Huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng với các điểm đến du lịch hấp dẫn, ấn tượng với phong cảnh thiên nhiên đẹp và cả ẩm thực đặc sắc, các điểm thăm quan thú vị, cùng nét văn hóa độc đáo. Du khách có thể khám phá những nhà cổ, những di tích lịch sử ở nơi đây. Hãy dành thời gian để thăm và tìm hiểu những địa điểm du lịch Vĩnh Lộc Thanh Hóa theo gợi ý sau nhé!
Ảnh: Dân Việt
Top 8 địa điểm du lịch Vĩnh Lộc Thanh Hoá đẹp
1. Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ còn được gọi là thành Tây Đô, An Tôn, Tây Kinh hay Tây Giai; một trong những di sản văn hoá quan trọng của nước ta. Là một phần của kinh đô thời nhà Hồ, thành này được xây dựng bằng đá với quy mô lớn, mang giá trị quan trọng trong lịch sử và văn hóa. Thành được xây dựng chỉ trong khoảng 3 tháng vào năm 1397. Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 27 tháng 6 năm 2011.
Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ.
>>> Khám phá: Có một kinh thành Thăng Long thu nhỏ trong quần thể di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Ngày nay, một số phần của Thành Nhà Hồ vẫn tồn tại và được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Di tích lịch sử ở Thanh Hoá này không chỉ là điểm đến để ngắm nhìn vẻ đẹp của kiến trúc, mà còn cung cấp cơ hội thưởng thức các đặc sản địa phương như chè Lam Phủ Quảng, sâm báo - loại sâm được mệnh danh là 'sâm tiến vua' ở Thanh Hóa,...
Thành Nhà Hồ luôn thu hút đông đảo du khách yêu thích khám phá lịch sử và văn hóa Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự đa dạng của danh sách di sản văn hóa thế giới.
2. Ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi
Địa điểm du lịch Vĩnh Lộc Thanh Hoá này được một vị quan triều Nguyễn xây dựng cách đây hơn 200 năm, đến nay ngôi nhà này đang được một gia đình sử dụng và bảo tồn khá nguyên vẹn, nằm tại thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi ở phía Tây Thành Nhà Hồ và được công nhận là Di sản châu Á - Thái Bình Dương cần được bảo tồn.
Hình ảnh ngôi nhà cổ. (Ảnh: Sưu tầm)
Ngôi nhà cổ này được coi là một trong 6 ngôi nhà cổ cổ nhất Việt Nam. Ngôi nhà được làm chủ yếu bằng vật liệu là gỗ, gồm 7 gian, có chiều rộng 9,8m, dài 21,5m và cao 5m. Nhà có kiến trúc theo kiểu chồng rường, kẻ chuyền và chồng rường kẻ bẩy, mỗi họa tiết hoa văn và hình điêu khắc trên các vì kèo mang ý nghĩa riêng và không trùng lặp, tạo nên sự tinh tế trong nghệ thuật kiến trúc dân gian.
Ngôi nhà là một di sản văn hóa lịch sử quan trọng ở Vĩnh Lộc mà bạn nên ghé thăm khi du lịch Thanh Hoá.
3. Đàn tế Nam Giao
Đàn Nam Giao là một di tích quan trọng thuộc khu vực di tích thành Nhà Hồ, tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi được sử dụng để tổ chức các buổi lễ tế trời hàng năm của triều đình nhà Hồ, nhằm cầu nguyện cho sự thịnh vượng của quốc gia và an lành của nhân dân trong những dịp quan trọng.
Ảnh: @baolaodong
Khi ghé thăm Đàn Nam Giao, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm không khí trang trọng và linh thiêng của các lễ tế trời, đồng thời có cơ hội biết thêm về lịch sử và cũng như nét văn hóa đặc trưng của nước ta thời xưa.
