Du lịch Đông Sơn Thanh Hóa.
Tổng quan về Đông Sơn
Đông Sơn là một huyện đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa. Huyện Đông Sơn nằm ở lưu vực sông Mã và có các địa giới giáp TP. Thanh Hóa ở phía Đông, huyện Triệu Sơn ở phía Tây, huyện Quảng Xương và huyện Nông Cống ở phía Nam, cùng với huyện Thiệu Hóa ở phía Bắc.
Bản đồ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Đông Sơn là một điểm đến không thể bỏ qua khi nhắc đến du lịch Thanh Hóa. Du khách có thể tham quan các di chỉ khảo cổ để khám phá văn hóa Đông Sơn và tìm hiểu về trống đồng cổ. Ngoài ra, Đông Sơn cũng có các danh lam thắng cảnh và địa điểm du lịch hấp dẫn khác, như rừng nguyên sinh, thác nước, và làng nghề truyền thống.
Những địa điểm du lịch Đông Sơn hấp dẫn
Du lịch Đông Sơn, Thanh Hóa có nhiều địa điểm đẹp và thu hút du khách. Dưới đây là một số địa điểm du lịch Đông Sơn mà du khách có thể ghé thăm trong hành trình khám phá xứ Thanh:
Cụm di tích Hàm Hạ
Di tích lịch sử quốc gia đình Hàm Hạ. (Ảnh: Sưu tầm)
Di tích lịch sử nơi thành lập và hoạt động của chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa thời kỳ (1925 - 1930) tại làng Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông huyện Đông Sơn.
Chi bộ Đảng Hàm Hạ ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Chi bộ Hàm Hạ - Chi bộ đầu tiên của huyện Đông Sơn, cũng là Chi bộ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ đã thúc đẩy phong trào cộng sản xứ Thanh phát triển lên một tầm cao mới.
Từ Hàm Hạ, lửa cách mạng dần lan rộng, dẫn đến việc hình thành các Chi bộ Đảng làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa và Chi bộ Đảng làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Với việc Chi bộ Đảng ra đời, Hàm Hạ trở thành điểm sáng cách mạng, lan tỏa và thổi bùng lên phong trào yêu nước trên khắp dải đất xứ Thanh.
Ngày hôm nay, sau hơn 90 năm lịch sử, cái tên Hàm Hạ vẫn gợi lại bao cảm xúc linh thiêng, tự hào. Các hạng múc nằm trong cụm Di tích đều đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, đẹp đẽ, trở thành nơi lưu dấu truyền thống cách mạng của quê hương Đông Sơn; thúc giục cháu con theo bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Khu di tích lịch sử Rừng Thông - nơi lưu dấu chân Bác Hồ
Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông. (Ảnh: Sưu tầm)
Khu di tích lịch sử Rừng Thông nằm bên quốc lộ 47, trên địa bàn thị trấn Rừng thông, huyện Đông Sơn, cách trung tâm TP. Thanh Hóa hơn 5km.
Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm trên dãy Phượng Lĩnh (hay Viện Sơn). Theo truyền thuyết địa phương, nơi cao nhất của dãy núi chính là đầu của con chim phượng hoàng, 2 trái núi nhỏ hai bên là tả phượng dục và hữu phượng dục (tức cánh trái và cánh phải phượng hoàng). Đầu thế kỷ XX (năm 1919) thực dân Pháp đã cho Tây đồn điền đến đây thầu trồng thông. Từ đó, nơi này còn được biết đến với tên gọi Rừng Thông.
