Canh lá đắng - hương vị "đắng mà ngọt" của núi rừng Thanh Hóa
Đặc sản Thanh Hóa bên cạnh nem chua, bánh gai tứ trụ, chè lam Phủ Quảng,… còn được biết đến với món canh lá đắng trứ danh. Ngay từ lần đầu tiên thưởng thức món ăn này, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy lạ miệng. Tuy nhiên, với những người đã thử qua món canh đặc sản người Mường một vài lần sẽ bị “hút hồn” bởi dư vị hòa quyện đặc trưng.
Khi Du lịch Thanh Hóa nếu có cơ hội được đến với các bản Mường, du khách sẽ được người dân địa phương mời thưởng thức món canh lá đắng đậm chất núi rừng.
Canh được nấu từ lá đắng, hay còn có tên gọi khác là lá mật vịt – một loại cây rừng thường mọc ở những khe núi, ven rừng. Về sau, khi món ăn này trở nên phổ biến, người dân địa phương cũng mang loại cây này về trồng trong vườn nhà. Đúng như tên gọi, lá có vị đắng, hình dạng thon dài. Trong một chùm lá, người dân địa phương chỉ chọn ra những chiếc lá bánh tẻ (lá có răng cưa, phiến mỏng) để nấu nên bát canh ngon và chuẩn vị nhất.
Lá đắng vừa là một loại rau nấu canh ngon, vừa là một loại thảo dược (Ảnh: Sưu tầm)
Món canh từ lá đắng được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau như: thịt nạc, lòng gà, lòng lợn, cá rô đồng… Một thành phần không thể thiếu trong món canh này là bát tiết. Món canh nghe tên tưởng chừng như khó ăn nhưng thực tế lại có dư vị rất thơm ngon và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Canh lá đắng lòng lợn
Chế biến lá đắng và lòng lợn tạo thành bát canh có dư vị đặc trưng (Ảnh: Nhung Chapper)
>>> [Bỏ túi]: Các món bánh đặc sản Thanh Hóa nổi tiếng không thể bỏ qua
Lá đắng nấu với lòng lợn là hình thức chế biến quen thuộc nhất để tạo nên món canh lá đắng xứ Thanh trứ danh. Đối với những người sành ăn, ăn quen với vị đắng thì khi ăn chắc chắn cũng có cảm giác “rùng mình”, lạ miệng. Tuy nhiên, càng ăn, món canh này lại tạo nên một vị ngon rất khó quên. Đó là sự hòa quyện của vị béo ngọt của lòng, vị chua của mẻ, vị cay cay của ớt và mùi thơm từ hành, sả…
Lá đắng khi chọn lọc cần thái nhỏ, băm nhuyễn. Lòng lợn cũng được sơ chế sạch sẽ và thái thành từng miếng vừa ăn, sau đó tẩm ướp cùng với các nguyên liệu mẻ, sả, tiêu, ớt, mắm tôm… Cho hỗn hợp này đảo đều trên bếp, đến khi chín thì cho nước dùng vào. Khi nước sôi, bạn chỉ cần cho lá đắng vào là hoàn thiện món canh lá đắng Thanh Hóa chuẩn vị.
Canh lá đắng thịt gà, lòng gà rừng
Thưởng thức món canh từ lá đắng và lòng gà (Ảnh: IG kidsfamilyfood)
>>> [Thưởng thức ngay]: Chè Lam Phủ Quảng - Thứ quà tinh hoa xứ Thanh
Canh lá đắng kết hợp với thịt gà, lòng gà rừng cũng rất thơm ngon. Thịt gà khi băm nhỏ sau đó tẩm ướp với mắm tôm mẻ, tiêu, sả, ớt… rồi ướp trong khoảng 15 phút để ngấm gia vị.
Sau khi phi hành tỏi thơm trên chảo thì cho hỗn hợp đã tẩm ướp vào và đảo đều. Đến khi vừa chín tới thì cho lượng nước dùng vừa đủ theo khẩu phần ăn. Khi nước bắt đầu sôi, cho phần lá đắng đã được rửa sạch, thái chỉ vào là hoàn thiện. Cách nấu canh lá đắng với thịt gà tương tự với thịt ba chỉ, thịt nạc vai….
Canh lá đắng cá rô đồng, cá mương
Nấu canh lá đắng với cá cũng là một cách chế biến độc đáo, thơm ngon được nhiều người lựa chọn. Nguyên liệu tương tự với những món canh từ thịt, tuy nhiên, phần cá sẽ được làm sạch vảy, mổ bụng và để ráo nước. Sau đó tẩm ướp kèm 1 muỗng cà phê hạt nêm trong vòng 15 phút.
Canh lá đắng với cá có các bước chế biến hơi khác biệt một chút so với thịt. Cụ thể sau khi phi hành thơm, bạn cho luôn phần nước dùng vào, đến khi nước sôi thì mới cho phần cá, đun ở mức lửa vừa trong khoảng 10 phút. Sau đó cho lá đắng vào và đun thêm khoảng 3 phút nữa.
Lá đắng chế biến thành món ăn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Ảnh: IG kidsfamilyfood)
>>> Xem thêm: Bánh lá răng bừa - Đặc sản dân dã tiến Vua ở xứ Thanh
Tùy vào khẩu vị ăn của mỗi người mà món canh đặc sản xứ Thanh được chế biến theo nhiều nguyên liệu khác nhau. Ở một số vùng còn có cách nấu canh lá đắng lòng dê, cách nấu lòng đắng (lá đắng và lòng lợn), cách nấu canh tiết lá đắng… Một điểm chung là dù sử dụng nguyên liệu nào, cũng không thể thiếu sả và mẻ. Hai nguyên liệu này góp phần làm dịu vị đắng của lá và giúp cho bát canh thêm ngon hơn.
Bên cạnh công dụng là một loại rau làm nên đặc sản xứ Thanh, lá đắng còn là một loại thảo dược được dùng nhiều trong thuốc Nam. Công dụng của loại lá này là chống đầy hơi, chữa các bệnh liên quan đến đường ruột, tiêu mỡ, hỗ trợ giải rượu, bia… Ngoài ra, ở một số địa phương khác, loại lá này còn có tên gọi khác là ngũ gia bì chân chim – sở dĩ có tên gọi như vậy bởi lá có tác dụng bổ dưỡng, mạnh gân xương tương tự như cây ngũ gia bì.
Canh lá đắng – đặc sản của người Mường xứ Thanh (Ảnh: Sưu tầm)
Món canh từ lá đắng tuy bình dị, dễ làm nhưng lại trở thành đặc sản trứ danh bậc nhất tại Thanh Hóa. Đến với địa phương này, bạn còn có cơ hội được thưởng thức nhiều món ngon hấp dẫn khác như: nem nướng Thanh Hóa, chả tôm Thanh Hóa…
Canh lá đắng Thanh Hóa tuy bình dị, mộc mạc nhưng lại chứa đựng dư vị rất đặc trưng, vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng. Đây cũng là món canh chứa đựng tình cảm, sự hiếu khách của người dân bản Mường xứ Thanh khi có khách du lịch ghé thăm. Bởi vậy, nếu có cơ hội khám phá Thanh Hóa, được mời một bát canh đắng, đừng ngại ngần mà hãy thử ngay nhé.