Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều di tích nổi bật (Ảnh: Sưu tầm)
Di tích lịch sử ở Thanh Hóa gây ấn tượng bởi nhiều giá trị văn hóa được lưu giữ. Những địa điểm này không chỉ là nhân chứng lịch sử, chứng kiến những vết tích hào hùng của dân tộc mà còn là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện của các anh hùng huyền thoại. Du lịch Thanh Hóa sẽ thật đáng tiếc nếu bỏ qua những điểm đến này.
Là một trong những tỉnh thành lớn nhất cả nước, Thanh Hóa sở hữu rất nhiều di tích đã được phân cấp quản lý. Trong số đó, có nhiều di tích được xếp hạng theo từng phân cấp: Di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh. Khi lên lịch trình tham quan các khu di tích lịch sử ở Thanh Hóa, bạn có thể tham khảo 2 loại chính như sau: Di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa.
1. Di tích lịch sử Văn hóa
Danh sách di tích lịch sử ở Thanh Hóa rất đa dạng, đây đều là những công trình gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Thanh Hóa. Bởi vậy, khi đến tham quan những địa điểm này, du khách có thể hiểu thêm về vai trò của người dân xứ Thanh trong quá trình giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
- Lăng và đền Bà Triệu
Địa chỉ: Xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa
Đền Bà Triệu Thanh Hóa.
Đền thờ Bà Triệu ở làng Bồ Điền, nay là xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc, sát đường Quốc lộ 1A, cách TP. Thanh Hóa 17 km về phía Bắc. Đền tựa lưng vào núi Gai. Nhìn sang bên là Lăng, dựng trên núi Tùng, gồm Mộ và Tháp. Cảnh trí ở đây rất phong quang xinh đẹp, xứng đáng với vị nữ anh hùng. Lễ hội đền Bà Triệu hàng năm mở vào mùa xuân và là lễ hội lớn ở Thanh Hóa.
>>> Xem thêm: Đền Bà Triệu Thanh Hóa - Đền thờ vị nữ anh hùng Triệu Thị Trinh
- Đền thờ Lê Hoàn
Địa chỉ: Thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân
Đền thờ Lê Hoàn. (Ảnh Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Bản đồ du lịch tâm linh Thanh Hóa Mới Nhất
Đền thờ Lê Hoàn ở thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Khu vực đền thờ có tổng diện tích gần 4 ha. Đền rất rộng: 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Đặc biệt còn giữ được những tài liệu, hiện vật cổ như, bia ký, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, hoành phi, hương án, khám thờ, tượng pháp, gốm sứ thời Lý, Trần, thời Minh và chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng vua Lê.
Đền Lê Hoàn còn có tấm bia do Hoàng giáp Nguyễn Thực soạn năm 1626 và tấm bia nhỏ hơn nhưng lại dựng trước (1601) do Phùng Khắc Khoan soạn. Gần đền Lê Hoàn, còn có đền thờ bà mẹ của ông. Lễ hội ở đền tổ chức vào các ngày 7, 8 tháng 3 âm lịch, vào loại lễ hội lớn trong vùng.
- Thành Nhà Hồ
Địa chỉ: Địa phận núi Yên Tôn, thuộc hai xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc
Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới.
Thành Nhà Hồ còn có tên là Tây Giai - Tây Đô, trong địa phận núi Yên Tôn, thuộc hai xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Thành xây năm 1397. Từ cửa Bắc đến cửa Nam dài 870,5m; từ cửa Đông đến cửa Tây dài 883,5m. Chu vi 3.508m. Diện tích 769.086,75 m2. Mặt ngoài thành được ghép đá khối, trong đắp đất... Phần lớn các khối đá có kích thước 1,4m x 0,7m, có vài khối dài tới 4m, cao 1,2m. Thành có 4 cửa lớn, đều xây cổng vòm bằng đá khối. Lớn nhất là cửa Tiền (cửa Nam) rộng 38m, cao hơn 10m có ba vòm cổng cuốn. Vòm cửa chính giữa cao 5,75m, rộng 5,82m, hai vòm hai bên cao 5,35m, rộng 5,15m.
Sử chép thời gian dựng thành chỉ có 3 tháng, ai cũng phải kinh ngạc. Vì sao vào khoảng cuối thế kỷ XIV, có thể xây dựng một công trình to lớn hoành tráng với thời gian ngắn như vậy mà bằng kỹ thuật thủ công. Các việc vận chuyển đá, chồng đá.v.v..., đến nay vẫn còn được trao đổi. Nhà nghiên cứu người Pháp là Bezacien nhận định đây là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam.
Chung quanh thành nhà Hồ, còn có những vị trí gắn liền với những sự kiện lịch sử văn hóa: núi Đốn Sơn, làng Phương Giai v.v..., còn lưu truyền khá nhiều giai thoại.
>>> Xem thêm: Đền thờ nàng Bình Khương - Ngôi đền linh thiêng bên cạnh Thành Nhà Hồ
- Khu Di tích lịch sử Lam Kinh
Địa chỉ: Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa
Du khách tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa tổ chức khi nào? có gì hấp dẫn
Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm cách TP. Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1962, tiếp đó, năm 2012, nơi đây được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.