Ngày 20-2-1947, chỉ hai tháng sau khi ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã quyết định về thăm Thanh Hóa. Và Rừng Thông đã được Người lựa chọn là nơi gặp gỡ, làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc bấy giờ. Tại đây, Bác nói về đạo đức người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng của Đảng, chủ trương kháng chiến của Đảng... Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
Thời gian trôi qua, năm tháng đã lùi vào quá vãng, nhưng tình cảm và những lời dạy bảo của Người vẫn luôn hằn in trong trái tim của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung; tạo động lực to lớn để đất và người xứ Thanh nỗ lực tiến lên, xây dựng quê hương “trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như lời căn dặn và mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đền thờ Tướng quân Thiều Thốn
Đội tế nữ quan trong ngày giỗ của tướng quân Thiều Thốn. (Ảnh: Sưu tầm)
Đền thờ và lăng mộ Thiều Thốn trong cụm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia ở xã Đông Tiến (Đông Sơn) đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng lại vào năm 2016. Toàn bộ nhà thờ làm bằng gỗ lim mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống, diện tích công năng sử dụng phù hợp với việc tế lễ, xứng tầm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Tương truyền, Thiều Thốn (1326 - 1380) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thọ Sơn, tổng Thanh Khê (nay là thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn). Khi còn vị thành niên, ông đã được tuyển vào làm võ tướng. Rồi ông được phong ngay chức Phó đô tướng Kim Ngô vệ, quản lĩnh một trong sáu vệ quân bảo vệ kinh thành Thăng Long. Về sau, ông được Hoàng đế Trần Dụ Tông (1341 - 1369) phong tước “Khai quốc công thần, phụ quốc Thượng tướng công” và được nhà vua yêu mến chọn làm phò mã, hợp hôn cùng công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu, nổi tiếng xinh đẹp, nết na. Đây là một trong những “đặc cách” hiếm có của giới quý tộc triều Trần khi để người ngoại tộc được kết hôn với công chúa.
Năm Thuận Phong thứ 14 (1354) triều đình đã cử Thiều Thốn làm Phòng ngự sứ đem quân trấn giữ Lạng Giang (Lạng Sơn ngày nay). Sau khi chết, tướng quân Thiều Thốn được vua sắc phong “Thượng đẳng phúc thần Đại vương”, lại lệnh cho Nhân dân các tổng thuộc phủ Thiệu Hóa lập đền thờ quanh năm hương khói.
Hiện nay, ngoài đền thờ chính ở núi Đào Sơn (thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), còn có đền thờ Nghè Tam Tổng (làng Triệu Tiền, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) và tại nơi khi xưa ông làm Phòng Ngự sứ (Đông Bình, Lạng Giang), Nhân dân đã lập đền thờ, quanh năm tế lễ.
Đền thờ Phúc khê tướng công Nguyễn Văn Nghi
Đền thờ Phúc khê tướng công Nguyễn Văn Nghi. (Ảnh: Sưu tầm)
Nếu bạn là người yêu thích với tìm hiểu văn hoá, lịch sử, chắc chắn Đền Phúc Khê là địa điểm tuyệt vời bạn không thể bỏ qua. Đền Phúc Khê là một công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ năm 1671 theo phong cách thời Nguyễn. Công trình được xây dựng để thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi, một thầy lỗi lạc từng dạy học cho 2 vị vua.
Khu đền thờ - lăng mộ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng với nhiều hạng mục theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 2 vòng thành khép kín: Thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá. Đây là quần thể có kiến trúc rất đặc biệt so với thời bấy giờ và cho đến tận ngày hôm nay. Dạo bước qua những phiến đá nhỏ lát nền dọc theo lối đi, giữa khung cảnh thiên nhiên thanh tịnh, yên bình dẫn vào cổng đền. Ngay từ lần chạm mặt đầu tiên, thiết kế cổng thành khiến bất kỳ ai cũng đều có cảm giác quen thuộc đến kỳ lạ, dễ dàng liên tưởng đến công trình kiến trúc độc đáo - Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - Thành Tây Đô.
Vượt ra khỏi khuôn khổ của một nơi thờ tự tư gia, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xem như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ XVII.
Di tích lịch sử và thắng cảnh Đông Tiến
Cụm di tích lịch sử độc đáo của xã Đông Tiến được phong cấp quốc gia. (Ảnh: Sưu tầm)
Cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) bao gồm núi Bạch Thạch, núi Đào, đền thờ và mộ Phòng ngự sứ Thiều Thốn, di chỉ khảo cổ học Đồng Vưng và Đồng Ngầm. Đây là những địa điểm mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa, thu hút sự quan tâm của du khách và nhà nghiên cứu.
