36.com.vn

Nem nướng Thanh Hóa - Đặc sản dân dã mà hấp dẫn

Xứ Thanh không chỉ nổi tiếng với món nem chua mà nem nướng Thanh Hóa cũng là món ăn ngon được nhiều người vô cùng yêu thích. Vị chua chua, bùi bùi thơm mùi lá ổi, đinh lăng,.. khi nướng củi hoặc vùi tro bếp khiến bất cứ ai được thưởng thức đều ấn tượng khó quên.

Đặc sản nem nướng Thanh Hóa, khách muốn ăn phải chờ vài ngày.

Nhắc đến Thanh Hóa thường nhiều người chỉ nghĩ đến những bãi tắm như: biển Sầm Sơn, biển Hải Tiến, bãi Đông, biển Hải Hòa,... Nhưng ẩm thực xứ Thanh cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều người yêu mến mảnh đất này. Những món ăn ngon xứ Thanh chủ yếu đều là thức quà dân dã, không phải sơn hào hải vị gì cao sang nhưng cũng cầu kỳ không kém phần.

Ngoài những món ăn quen thuộc và nổi tiếng như: Nem chua, bánh cuốn, bánh răng bừa, chả Tôm,... thì nem nướng cũng là món ngon với hương vị đặc biệt khó tả. Ngày nay, nem nướng Thanh Hóa đã trở thành thức quà được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh yêu thích, sẵn sàng chờ “dài cổ” tới 2-3 ngày để mua. Bởi món ăn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến bước chế biến.

Nem nướng Thanh Hóa có nguồn gốc từ quê hương Thọ Xuân. (Ảnh: Sưu tầm)

Nguồn gốc nem nướng Thanh Hóa

Nem nướng Thanh Hóa có nguồn gốc từ quê hương Thọ Xuân giàu truyền thống lịch sử với các vị vua nổi tiếng như: Lê Lợi, Lê Hoàn. Nem nướng nơi đây được làm từ các nguyên liệu chính như thịt lợn, bột thính, gia vị (bột canh, hạt tiêu, tỏi), lá ổi hoặc lá đinh lăng,...

Tuy nhiên, tùy khẩu vị và văn hóa từng địa phương mà người ta có thể thêm bớt các nguyên liệu khác nhau, tạo ra nhiều kiểu nem nướng như nem mỡ, nem nạc, nem có bì hoặc nem không bì,...

Nguyên liệu làm nem nướng Thanh Hóa

Thịt lợn làm nem nướng nên chọn phần nạc thăn hoặc mông vai, nên chọn thịt lợn vừa mổ xong, còn hơi ấm và giật càng tốt. Đặc biệt, thịt mua về không được rửa, phải để ráo khô, rồi thái thịt dọc thớ để miếng thịt được dài và ướp bằng bột canh thay vì nước mắm.

>>> [Gợi ý]: Bánh Khoái Tép - Món ăn vặt nổi tiếng xứ Thanh

Nem nướng không phải sơn hào hải vị gì cao sang nhưng cũng cầu kỳ không kém phần. (Ảnh: Sưu tầm)

Thính là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên hương vị của nem. Thính làm từ gạo tẻ hoặc ngô. Gạo, ngô cho vào chảo rang đến xém vàng, dậy mùi thơm rồi mang ra cối giã mịn. Thính phải giã bằng tay mới ngon và có thể nhìn thấy rõ những hạt thính nhỏ xíu bám chặt vào nem.

Ngoài ra, nem nướng muốn ngon cần có lá đinh lăng hoặc lá ổi. Trước đây, người Thọ Xuân thường gói nem vào dịp Tết. Lúc ấy, trời mùa đông hay có sương muối, cây đinh lăng dễ bị trụi lá. Người địa phương khó kiếm được lá đinh lăng nên thay thế bằng lá ổi.

Lá ổi dùng bọc thịt nem cũng phải chọn loại lá non, nếu là bánh tẻ hay quá già sẽ không có mùi thơm và nhiều xơ, cứng, khó ăn.

Ngoài lá đinh lăng, lá ổi, món nem nướng còn được bọc bên ngoài bằng lớp lá chuối tươi. Các loại lá đều được làm sạch và giữ khô ráo. Riêng lá chuối có thể lau sạch bằng khăn rồi phơi nắng hoặc hơ qua lửa cho có độ héo và mềm để khi gói nem không bị rách và nem cũng có mùi thơm hấp dẫn hơn.

Để nem nhanh chín và không bị hỏng, người ta thường gói nem bằng 3 lớp lá chuối. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Thưởng thức ngay: Bánh Gai Tứ Trụ - Đặc sản trứ danh xứ Thanh

Cách gói nem nướng Thanh Hóa

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, người ta bắt đầu làm nem. Đầu tiên, thịt lợn được thái theo chiều dọc của thớ thịt để miếng thịt giữ được nguyên bản, vừa dài, vừa mảnh. Nếu cho thêm bì lợn thì phải làm sạch, loại bỏ mỡ thừa và thái con chì.

Trộn đều thịt và bì lợn với các gia vị gồm hạt tiêu, bột canh, tỏi, mì chính,... Chờ khoảng 30-40 phút cho các nguyên liệu ngấm gia vị rồi nắm nem chặt tay thành từng bọc tròn.

Tiếp đến, trải lá đinh lăng và lá ổi bên ngoài rồi đặt nem vào giữa, cuộn chặt tay lại rồi bọc lớp lá chuối bên ngoài, gói lại sao cho thật vuông vắn và dùng dây cột lại. Thông thường, để nem nhanh chín và không bị hỏng, người ta thường gói nem bằng 3 lớp lá chuối.

Nem được nướng trên bếp than hồng hoặc vùi trong tro bếp củi. (Ảnh: Sưu tầm)

Nem gói xong để qua đêm hoặc nửa ngày rồi cất ngăn mát tủ lạnh nếu trời nắng nóng, còn trời lạnh thì chừng 2 ngày là nem tự chín. Sau đó, nem được nướng trên bếp than hồng hoặc vùi trong tro bếp củi. Khi thấy lá chuối cháy sém bên ngoài, nem dậy mùi thơm là có thể thưởng thức.

Kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa sau khi mua nem về có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như: nướng, xào cùng cà chua, rán,... nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc vùi trong than hoa. Phần lá bên ngoài cháy xém, bên trong thịt tứa nước mỡ ra vẫn giữ được độ ẩm mềm thơm. Nem có thể nướng bằng bếp điện hay các loại bếp khác nhưng nướng trên than hoa ăn vẫn có hương vị đặc biệt của mùi lá cháy xém.

Nem thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như: nướng, xào cùng cà chua, rán,... (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [Thưởng thức ngay]: Bánh đúc sốt - Món quà chiều gắn liền tuổi thơ

Nem nướng đạt chuẩn nếu có độ ráo, không bị chảy nước, vị chua dịu, hơi cay của ớt và tiêu, dậy mùi thơm của tỏi, thính, lá đinh lăng cùng mùi lá chuối cháy xém.

Với người con xứ Thanh món nem nướng chứa đựng nhiều ký ức bình dị bên mâm cỗ hay bữa ăn gia đình. Nếu có dịp hãy thử nem nướng Thanh Hóa để cùng cảm nhận hương vị lạ mà quen của món ăn đặc biệt này nhé!

 

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.