36.com.vn

Những địa điểm du lịch Thiệu Hóa Thanh Hóa hấp dẫn

Huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa được xem là một điểm đến du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên sông núi cũng như muốn khám phá các giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời của xứ Thanh.

Du lịch Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Với vị trí địa lý thuận lợi và những tiềm năng du lịch đặc biệt về du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch về nguồn, du lịch Thiệu Hóa hứa hẹn sẽ làm hài lòng du khách khi tới thăm.

Tổng quan về Thiệu Hóa

Bản đồ thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Thiệu Hóa là huyện có một vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm các huyện đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa và có ranh giới phía Đông giáp huyện Hoằng HóaTP. Thanh Hóa, phía Tây giáp huyện Triệu SơnThọ Xuân, phía Nam giáp huyện Đông Sơn và phí Bắc giáp huyện Yên Định.

Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Thiệu hóa là huyện có truyền thống cách mạng yêu nước, đồng thời là huyện có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng. Những di tích này được xem là “món quà quý báu” vô giá để phát triển loại hình du lịch về nguồn, đồng thời cũng là nguồn tư liệu quý để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này. Chính vì vậy mà du lịch Thanh Hóa trở nên hấp dẫn và có giá trị hơn rất nhiều.

Những địa điểm du lịch Thiệu Hóa

Thiệu Hóa có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng đang chờ bạn khám phá với khung cảnh thiên nhiên cực kỳ tươi đẹp, các món ngon và địa điểm vui chơi và nét văn hóa đặc trưng ở nơi đây.

Di tích Đền thờ Khổng Minh Không (Đền Trà Đông)

Đền Trà Đông tại thôn 6, xã Thiệu Trung thờ ông tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không. (Ảnh: Sưu tầm)

Di tích Đền thờ Khổng Minh Không tọa lạc tại thôn 6, xã Thiệu Trung, nơi thờ Thánh Khổng Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông; Đền thờ có một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được xây dựng lại năm 1943, khánh thành năm 1946. Kiến trúc theo hình cữ Tam gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, tại Quyết định số 208/QĐ-VHTT ngày 13/3/1990.

Đền thờ Lê Văn Hưu

Di tích Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu. (Ảnh: Sưu tầm)

Di tích Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu, tại thôn 3, xã Thiệu Trung, được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số 208/VH-QĐ năm 1990.

Di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu, từ xa xưa nhân dân địa phương vẫn quen gọi là "chùa Ông Hưu". Tổng thể ngôi chùa xưa có quy mô rộng lớn, có tiền đường, hậu cung, gác chuông, hồ nước, giếng rồng, bia đá, cột đá và nhiều đồ thờ có giá trị khác.

Năm 2020 Đền thờ Lê Văn Hưu đã được tu bổ, tôn tạo và dự kiến khánh thành khu di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu vào ngày 23/4/2022 đúng vào dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học.

Đền thờ Nguyễn Quán Nho

Đền thờ Nguyễn Quán Nho, tại làng Dương Hòa xã Thiệu Hưng (nay là tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa) được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm tại Quyết định số 1034QĐ/BT ngày 12/8/1993, gồm mộ và đền thờ Nguyễn Quán Nho.

Hiện nay lăng mộ và đền thờ đang ở trong khu dân cư, năm 2019 lăng mộ Tể tướng Nguyễn Quán Nho đã được tu bổ, tôn tạo khang trang. Đền thờ Tể tướng Nguyễn Quán nho đã được dòng họ và hậu duệ của cụ tu bổ tôn tạo lại vào năm 1999 gồm tiền đường và hậu cung, dạng nhà cấp 4a, ba gian.

Đền thờ Đinh Lễ

Đền thờ Đinh Lễ. (Ảnh: Sưu tầm)

Di tích Đền thờ Đinh Lễ nằm tại tiểu khu 6, thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa, được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.. Đền thờ Đinh Lễ được xây dựng lại từ năm 2000 và có dạng nhà ba gian Bắc Bộ xưa.

Di tích núi Đọ

Di tích núi Đọ Thanh Hóa.

Di tích núi Đọ hiện nay thuộc địa phận 3 xã, phường của 02 huyện, thành phố: xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa; phường Thiệu Khánh và Thiệu Vân, TP. Thanh Hóa.

Núi Đọ là một trong 10 cảnh đẹp nổi tiếng quanh dãy núi bàn A, núi Đọ nhìn từ xa tới rất giống hình con rùa, mà trên đỉnh núi là lưng rùa. Núi Đọ là một di chỉ văn hóa của thời đại đá cũ sơ kỳ, là nơi người nguyên thủy đã từng sinh sống cách nay khoảng 30-40 vạn năm, là một di tích của nền văn hóa tối cổ của loài người, và cũng chỉ một phát hiện đó ở núi Đọ mà cái tên Thiệu Hóa - xứ Thanh và Việt Nam đã vang ra thế giới, với niềm tự hào to lớn.

Cụm di tích lịch sử cách mạng Thiệu Toán

Nhà truyền thống cách mạng xã Thiệu Toán. (Ảnh: Sưu tầm)

Cụm di tích lịch sử cách mạng Thiệu Toán, tại làng Mao Xá, thôn Toán Tỵ xã Thiệu Toán, được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 2754QĐ/BT ngày 15/10/1994.

