36.com.vn

Động Hồ Công - Chùa Thông: Vẻ đẹp kỳ thú của xứ Thanh

Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Chùa Thông - động Hồ Công với mệnh danh “Hồ Công đệ vị nhất” là sự ưu ái của thiên nhiên dành cho cảnh trí tuyệt mỹ nơi này.

Chùa Thông - Động Hồ Công Thanh Hóa.

>>> [BỎ TÚI]: Bản đồ du lịch Thanh Hóa chi tiết nhất

Ai đã từng đặt chân tới xứ Thanh chắc hẳn sẽ không quên được “Thanh Kỳ Khả Ái” (Nghĩa là “Màu xanh kỳ lạ đáng yêu”) của “Tam thập lục động, Hồ Công đệ vị nhất” (Động Hồ Công được người xưa liệt vào 36 động đẹp của nước Nam), gắn liền với lịch sử và khơi gợi nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân.

Động Hồ Công - Chùa Thông ở đâu

Động Hồ Công - Chùa Du Anh (Chùa Thông) là quần thể di tích - danh thắng cấp Quốc gia, thuộc xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, (nay thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), cách Thành nhà Hồ khoảng 4,5km về phía Đông Nam. Nơi đây nổi tiếng là một “bầu ngọc”, “bầu trời”, bởi có cảnh sắc tựa thiên bồng.

Cổng động Hồ Công. (Ảnh: Sưu tầm)

Di chuyển đển động Hồ Công - Chùa Thông

Từ TP. Thanh Hóa theo Quốc lộ 45 về phía Tây chừng 40 km, qua cầu Kiểu đến đất xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc), là đến di tích. Hoặc cung đường khác là theo Quốc lộ 1A về phía Bắc đến cầu Đò Lèn, rẽ đường 217 đi ngược lên Vĩnh Lộc đến thị trấn Kiểu. Ngoài ra, có thể đi thuyền trên sông Mã ngược lên ngã ba Bông khoảng 15 km tới bến Kiểu, cũng đến được di tích. Toàn bộ quần thể di tích được phân bố trong một không gian liền kề nhau rộng hơn 17,3 ha.

 Phong cảnh núi, sông, hồ, động, chùa của khu di tích đã được sử sách xưa chép lại. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Những địa điểm du lịch Vĩnh Lộc không thể bỏ lỡ

Qua cầu Kiểu bắc qua sông Mã đặt chân lên đất Vĩnh Lộc, chúng ta như bước vào một thế giới khác, ngay ở đầu huyện, bên này là núi Trác Phong, bên kia là núi Xuân Đài có động Hồ Công nổi tiếng. Chùa Du Anh nằm khoảng giữa và chung quanh quây quần những xóm thôn, đồng ruộng. Toàn bộ khu di tích nằm ở phía Tây Nam huyện Vĩnh Lộc. Phong cảnh núi, sông, hồ, động, chùa của khu di tích đã được sử sách xưa chép lại. Nhiều tên đất, tên sông, tên núi gắn liền với vùng đất này đã đi vào lịch sử, huyền tích thi ca.

Chùa Thông (Chùa Du Anh) - ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Xuân Đài

Cổng chùa Thông (chùa Du Anh). (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [BỎ TÚI NGAY]: Bản đồ du lịch tâm linh Thanh Hóa chi tiết nhất

Chùa Thông hay còn gọi là Du Anh một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Xuân Đài, đây là dãy núi đá đẹp thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, chùa gắn với sự tích Trần Nghệ Tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa và dưỡng bệnh. Công chúa được điều trị bằng cây thuốc ở động Hồ Công khỏi bệnh. Vua Trần phát tâm công đức cho nâng cấp chùa, công chúa Du Anh trực tiếp đốc công. Từ đó chùa mang tên là Du Anh.

Chùa được xây dựng vào thời Lý, trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử chùa bị đổ nát đến niên hiệu Hoằng Định (1601 - 1619), Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc người xã Sáo Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) xuất tiền tôn tạo lại chùa, từ năm Tân Sửu (1601) đến năm Ất Tỵ (1605) chùa được cất dựng xong. Phía trước chùa nhìn ra núi Trác Phong, bên tả chùa có gác Ngọc Hoàng, bên hữu chùa có am Công chúa.

Khuôn viên chùa Thông. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Chùa Giáng Thanh Hóa - Ngôi chùa cổ trên đất xứ Thanh

Hai bên chùa có hai hồ nước Nhật Hồ và Nguyệt Hồ. Trong chùa có tấm bia ký do Hoàng Giáp Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây soạn năm Hoằng Định thứ 6 (1605) nhằm ca ngợi công đức của Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc. Tấm bia đá với 4 mặt khắc chữ Hán trong đó, mặt trước khắc “Trùng tu Xuân Đài Sơn, Hồ Công động, Du Anh tự bi”, mặt sau khắc niên đại “Ngày lành tháng 10 niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1605)”.

Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ tượng 2 linh vật là voi và sư tử thời Trần bằng đá trắng, trên bệ đá có khắc hình hộp, hoa văn sóng nước. Sư tử được đặt ở cổng chùa, hiện nay người dân ở vùng này còn lưu giữ thành ngữ: “Voi quỳ hổ phục hai bên, Hồ Công đệ nhất có tên đứng đầu”.

Động Hồ Công - Kỳ quan bậc nhất phương Nam

Đường lên động Hồ Công. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [KHÁM PHÁ]: Những hang động Thanh Hóa đẹp bậc nhất

Từ chùa Du Anh theo lối mòn men theo sườn núi về hướng Đông Nam là động Hồ Công. Giữa không gian mênh mông bạt ngàn màu xanh của đất trời, những tấm đá vuông xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên thành nhiều hình dáng đã mang đến cho động Hồ Công vẻ đẹp kỳ thú. Từ cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm sông Mã như một dải lụa biếc uốn quanh chân núi làng cổ Hồ Nam, Thiên Vực, mây trắng phủ trên đỉnh núi Pù Rinh, Pù Gió xa tít phía tây, núi Tiến Sĩ mang hình dáng nhà nho đang trầm ngâm đọc sách… Tất cả hòa quyện không khác gì một bức tranh thủy mặc đẹp mê hồn.

Ngước lên vòm động, du khách sẽ thấy ba chữ Hán “Hồ Ngọc Động”, nhìn sang vách phải là bốn chữ “Sơn Bất Tại Cao” (đây chính là bút tích của thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du, tức Hồng Anh cư sĩ Nguyễn Nghiễm để lại) dựa vào câu “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh; Giang bất tại thâm, hữu long tất ứng” nghĩa là núi không cao mà có tiên sẽ linh thiêng; sông không sâu mà có rồng sẽ linh nghiệm, ý nói núi ở đây không cao nhưng rất linh thiêng vì là nơi có thần tiên ở chính là hai nhân vật Hồ Công Long và Phí Trường Phòng.

Bút tích của các vua chúa và tao nhân mặc khách. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [GỢI Ý]: Những ngôi chùa Thanh Hóa nổi tiếng đẹp, linh thiêng

Chính sự linh thiêng, huyền bí và vẻ đẹp mỹ lệ mà tạo hóa ban tặng cho nơi đây đã khiến vua Lê Thánh Tông thốt lên “Thần quỳ quỷ tạc vạn trùng san” (vẻ đẹp của động Hồ Công như có quỷ thần soi tạc).

Trong động là không gian hư ảo với hàng ngàn khối thạch nhũ rủ xuống, mỗi khối mang một dáng vẻ hình hài khác nhau tạo thành vô vàn kiệt tác như được tạc bằng bàn tay của những nghệ nhân tài hoa. Sách “Đại Nam nhất thống chí” từng mô tả: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng…”. Du khách có thể thoải mái thả hồn mình theo những huyền tích xa xưa.

Không chỉ tự hào vì vẻ đẹp cảnh quan mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, nơi đây còn ghi lại dấu chân, bút tích của biết bao bậc vua, chúa, quan lại, thi nhân, mặc khách. Trên khắp các vách động, chúng ta dễ dàng tìm thấy những bài thơ bằng chữ Hán của vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, chúa Trịnh Sâm, các danh sĩ Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sĩ…

Lễ hội chùa Du Anh (Chùa Thông)

Hình ảnh du khách tại Lễ hội Chùa Thông. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm

Lễ hội chùa Thông diễn ra vào 2 ngày 09,10 tháng giêng Âm lịch hàng năm trên địa bàn xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc. Chùa Thông - động Hồ Công đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Nhân dân xã Vĩnh Ninh và du khách thập phương khi về với hội thường gọi là ngày “mở cổng trời”. Phần lễ diễn ra trang trọng đúng qui định của pháp luật và phù hợp với thuần phong mỹ tục của quê hương. Phần hội tổ chức giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian như chọi gà, bài điếm, cờ người,...

Du khách thập phương về với lễ hội Chùa Thông không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi non, huyền bí của hang động… Và dường như đất - trời, sông núi đẹp hơn nhờ tài sáng tạo hình tượng - trí tưởng tượng này lòng nhân ái của con người.

Khung cảnh sơn thủy hữu tình Chùa Thông - động Hồ Công cuốn hút du khách đến chiêm ngưỡng. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Đền thờ nàng Bình Khương - Ngôi đền thờ phiến đá in hình đầu người

Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Thông - động Hồ Công là một tập hợp nhiều động, nhiều ngọn núi trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Đứng ở trên Động phóng tầm măt ra xa chúng ta nhìn thấy tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở nên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc.

Với sự kết hợp hài hòa của tạo hóa, khung cảnh sơn thủy hữu tình Chùa Thông - động Hồ Công cuốn hút du khách đến chiêm ngưỡng. Bước chân tới chốn này mọi lo toan bộn bề được gác lại, tâm hồn tĩnh lặng hơn khi vừa nghe tiếng chuông Du Anh tự khoan thai, vừa đắm mình vào không gian thiên nhiên thơ mộng của Hồ Công, Xuân Đài.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.