4. Khu danh thắng Kim Sơn
Danh thắng Kim Sơn nằm tại thôn 4, xã Vĩnh An của Vĩnh Lộc, cách trung tâm TP. Thanh Hoá 40km và chỉ cách khu di tích Thành Nhà Hồ chưa đầy 30 phút. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, chưa hề bị bê tông hóa, cùng hệ thống miếu chùa, hang động, bờ suối thơ mộng,.. Chính vì thế mà danh thắng Kim Sơn Thanh Hóa được du khách thập phương ví von là tuyệt tình cốc giữa lòng xứ Thanh.
Ảnh: @doha.hhvn
Danh thắng Kim Sơn không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp hùng vĩ mà còn có hệ thống hang động huyền bí và bí ẩn như: động Ngọc Kiều, động Kim Sơn và động Tiên Sơn. Trong đó, động Tiên Sơn nổi bật với đặc điểm độc đáo, bạn sẽ phải leo khoảng 200 bậc thang để lên đến cửa động. Tại đây, bạn có thể chiêm ngưỡng bức tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc trên đài sen trong sương khói mờ, tạo nên một không gian tiên cảnh tuyệt đẹp và gợi lên sự kỳ bí.
Điểm du lịch tâm linh chùa Linh Ứng nằm ngay vách núi tạo không gian êm đềm và lắng đọng. Dòng Suối Ấu Vĩnh An là điểm nhấn thú vị với dòng suối uốn lượn quanh co, rực rỡ và huyền ảo trong mùa hoa sen và hoa súng, tạo cảm giác lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Một trong những địa điểm du lịch Vĩnh Lộc Thanh Hoá không chỉ mang đến khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là điểm đến thú vị để khám phá và thư giãn trong không gian yên bình.
5. Đền thờ nàng Bình Khương
Đền thờ nàng Bình Khương (thuộc địa phận làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) gắn liền với lịch sử hình thành kinh đô triều Hồ, cũng chính là Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã được UNESCO vinh danh.
Đền thờ nàng Bình Khương có tổng diện tích khoảng 600 m2, kiến trúc gồm tiền đường, hậu cung và khuôn viên cảnh quan nằm ở phía Đông Thành nhà Hồ. Sau đền là mộ chồng nàng Trần Công Sỹ. Bên phải đền có một cái ao nhỏ mà điều kì lạ là dù nắng to hay hạn hán thế nào, ao cũng không bao giờ cạn nước. Xung quanh đền thờ quanh năm rợp bóng cây xanh tươi mát.
Theo Cẩm nang du lịch Thanh Hóa, tại ngôi đền này, vẫn còn tồn tại một tảng đá đặc biệt có hình dáng giống đôi bàn tay và phần đầu của một người phụ nữ. Người dân tin rằng đó là dấu vết của việc Nàng Bình Khương đã tự tử bằng cách đập đầu và kêu oan cho chồng của mình.
Điều này thể hiện sự truyền thống và truyền miệng lâu đời trong dân gian về câu chuyện của Nàng Bình Khương, tạo thêm sự đặc biệt và hấp dẫn cho đền thờ này.
6. Chùa Giáng (Chùa Tường Vân)
Chùa nằm ở địa phận làng Giáng xã Vĩnh Thành, nên gọi là chùa Giáng. Chùa Giáng có tên chữ là Tường Vân. Từ năm 1992, thị trấn Vĩnh Lộc thành lập, chùa Giáng thuộc về địa phận khu phố 3 thị trấn Vĩnh Lộc.
Ảnh: @Pinterest
Chùa Tường Vân được xây dựng dưới triều vua Trần Duệ Tông (1372 – 1377). Chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ và vẫn giữ được vẻ đẹp cổ điển từ khi xưa. Chùa Tường Vân có kiến trúc đẹp, gồm nhà Phật điện theo kiểu chữ Đinh và nhà Mẫu theo kiểu tường hồi bít đốc. Khuôn viên chùa được bao phủ bởi cây cối tự nhiên tạo không gian linh thiêng. Năm 2009, chùa Tường Vân được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.