Là Di tích cách mạng thời kỳ 1930-1945. Trong đó gồm nhà ông Tô Đình Bảng, nhà ông Lê Huy Toán, nhà ông Lê Công Thanh, những ngôi nhà trên là chứng tích cơ sở cách mạng của “xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa” thời kỳ 1930-1945.

Nhà ông Lê huy Toán gồm 4 gian, nhà nếp gỗ, lợp ngói mũi (thường), nhà ông Lê Công Thanh gồm năm gian, hai trái bằng gỗ, lớp ngói mũi (thường), nhà ông Tô Đình Bảng là nhà cấp 4a, được xây dựng lại vào năm 1993.

Chùa Hương Nghiêm

Chùa Hương Nghiêm – xã Thiệu Trung. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Hương Nghiêm – xã Thiệu Trung là một công trình có giá trị về mặt kiến trúc trong khuôn viên rộng gần 10.000m2, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 10. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ và đã được Nhân dân địa phương gìn giữ.

Các di tích này không chỉ là những địa điểm lưu giữ giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng của vùng đất Thiệu Hóa mà còn là nơi thu hút du khách tới khám phá và tìm hiểu về quá khứ văn hóa và cách mạng của khu vực này.

Trải nghiệm làng nghề truyền thống tại huyện Thiệu Hóa

Làng nghề đúc đồng Trà Đông

Đúc đồng làng Trà Đông. (Ảnh: Sưu tầm)

Đúc đồng làng Trà Đông, xã Thiệu Trung là một nghề truyền thống nổi tiếng trong khu vực. Nghề đúc đồng tại làng Chè – Trà Đông đã tồn tại từ hàng ngàn năm với những sản phẩm bằng đồng tinh xảo như trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống, tranh và nhiều sản phẩm khác. Những tác phẩm này được tạo ra bởi những nghệ nhân tài hoa, đam mê nghề và lao động cần cù, mang trong mình tính sáng tạo cao.

Theo truyền thuyết, nghề đúc đồng được đưa về làng Trà Đông từ thời nhà Lý bởi dòng họ Vũ. Do đó, có câu ca trong làng nói: “Đất họ Lê – nghề họ Vũ”. Tuy nhiên, cũng có thuyết cho rằng nghề đúc đồng trong làng Chè được truyền nghề bởi ông Khổng Minh Không. Thời Tự Đức (1848-1883), dân làng Trà Đông đã lập đền thờ thánh Khổng Minh Không, vị Tổ sư nghề đúc đồng ở Việt Nam.

Khách du lịch đến với làng Trà Đông không chỉ để tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà trên hết là để thưởng thức tinh hoa nghề của những nghệ nhân với bàn tay khéo léo, tài hoa cùng với những bí kíp nghề quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ.... Bên cạnh đó, khách du lịch khi đến với làng nghề còn có thể trải nghiệm, tham gia vào quá trình sản xuất, vào một số công đoạn chế tác ra các sản phẩm như: Trống đồng, tranh đồng, chiêng đồng, tượng đồng, đồ thờ… để hiểu rõ thêm về văn hóa làng nghề.

Làng bánh đa làng Chòm

Bánh đa làng Chòm. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [Gợi ý]: Những đặc sản xứ Thanh nhất định phải thử

Nghề bánh đa làng Chòm (xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) không ai biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng. Nhưng với bao biến cố, thăng trầm nét độc đáo của làng nghề vẫn được lưu mãi cùng thời gian. Được làm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên là gạo, vừng. Bánh đa thường được tráng bằng 2 lớp bột trước khi rắc vừng lên trên bề mặt bánh.

Chiếc bánh đa khi nướng trên lửa sẽ có màu vàng ruộm và nở phồng đều nhau. Lớp bột gạo giúp bánh đa có độ giòn, thơm lâu, không bị dai dù để lâu. Chính những điều này đã làm cho chiếc bánh đa làng Chòm trở thành đặc sản cần trân trọng và gìn giữ bao lâu nay.

Theo thời gian, bánh đa làng Chòm theo du khách, theo thương lái và theo cả những người con quê hương đi khắp muôn nơi trên mọi miền Tổ quốc. Hương vị của mỗi chiếc bánh đa là hương vị của quê hương, xứ sở, là công sức của ông cha đã hun đúc bao đời và cứ thế còn mãi với thời gian!.

Làng dệt nhiễu Hồng Đô

Làng Hồng Đô thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, là một làng nghề thủ công truyền thống có hàng trăm năm tuổi. Người dân trong làng không rõ nghề được truyền từ đâu và tự bao giờ, nhưng vào những năm trước 1945, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu... ở Hồng Đô đã phát triển thành làng nghề truyền thống cùng với lụa Hà Đông, tơ Nam Định,... nhiễu Hồng Đô nổi tiếng khắp cả nước với những bí quyết làng nghề rất đặc trưng và quý hiếm.

Làng dệt nhiễu Hồng Đô. (Ảnh: Sưu tầm)

Thiệu Hóa - vùng đất cổ, địa danh nổi tiếng của xứ Thanh chính là điểm du lịch lý tưởng của du khách để khám phá thiên nhiên sông núi và các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời.

 

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.