Du lịch Thanh Hóa, ngoài việc được đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Thành nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương, Thác voi, khu di tích Lam Kinh… du khách còn có cơ hội thưởng thức món chè lam Phủ Quảng thơm ngon, có hương vị đặc trưng rất riêng của xứ Thanh.
Chè lam thương hiệu Phủ Quảng - tinh hoa ẩm thực Thanh Hóa (Ảnh: sưu tầm)
Nguồn gốc chè lam Phủ Quảng
Đặc sản xứ Thanh chè lam Phủ Quảng Thanh Hóa ra đời giữa mảnh đất có Thành nhà Hồ, là đặc sản nổi tiếng của khu vực huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Tương truyền, nghề làm chè lam có thể xuất hiện từ khi Hồ Quý Ly lên làm vua và đóng đô ở Thanh Hóa. Vào thời đó, chè lam thường được nấu để tiến vua, về sau người dân nấu vào dịp lễ Tết để cúng tổ tiên. Ngày nay, chè lam trở thành món ăn chơi thường ngày, được làm để bán quanh năm.
Theo người dân địa phương, tên gọi của món chè lam Phủ Quảng được lấy theo tên phủ Quảng Hóa trước đây (gồm một số huyện trung du của tỉnh Thanh Hóa như Vĩnh Lộc, Thạch Thành, có lỵ sở ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay).
>>> Xem ngay đặc sản chả tôm Thanh Hóa, món ăn hấp dẫn với hương vị thơm ngon đặc trưng của tôm biển, bất cứ ai cũng phải thử một lần mỗi dịp đến với xứ Thanh.
Món đặc sản xứ Thanh hớp hồn du khách bởi hương vị ngon khó cưỡng (Ảnh: sưu tầm)
Nguyên liệu và cách làm chè lam Phủ Quảng
Chè lam Thanh Hóa Phủ Quảng được làm từ thứ gạo nếp cái hoa vàng Vĩnh Lộc trắng ngần, kết hợp hài hòa hương vị với những giọt mật mía Kim Tân (Thạch Thành) ngọt sánh, mạch nha, lạc, gừng.
Khác với chè lam truyền thống ăn dẻo thơm, chè lam Phủ Quảng lại giòn tan, chỉ cần vỗ nhẹ một cái là vỡ ra thành từng mảnh nhỏ.
Để làm ra món chè lam Thanh Hóa cũng khá công phu và đòi hỏi sự khéo léo, pha trộn tỷ lệ chuẩn giữa các nguyên liệu gạo nếp, đường, mạch nha, mật mía, gừng, lạc…
Chè lam đặc sản Phủ Quảng không dùng chất bảo quản (Ảnh: sưu tầm)
Theo đó, gạo nếp phải chọn loại hạt mẩy đều, xay bằng cối đá, lắng bột rồi lọc bằng tấm vải thô. Một phần nhỏ gạo nếp đem rang chín, đảo đều tay cho đến khi ngả vàng và có mùi thơm thì tắt bếp để nguội. Lạc rang xong giã dập, gừng tươi đồ lên rồi xắt lát nhỏ.
Sau đó là công đoạn thắng mật. Thứ mật để thắng làm chè lam phải là mật mía Kim Tân của huyện Thạch Thành, nơi được coi là đất mía của tỉnh Thanh, có vị ngọt đậm, sóng sánh đặc trưng.
Mật được thắng trong chảo to, đun sôi kỹ rồi giảm lửa để sôi lăn tăn, đến khi mật cô lại vừa phải thì cho hỗn hợp bột nếp, gạo rang, lạc, gừng… vào, quấy nhanh và đều tay. Đây là bước luyện chè, đòi hỏi người nấu phải thật nhanh tay và khéo léo, sao cho mật, gừng và gạo nếp quyện vào nhau với tỉ lệ vừa phải.
Gạo nếp được ngào cùng hỗn hợp mật mía, lạc, gừng (Ảnh: sưu tầm)
Sau đó đổ hỗn hợp ra mặt phẳng sạch đã rắc lớp mỏng bột khô, thêm một số công đoạn được thao tác rất nhanh tay, cán thành khúc chè rồi cắt thành từng miếng vừa ăn rồi đem đóng gói, dán tem nhãn.
>>> Xem thêm đặc sản bánh lá răng bừa Thanh Hóa, món ăn mang đầy đủ hương vị đặc trưng của xứ Thanh.
Thưởng thức chè lam Phủ Quảng chuẩn vị nhất
Miếng chè lam đạt chuẩn khi làm xong phải có màu vàng ươm đẹp mắt, ăn giòn giòn, thấy được cái vị gạo nếp bùi bùi lẫn trong vị ngọt dịu của mật mía và cay nồng của gừng. Ngon nhất là khi thưởng thức cùng nước trà, vị ngọt của chè lam rất hợp với vị chan chát của trà.
Thưởng thức chè lam cùng nước trà xanh cho hương vị tuyệt vời (Ảnh: VnExpress)
Xứ Thanh có nhiều cảnh vật đẹp, nhiều đặc sản ngon có tiếng. Ngoài chè lam, đến Thanh Hóa, du khách đừng bỏ lỡ những món ngon quên sầu như bánh khoái Thanh Hóa, bánh cuốn Thanh Hoá, bánh răng bừa, bánh gai Tứ Trụ…
Chè lam Phủ Quảng là món quà xứ Thanh hấp dẫn mọi du khách say mê hương vị. Có vị dẻo thơm của gạo nếp, vị cay dịu của gừng, vị ngọt đậm của mật mía và vị bùi của lạc. Đến du lịch xứ Thanh, bạn đừng bỏ qua món đặc sản trứ danh Thanh Hóa này nhé!