36.com.vn

Những ngôi chùa Thanh Hóa nổi tiếng đẹp và linh thiêng

Những ngôi chùa Thanh Hóa nổi tiếng đẹp và linh thiêng nơi du khách có thể ngắm nhìn những tán cây cổ thụ bao phủ, nghe tiếng chuông trầm và thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của từng ngôi chùa, mang đậm chất linh thiêng và cổ kính.

Những ngôi chùa Thanh Hóa nổi tiếng đẹp và linh thiêng.

>>> Xem thêm: 08 địa điểm du lịch Tâm linh Thanh Hóa nổi tiếng bậc nhất

Thanh Hóa, nơi nổi tiếng với hàng loạt địa danh tham quan hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến đây để khám phá. Không chỉ dừng lại là một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng, mảnh đất xứ Thanh còn được biết đến với những khu ngôi chùa đẹp và linh thiêng, có tuổi đời nhiều thế kỷ, nơi du khách có thể đắm mình trong không gian tâm linh tuyệt vời, vừa chiêm ngưỡng những kiệt tác kiến trúc, vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên.

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh 

Địa chỉ: Thôn Duy Tỉnh, xã Vạn Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh Hậu Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)

Tọa lạc tại xã Vạn Lộc (Hậu Lộc) gần 900 năm tuổi (thời Lý), Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý ở nước Thanh còn lại đến ngày nay. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một ngôi chùa đẹp ở Thanh Hóa rất nổi tiếng và linh thiêng. Theo sử sách, chùa do Chu Thiện Hào, giữ chức Thống sứ quận Cửu Chân, dựng nên.

Đây cũng là điểm đến yêu thích của các tín đồ Phật giáo, thu hút cả du khách trong và ngoài nước. Sở hữu kiến ​​trúc độc đáo bậc nhất Thanh Hóa, chùa là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách. Đến đây, mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy từ những bông sen nở của chùa. Bên cạnh đó, đây còn là nơi tâm linh, nơi tâm hồn con người thư thái chốn thiền môn cổ kính.

Không chỉ sở hữu kiến trúc độc đáo và đẹp mắt, chùa còn có 3 gian chính được xây bằng gạch ngói thờ Phật với hơn 20 pho tượng trang nghiêm. Trước cửa chùa, những phiến đá vuông chạm nổi hình rồng mềm mại tạo nên một không gian độc đáo và ấn tượng. Quả chuông lớn nặng 600kg trong chùa vang lên báo hiệu những điều thiêng liêng, thu hút mọi sự chú ý.

Ngoài ra, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh còn lưu giữ nhiều di vật gốm sứ có hoa văn từ thời kỳ Lý, tạo nên không gian trang trọng và đầy nghệ thuật. Những hiện vật này được sư thầy bảo vệ và giữ gìn cẩn thận, tôn vinh vẻ đẹp lịch sử và văn hóa của ngôi chùa.

Đúng như tên gọi “Sùng Nghiêm” – ngôi chùa này thực sự là nơi tâm hồn con người thư thái chốn thiền môn cổ kính, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm đến sự thanh tịnh và bình yên trong lòng. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh không chỉ là một di tích văn hóa – kiến ​​trúc, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đáng trân trọng, mà còn là một nơi cần được giữ gìn và bảo vệ cho thế hệ sau.

Chùa Mật Đa Thanh Hóa

Địa chỉ: Phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Mật Đa. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Mật Đa Thanh Hóa, một ngôi chùa trang nghiêm và cổ kính, tọa lạc ở ngoại đê sông Mã, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m về phía hữu ngạn sông Mã.

Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê – đời Bảo Thái vào năm Quý Mão 1723. Ngôi chùa này ban đầu chỉ là một nhà tranh vách đất đơn giản, dùng để thờ Phật, và tượng Phật được tôn tạo bằng đất nung tinh xảo và trang nghiêm. Hòa thượng Tuệ Minh, người từng trụ trì chùa Đại Khánh và chùa Thụy Nguyên, là vị sư đầu tiên trụ trì Chùa Mật Đa.

Chùa Mật Đa có kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ, và tên gọi “Mật Đa tự” mang ý nghĩa đất Phật mà hoa thơm, quả ngọt, đại diện cho phúc đức và thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái, cầu phúc và thực hiện các việc thiện trong cuộc sống.