Được biết, sau khi đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng các kiến trúc điện, miếu... ở Lam Kinh, làm nơi ở của các vua Lê khi về quê và nơi yên nghỉ của các vị vua Lê. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế kỷ XV.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút du khách bởi không chỉ những kiến trúc độc đáo và cổ kính mang đậm chất Á Đông của kinh thành cổ, mà còn bởi những câu chuyện truyền thuyết huyền bí xoay quanh các lăng tẩm của các vị vua thời Hậu Lê. Đây là một địa điểm thuận lợi để khám phá và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
- Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình
Địa chỉ: Xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu căn cứ Khởi nghĩa Ba Đình. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Đừng quên: Gỏi Nhệch - Món ngon đất Nga Sơn Thanh Hóa
Gọi là Ba Đình, vì gồm ba làng: Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh. Ba Đình được bao quanh mấy con sông: sông Hoạt, sông Chính Đại, sông Lèn, sông Báo Văn. Đây là một căn cứ của nghĩa quân Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, cầm cự với quân Pháp thời kỳ 1887 - 1888. Công sự được xây dựng kiên cố, chiến lũy vững vàng. Đây là di tích tiêu biểu cho phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX.
2. Di tích cách mạng và kháng chiến
- Chiến khu Ngọc Trạo
Địa chỉ: Xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa
Chiến khu Ngọc Trạo. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Thạch Thành nổi bật
Chiến khu và đội du kích Ngọc Trạo được thành lập ngày 19 - 9 - 1941 tại làng Ngọc Trạo, tổng Trạc Nhật, nay là xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành. Đây là căn cứ địa, là lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên của Thanh Hóa.
Ngay khi mới thành lập, ảnh hưởng của chiến khu và đội du kích đã mau chóng lan ra. Số đội viên du kích khi mới thành lập có 21 người, đến cuối tháng 9 - 1941 quân số đã lên tới trên 40 đội viên rồi lên 80 người.
Tháng 10 -1941 bị địch khủng bố, đội chuyển về căn cứ Cẩm Bào (Vĩnh Long, Vĩnh Lộc) và sau đó phân tán đi các nơi hoạt động. Đồng chí Nguyễn Văn Hinh (chỉ huy) và nhiều chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh.
- Khu vực Hàm Rồng
Địa chỉ: Phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Cầu Hàm Rồng lịch sử.
>>> Khám phá ngay: Những địa điểm du lịch TP. Thanh Hóa không thể bỏ qua
Khu vực Hàm Rồng và cầu Hàm Rồng, thuộc phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa là di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Di tích này đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Tại đây, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi trên 100 máy bay các loại của đế quốc Mỹ. Nhiều người nước ngoài đã đánh giá: “cầu Hàm Rồng là một tượng trưng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách hiếu chiến của đế quốc Mỹ”.
Nơi đây hiện còn lại nhiều di tích: sườn núi Cảnh Tiên được quân dân lấy đá xếp thành chữ Quyết Thắng. Nhiều tấm gương chiến đấu đã xuất hiện: anh hùng Ngô Thị Tuyển, và nhiều đơn vị anh hùng khác. Tính đến 1972, có tới 106 máy bay Mỹ, cả B52 bị bắn rơi, nhiều đơn vị được tặng danh hiệu đơn vị anh hùng, được Bác Hồ nhiều lần gửi thư khen.
- Những nơi Bác Hồ về thăm
+ Khu di tích lịch sử Rừng Thông
Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Đông Sơn nổi tiếng
Khu di tích lịch sử Rừng Thông nằm bên quốc lộ 47, trên địa bàn thị trấn Rừng thông, huyện Đông Sơn, cách trung tâm TP. Thanh Hóa hơn 5km.
Ngày 20-2-1947, chỉ hai tháng sau khi ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã quyết định về thăm Thanh Hóa. Và Rừng Thông đã được Người lựa chọn là nơi gặp gỡ, làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc bấy giờ. Tại đây, Bác nói về đạo đức người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng của Đảng, chủ trương kháng chiến của Đảng... Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
+ Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm xã Yên Trường
Khu di tích Bác Hồ tọa lạc tại thôn Lựu khê, xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Khu di tích Bác Hồ, xã Yên Trường, Yên Định. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Yên Định không nên bỏ lỡ
Ngày 11 tháng 12 năm 1961, Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã về thăm mô hình hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường. Nơi máy bay chở Bác hạ cánh thuộc khu đất đội 4, xã Yên Trường, Yên Định, Thanh Hóa (Ngày nay thuộc thôn Lựu Khê, xã Yên Trường).
Năm 1979, tại vị trí Bác Hồ nói chuyện với Cán bộ, nhân dân Yên Trường đã được xây dựng thành Khu di tích Bác Hồ, bao gồm 01 Tượng đài, 01 ao cá (ở giữa ao có nhà dâng hương) và xung quanh là khuôn viên, vườn cây râm mát.
Năm 1993, Khu di tích Bác Hồ được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Bên cạnh những di tích lịch sử nổi tiếng, Thanh Hóa còn hấp dẫn khách du lịch bởi nhiều điểm đến khác như: biển Sầm Sơn, biển Hải Tiến, biển Hải Hòa, Bãi Đông, Bến En, Pù Luông…
Thanh Hóa hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Lưu ngay: Bản đồ Phượt Thanh Hóa
Di tích lịch sử ở Thanh Hóa rất đa dạng, du khách có thể tìm hiểu thêm thông tin về từng điểm đến để có được chuyến tham quan trọn vẹn, ý nghĩa nhất. Đây không chỉ là địa điểm du lịch đơn thuần mà còn là nơi để bạn có thể hiểu thêm về những câu chuyện lịch sử, những anh hùng góp phần quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Lưu ngay những điểm đến này để khám phá trọn vẹn mảnh đất xứ Thanh trong những chuyến đi sắp tới!