắc. Tầng hai có 5 cửa cuốn vòm, cửa giữa cao 3,7m với 8 vòm cuốn cong, tổng cộng có 14 đòn đao theo thứ tự từ thấp lên cao dần.

Nhà Phật điện có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, bao gồm tiền điện 5 gian, thượng điện 2 gian. Nhà tiền điện có 13 pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thếp vàng. Tượng được bố trí thành 6 lớp theo trật tự từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao.

Với vị thế đẹp, kiến trúc hoa văn trang trí độc đáo, cùng với sự linh thiêng, chùa Giáng Thanh Hóa không chỉ là điểm thu hút nhiều khách du lịch mà đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh.

Động Hồ Công

Động Hồ Công Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Vnexpress)

>>> Xem thêm: Những hang động đẹp bậc nhất Thanh Hóa

Di tích thắng cảnh động Hồ Công là một quần thể bao gồm động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong và chùa Du Anh. Nơi này nằm ở xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Toàn bộ quần thể di tích nằm trong một không gian rộng hơn 17,3 ha và bao gồm các thành phần như động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong và chùa Du Anh. Khu vực này nổi tiếng với cảnh sắc tựa thiên bồng và đã được sử sách xưa chép lại.

Phủ Trịnh, Nghè Vẹt

Phủ Trịnh, Nghè Vẹt Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)

Di tích Phủ Trịnh gắn với lễ hội thờ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, người có công sáng lập ra Vương nghiệp Nhà Trịnh, lập nên một thể chế chính trị đặc biệt: Vua - chúa cùng điều hành đất nước, “vua trị vì, chúa chấp chính”. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ chúa Trịnh Kiểm (18-2 âm lịch) con cháu dòng họ Trịnh cùng nhân dân, du khách thập phương lại tụ hội về, dâng hương chiêm bái.

Trước đây, Phủ Trịnh được xây dựng trên vùng đất rộng hàng chục mẫu, với nhiều dinh thự uy nghi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Phủ Trịnh chỉ còn lại một ngôi nhà ngói cổ 7 gian là nơi thờ các vị chúa, nằm khiêm tốn trong khu dân cư đông đúc, gọi là Phủ Từ, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Cách Phủ Chúa Trịnh không xa là Nghè Vẹt, thờ thành hoàng Đô Bác Đại vương Trịnh Ra - một vị tổ của dòng họ Trịnh, phối thờ thân mẫu chúa Trịnh Kiểm và các chúa, ngoài ra còn thờ Thần Chim Vẹt. Nghè vẹt là khu nhà bằng gỗ - có 12 gian thờ 12 bài vị của 12 vị chúa Trịnh. Bên trong di tích cũng lưu giữ nhiều hiện vật, như: đại tự, phỗng vòng tay trong tư thế quỳ, kiệu rước, 4 ngựa gỗ (2 trắng, 2 nâu). Đặc biệt, đôi vẹt gỗ tương truyền do chính chúa Trịnh Kiểm cho người tạo tác ngay sau khi thắng trận trở về nhằm khắc ghi công ơn của loài chim.

Hàng năm, vào ngày lễ quan trọng (18 tháng 2 giỗ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và 14 tháng 11 giỗ cụ Trịnh Ra) người dân khắp vùng cùng nhau trở về nghè dâng lễ, tỏ lòng thành kính, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống.

Vĩnh Lộc là một vùng đất có lịch sử mấy nghìn năm với bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời. Toàn huyện có 51 di tích cấp tỉnh, 14 di tích cấp quốc gia, cùng nhiều danh thắng nổi tiếng, là điểm đến bạn không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Thanh Hóa.

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.