36.com.vn

5 ngôi chùa cổ tại huyện Vĩnh Lộc Thanh Hóa

Huyện Vĩnh Lộc nằm bên tả ngạn sông Mã, được xem là một vùng đất cổ, nơi đây có hệ thống di tích đình, chùa, đền, nghè dày đặc gắn với các lễ hội dân gian, các sự kiện và nhân vật lịch sử của quê hương, đất nước, đã thổi vào vùng đất này một hồn cốt tâm linh sâu đậm.

5 ngôi chùa cổ ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

>>> Xem thêm: Thành Nhà Hồ - Di tích, điểm du lịch nổi tiếng

Vĩnh Lộc là một vùng đất có lịch sử mấy nghìn năm với bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời. Toàn huyện có 51 di tích cấp tỉnh, 14 di tích cấp quốc gia, cùng nhiều danh thắng nổi tiếng, là điểm đến bạn không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Thanh Hóa.

Chùa Linh Ứng

Chùa Linh Ứng Vĩnh Lộc. (Ảnh: Sưu tầm)

Ngọc Sơn Linh Ứng thiền tự nằm trong quần thể thắng tích Kim Sơn. Đây vốn là ngôi chùa cổ có từ thời nhà Lý, nay được phục dựng lại.

Chùa Linh Ứng nằm trên địa thế đẹp, hội đủ các yếu tố phong thủy: sau lưng có huyền vũ là núi Hang, trước mặt có minh đường là hồ cây Ấu; bên tả có thanh long là dòng nước xuyên qua núi, bên hữu có bạch hổ là ngọn núi Trồng.

Chùa Linh Ứng có lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức vào trung tuần tháng hai âm lịch hàng năm, thể hiện ước vọng của nhân dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an: “Dù ai đi ngược về xuôi- Nhớ ngày mười sáu tháng hai về chùa”.

Đến thăm chùa Linh Ứng, du khách còn được vãn cảnh hang động kỳ thú, đi thuyền dạo chơi trên mặt hồ để ngắm nhìn những loài cây thủy sinh đẹp mắt.

Chùa Hoa Long

Chùa Hoa Long. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng tại thôn Trung, xã Vĩnh Thịnh, bao quanh là những dãy núi Mông Cù, Hùng Lĩnh, Cô Sơn, Kim Sơn, Kim Âu.

Sự độc đáo của chùa là còn giữ được những dáng nét kiến trúc cổ thời Trần – Lê khá đẹp mắt, kỹ thuật chế tác gỗ cho thấy sự tài hoa của các bậc nghệ nhân.

Kiến trúc chùa không to lớn nhưng chắc chắn, các khối gỗ liên kết với nhau bằng mộng chốt rất khít, nhưng lại dễ dàng tháo lắp khi trùng tu. Những mảng cấu kiện trang trí khá cầu kỳ, trạm trổ tinh tế, với những đường chạm bong hoa lá, chim thú theo phong cách tả thực rất sinh động. Đặc biệt, chính giữa là bệ thờ Tam bảo, gồm bệ đá lớn nguyên khối, trên đặt ba pho tượng Phật và lư hương, tất cả đều là những cổ vật có từ xa xưa.

Chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân. (Sưu tầm)

Ngôi chùa tọa lạc dưới chân núi Báo, trước mặt là dòng sông Mã. Đây cũng là một trong những nơi ẩn náu, hoạt động của nghĩa quân Hùng Lĩnh năm xưa. Tương truyền linh quang bảo tháp được xây dựng tại chùa là nơi cất giữ những viên xá lỵ của một bậc tu hành nơi đây sau khi viên tịch.

Chùa Báo Ân gắn liền với lễ hội rước nước diễn ra từ ngày 27 đến 30 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội mang đậm văn hóa tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu của nhân dân địa phương.

Chùa Du Anh (Chùa Thông)

Chùa Du Anh. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Du Anh nằm dưới chân dãy núi Xuân Đài, thuộc xã Ninh Khang. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, trước kia có kiến trúc rất nguy nga. Trải qua bao biến cố lịch sử, ngôi chùa cổ không còn nữa, chỉ còn dấu tích một số tượng linh vật bằng đá. Tên tự của ngôi chùa gắn với câu chuyện vua Trần Nghệ Tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa, thưởng ngoạn. Khi đến đây thấy cảnh trí sơn thủy hữu tình, nhà vua đã phát tâm công đức cho sửa chùa, đắp tượng hương khói quanh năm. Công chúa Du Anh cũng ngự lại để tu hành. Từ đó chùa được mang tên gọi là Du Anh Tự.

Từ chùa Du Anh, men theo chân núi đi lên cao là thắng tích Động Hồ Công. Động nằm ở đỉnh núi Xuân Đài, theo sách Đại Nam nhất thống chí, được người xưa liệt vào “Tam thập lục động, Hồ Công vị đệ nhất”, nghĩa là một trong số 36 động đẹp nhất nước Nam. Trên vách đá có rất nhiều bài thơ chữ Hán của các vua chúa, danh sỹ nhiều thời khác nhau. Những bức “thạch thi” dày đặc này chính là điểm khác biệt tạo nên sự độc đáo của động Hồ Công. Có thể khẳng định động đá này có nhiều thạch thi nhất trong cả nước, cho thấy nơi đây từng là điểm dừng chân của rất nhiều tao nhân mặc khách trên chặng đường ngao du sơn thủy.

Chùa Giáng

Chùa Giáng hay chùa Tường Vân. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [Thưởng thức ngay]: Chè lam Phủ Quảng - Thứ quà tinh hoa Vĩnh Lộc

Chùa Giáng hay chùa Tường Vân là ngôi chùa có cảnh quan đẹp. Tên chùa gắn liền với sự tích vua Trần đi đánh giặc Chiêm Thành khi qua đây nghỉ lại, mộng thấy có đám mây vàng, cho là điềm lành nên lập đàn tế tạ trời đất, sau đó đánh thắng giặc trở về, lệnh cho xây chùa đặt tên là Tường Vân Tự, để nhớ ơn trời Phật đã báo cho điềm lành, mang sức mạnh tâm linh giúp đánh tan quân giặc. Đến thời Hồ Quý Ly, chùa Tường Vân trở thành ngôi Quốc tự của hoàng gia. Điều đó được khẳng định ở dấu tích con đường Hoa Nhai mà Nhà Hồ đã cho xây dựng nối từ cổng Thành đá tới tận cổng chùa.

Chùa Tường Vân đã tô điểm cho Vĩnh Lộc, vùng địa linh nhân kiệt trải qua nhiều thăng trầm lịch sử này một vẻ đẹp linh thiêng, nơi “tụ linh khí cho bền long mạch”, thu hút du khách gần xa đến tham quan, lễ Phật.

Hệ thống, đình, đền, chùa, nghè … gắn liền với các huyền thoại, lễ hội, dấu ấn lịch sử xã hội chính là những di sản quý, những trầm tích văn hóa được bảo tồn, lưu giữ, tạo nên sự giàu có về giá trị truyền thống của Vĩnh Lộc, để vùng đất ven sông Mã này thêm hấp dẫn khách du lịch muôn phương.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.