Với vị thế đẹp, kiến trúc hoa văn trang trí độc đáo, cùng với sự linh thiêng, chùa Giáng Thanh Hóa không chỉ là điểm thu hút nhiều khách du lịch mà đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh.
7. Động Hồ Công - Chùa Thông
Động Hồ Công - Chùa Du Anh (Chùa Thông) là quần thể di tích - danh thắng cấp Quốc gia, thuộc xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, (nay thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), cách Thành nhà Hồ khoảng 4,5km về phía Đông Nam. Nơi đây nổi tiếng là một “bầu ngọc”, “bầu trời”, bởi có cảnh sắc tựa thiên bồng.
Chùa Thông hay còn gọi là Du Anh một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Xuân Đài. Chùa được xây dựng vào thời Lý trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử chùa bị đổ nát đến năm 1605 chùa được tôn tạo và cất dựng xong. Phía trước chùa nhìn ra núi Trác Phong, bên tả chùa có gác Ngọc Hoàng, bên hữu chùa có am Công chúa.
Hai bên chùa có hai hồ nước Nhật Hồ và Nguyệt Hồ. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ tượng 2 linh vật là voi và sư tử thời Trần bằng đá trắng, trên bệ đá có khắc hình hộp, hoa văn sóng nước. Sư tử được đặt ở cổng chùa, hiện nay người dân ở vùng này còn lưu giữ thành ngữ: “Voi quỳ hổ phục hai bên, Hồ Công đệ nhất có tên đứng đầu”.
Từ chùa Du Anh theo lối mòn men theo sườn núi về hướng Đông Nam là động Hồ Công. Giữa không gian mênh mông bạt ngàn màu xanh của đất trời, những tấm đá vuông xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên thành nhiều hình dáng đã mang đến cho động Hồ Công vẻ đẹp kỳ thú. Từ cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm sông Mã như một dải lụa biếc uốn quanh chân núi làng cổ Hồ Nam, Thiên Vực, mây trắng phủ trên đỉnh núi Pù Rinh, Pù Gió xa tít phía tây, núi Tiến Sĩ mang hình dáng nhà nho đang trầm ngâm đọc sách… Tất cả hòa quyện không khác gì một bức tranh thủy mặc đẹp mê hồn.
Chính sự linh thiêng, huyền bí và vẻ đẹp mỹ lệ mà tạo hóa ban tặng cho nơi đây đã khiến vua Lê Thánh Tông thốt lên “Thần quỳ quỷ tạc vạn trùng san” (vẻ đẹp của động Hồ Công như có quỷ thần soi tạc).
8. Chùa Báo Ân
Chúa Báo Ân ở vào địa thế sơn thủy hữu tình dưới chân núi Báo, hướng nhìn ra dòng sông mã tại xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc). Tại đây, còn có lễ hội rước nước đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng văn hóa dân gian được lưu truyền từ xa xưa.
Chùa Báo Ân. (Ảnh: Sưu tầm)
Ngoài nét đẹp kiến trúc và cảnh sắc mê đắm lòng người, chùa Báo Ân còn có lễ hội rước nước đặc sắc với những nghi lễ tâm linh - tín ngưỡng của cư dân bên bờ sông Mã. Lễ hội truyền thống rước nước chùa Báo Ân diễn ra từ ngày 27-29 tháng 2 (âm lịch) hàng năm thu hút đông đảo người dân cùng du khách về dâng hương, tham gia vui hội.
Vĩnh Lộc - vùng đất xinh đẹp và giàu truyền thống văn hóa rất thích hợp cho những ai yêu thích khám phá và đồng thời có được những trải nghiệm văn hóa độc đáo khó quên. Hãy đến và khám phá các địa điểm du lịch Vĩnh Lộc Thanh Hoá ngay thôi nào!