Núi Bạch Thạch và núi Đào, còn được gọi là núi Chiểu, là hai ngọn núi đá đẹp được liệt vào hàng danh sơn của huyện Đông Sơn. Núi Bạch Thạch có hai đỉnh và có chất đá cứng rắn, màu trắng tinh. Ngay dưới chân hai ngọn núi này, năm 1975, đã phát hiện và đào thám sát di chỉ khảo cổ học Đồng Ngầm và Đồng Vưng. Các cuộc khai quật và nghiên cứu sau đó đã cho thấy di tích khảo cổ học này có 5 giai đoạn văn hóa phát triển liên tục, bao gồm Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn điển hình và sau Đông Sơn.
Cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh tại xã Đông Tiến là một điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu về sức hấp dẫn và truyền thống của đất và người nơi đây. Nó mang trong mình những giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng, đồng thời cung cấp một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và không gian thú vị để khám phá.
Đền thờ Nguyễn Chích
Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Chích. (Ảnh: Sưu tầm)
Đền thờ Nguyễn Chích ở làng Vạn Lộc xã Đông Ninh huyện Đông Sơn bố cục theo kiểu chữ Nhị gồm nhà Tiền đường (3 gian), nhà Chính tẩm (3 gian), sân đền. Các vì kèo làm bằng gỗ lim, kết cấu theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Trong đền có nhiều hiện vật như long ngai, bài vị: sắc phong, gia phả dòng họ Nguyễn Chích.
Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Chích đã được xếp hạng Di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1992. Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Nguyễn Chích, con cháu trong dòng tộc Nguyễn Chích đã tự nguyện đóng góp trùng tu tôn tạo khu mộ, cổng nhà thờ trở nên khang trang, sạch đẹp, xứng tầm với giá trị di tích.
Hàng năm vào ngày 26 tháng 11 âm lịch nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội để tưởng nhớ công lao to lớn của Tướng Quân Nguyễn Chích.
Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn
Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn. (Ảnh: Sưu tầm)
Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn nằm ở thôn Cẩm Nga (nay là thôn Yên Cẩm 1), xã Đông Yên (Đông Sơn). Đây là một trong những ngôi đền đại diện cho truyền thống chống ngoại xâm của con người Đông Sơn ở thế kỷ XV. Đền thờ có tên chữ là “Quốc Công từ” (Đền thờ Quốc Công), Nhân dân địa phương thường gọi là đền thờ họ Nguyễn. Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở thôn Yên Cẩm 1.
Nguyễn Nhữ Soạn trước có tên là Bản, sau đổi là Soạn, tên chữ là Thú Trung, tên hiệu là Huyền Đức, theo họ cha là Nguyễn, họ mẹ là Nhữ, thông danh là Nguyễn Nhữ Soạn. Ông là người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, được sắc phong là:“Bình Ngô khai quốc”, Suy trung Hiệp mưu Dục vận Phụ quốc Bảo chính Minh nghĩa công thần, Ngân thanh Vinh lộc đại phu, Tả xa kị vệ đại tướng quân, quan phục hầu, Nhập thị nội hành khiển Tư mã, tặng Thái phó Tuy quốc Công, bao phong Thượng đẳng Phúc thần, thọ 89 tuổi. Khi ông mất được Nhân dân quanh vùng lập đền thờ phụng. Mặt khác, ông còn là tổ dòng họ Nguyễn ở thôn Yên Cẩm 1. Chính vì vậy, ở đền thờ ông hiện nay vẫn còn 2 bức đại tự “Quốc Công từ” và “Nguyễn Từ đường”.
Đền thờ được xây dựng từ lâu, nhưng không rõ năm nào. Căn cứ vào thượng lương ở chính tẩm và tiền đường thì đền thờ được tu tạo vào năm Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất tức là năm Đinh Mùi (1787) thời Vua Lê Mẫn Đế (1787 - 1788).
Kiến trúc của đền thờ là kết cấu vì kèo bao gồm cột cái, cột quân và cột hiên. Các vì kèo được liên kết với nhau bằng các đường xà thượng - xà hạ. Các vì kèo giữa được cấu trúc theo kiểu giá chiêng.
Đền thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như long ngai, bài vị, 22 đạo sắc phong, 3 câu đối, ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự khác như bát hương, mâm quả, đế đèn, bát bửu, giá chiêng.
Đông Sơn là một địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Thanh Hoá. Du khách có thể tận hưởng không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên mà còn khám phá sự đa dạng văn hóa và lịch sử của vùng này.