Kiến trúc hình chữ Đinh của ngôi chùa bao gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, với bức đại tự sơn son thếp vàng chạm ba chữ “Mật Đa tự” và bức đại tự chữ “Pháp giới mông huân”. Trong chùa trang trí nhiều tượng pháp và đặc biệt có hai tượng hộ pháp cao hơn 3m khuyến thiện và trừ ác. Trải qua nhiều lần tu bổ và tôn tạo, kiến trúc điêu khắc của chùa đã hòa quyện hài hòa giữa các nền nghệ thuật của các thời Trần, Lê, Nguyễn…

Chùa Thanh Hà

Địa chỉ: 34 Bến Ngự, P. Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá

Chùa Thanh Hà. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Thanh Hà, một ngôi chùa lớn và nổi tiếng tại tỉnh Thanh Hóa, từng là ngôi chùa làng và hiện đã được xếp vào danh sách những ngôi chùa đẹp nhất ở Thanh Hóa, vang danh khắp nơi thu hút rất đông tăng ni Phật tử về đây chiêm bái. Ngôi chùa này ban đầu là chùa làng, được xây dựng nhờ sự đóng góp của dân làng Đức Thọ và sau đó nhận được sự nhiệt tình hỗ trợ từ quan huyện Cẩm Thủy là Văn Lâm Lang Mai Quý Công Tự Xuân Hòa (hay còn gọi là quan huyện Hoành).

Chùa Thanh Hà nổi tiếng vì gắn liền với thời kỳ chiến tranh và có quả chuông đặc biệt với dòng chữ ghi rõ việc đúc chuông chùa vào đời vua Thành Thái, vào ngày 10 tháng 9 năm Kỷ Sửu (1889). Ngôi chùa cũng ấn tượng với miếu được bài trí trang nghiêm và có nhiều tượng Phật lớn trong đại điện.

Cùng với hoạt động tôn giáo, chùa Thanh Hà còn là nơi tổ chức những ngày hội sinh hoạt văn hóa của làng xã, thu hút đông đảo tăng ni, phật tử và du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cầu bình an và may mắn. Khuôn viên chùa rộng rãi và thoáng mát nhưng vẫn mang nét cổ kính, mang đến không gian yên tĩnh và thanh tịnh cho những người đến thăm. Nhờ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, chùa Thanh Hà ngày nay trở nên uy nghi, đẹp đẽ và tinh tế, trở thành một địa điểm linh thiêng và đáng tự hào của Thanh Hóa. Nếu có dịp du lịch Thanh Hóa, đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm bái và tận hưởng không khí thanh tịnh tại ngôi chùa cổ này.

Chùa Đót Tiên

Địa chỉ: Phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Chùa Đót Tiên. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Đót Tiên, còn gọi là Đót Tiên Di-đà Tự, tọa lạc trong cụm di tích Quang Trung- Lạch Bạng tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi chùa này nổi bật với vẻ đẹp và tinh tế, thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách từ khắp mọi nơi.

Với kiến trúc hình chữ “Đinh”, Chùa Đót Tiên đã được bảo tồn cẩn thận, giữ gìn nhiều tượng, bia, và chuông cổ có giá trị nghệ thuật và lịch sử. Tổng thể của chùa Đót Tiên chùa gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, nơi đặt 26 pho tượng Phật được chạm khắc tinh xảo.

Sân thượng và sân dưới trước chùa được chia thành hai cấp rộng 16m, có bia và nhà che bia hình lục giáp, được xây dựng theo kiểu gác chuông 2 tầng độc đáo. Lối vào chùa cũng đặc biệt với hai cột nanh lớn theo kiểu lồng đèn, tạo nên không gian trang nghiêm và ấn tượng.

Chùa Đót Tiên, một trong những ngôi chùa phật giáo lớn và cổ kính của Thanh Hóa, thu hút hàng ngày đông đảo phật tử và du khách hành hương đến thăm lễ Phật. Với sự bảo tồn kỹ lưỡng của những pho tượng, chuông đồng và bia ký, có giá trị đặc biệt quý giá về lịch sử và văn hóa. Sự độc đáo của kiến trúc và vẻ đẹp thanh tịnh của chùa tạo nên một không gian tuyệt vời để du khách tìm kiếm sự bình an và thư giãn. Chính vì những điều đặc biệt này, Chùa Đót Tiên đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Khi đến du lịch tham quan chùa Đót Tiên, du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp của biển Bãi Đông, đảo Hòn Mê cách đó không xa, trải nghiệm cuộc sống của những người ngư dân ở các làng chài Nghi Sơn, cắm trại và nghỉ dưỡng bên bờ biển hoang sơ tuyệt đẹp của Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng

Địa chỉ: Đồi C4, núi Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. (Ảnh: Sưu tầm)

Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng là địa điểm du lịch hấp dẫn với kiến trúc độc đáo, quy mô tầm cỡ. Công trình tâm linh này ngự trên ngọn đồi cao, bên bờ sông Mã và xung quanh là rừng thông xanh ngút ngàn.

Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng gây ấn tượng với quy mô tầm cỡ gồm 12 hạng mục công trình. Khi đến đây, du khách sẽ bước qua cổng Tam quan phía ngoài, tiếp theo là hàng trăm bậc đá dẫn lên cổng Tam quan phía trong và ngôi Đại Hùng Bảo Điện lớn. Trung tâm thiền viện là nhà thờ Tổ, hai bên là lầu chuông - lầu trống, Trai đường, khu nhà Tăng, Thiền đường, nhà giảng kinh, bến thuyền. Tất cả hạng mục công trình đều được thiết kế tinh tế, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên xung quanh.

Đến thiền viện Trúc Lâm Thanh Hóa, du khách sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp độc đáo của một công trình tâm linh tầm cỡ. Nơi đây còn khiến bạn có cảm giác như lạc vào một thế giới khác với không gian thanh tịnh, linh thiêng giữa rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên triền đồi thoai thoải.

Lắng nghe tiếng gió du dương thổi qua rừng thông hòa vào tiếng chuông chùa vang vọng, bạn sẽ cảm thấy tâm mình thanh thản, thư thái lạ thường. Đó chính là những khoảnh khắc và trải nghiệm đáng giá mà bạn có được trong chuyến ghé thăm thiền viện.

Thiền Viện Hàm Rồng còn là nơi khôi phục và gìn giữ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng từ hơn 700 năm nay.

Đến với Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng trong không gian thanh tịnh, nghe tiếng chuông gió leng keng trong tâm hồn mỗi con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. Mọi sinh hoạt đời thường, mọi quang cảnh thế tục… bỗng như lùi vào một cõi xa xăm, nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa vang vọng…

Chùa Giáng

Địa chỉ: Phố Mới, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Chùa Giáng Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Giáng Thanh Hóa là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ triều vua Trần Duệ Tông, tọa lạc ở chân núi Đốn Sơn (huyện Vĩnh Lộc) xưa được liệt vào kỳ quan bậc nhất của xứ này.

Chùa Giáng có vị trí địa thế thuận về sông, núi, thoáng gió, tụ khí, dòng chảy, phương vị. Dãy Đốn Sơn chạy dài làm tả Thanh Long, núi Thùy Đầu (tức núi Bậc Đồn) là hữu Bạch Hổ, thật là địa thế rồng chầu hổ phục. Trước sân chùa có dòng nước chảy qua, do các khe nước trên núi hội tụ mà thành. Chùa lấy núi Thiên Vực (làng Thọ Vực – xã Vĩnh Ninh) làm án, có dòng Mã Giang sóng nước cuồn cuộn uốn khúc và xoáy tròn tại vụng Vực như rồng phục (Minh đường xa). Ngày xưa, trước cổng chùa có đường lát đá hoa đi xuống đàn tế Nam Giao của Nhà Hồ, lại có đoạn sông đào dài sáu bảy trăm mét, từ chân Đốn Sơn thông với dòng sông Mã, là đường vận chuyển thủy của Nhà Hồ. Dấu tích còn lại ngày nay là dãy Ao Quan với những ao sen nở vào mùa hạ hương thơm ngát một vùng.

Thủa sơ khai, chùa được làm 4 gian, sau khi vua Trần Duệ Tông mất, nhân dân địa phương xin tạc tượng lập long nhang, hương khói thờ tại chùa (nay tượng vẫn còn và được thờ tự ở nhà Mẫu). Trải qua thời gian, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, kiến trúc ban đầu, hệ thống ao vua ngăn cách bởi mặt đường vào Tam Quan.

Qua Tam Quan là đến thế giới linh thiêng nhà Phật, cổng chùa Giáng gồm hai tầng mái với chiều cao 13,7m, hai cầu thang được xây dựng vững chắc. Tầng hai có 5 cửa cuốn vòm, cửa giữa cao 3,7m với 8 vòm cuốn cong, tổng cộng có 14 đòn đao theo thứ tự từ thấp lên cao dần.

Phía sau, lưng chừng núi Đốn Sơn là Phật điện, nhà mẫu, đây là khu chính của chùa. Nhà Phật điện được trùng tu năm Bảo Đại thứ 14, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, bao gồm tiền điện 5 gian, thượng điện 2 gian. Nhà tiền điện có 13 pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thếp vàng. Tượng được bố trí thành 6 lớp theo trật tự từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao.

Khuôn viên chùa Giáng được giới hạn bởi cây đa sum suê, cây mít lá xanh đế, gỗ vàng đều mang linh khí của thần, là cây đại hút sinh lực của trời truyền cho đất, cây sung kết trái từng chùm, những rặng tre vươn cao tầm không đức độ, hàng cây thẳng tắp tỏa tán, những bông hoa hồng ngan ngát hương thơm, tất cả tạo nên một thế giới tâm linh.

Chùa Báo Ân

Địa chỉ: Xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Chùa Báo Ân Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Danh thắng Kim Sơn - Chốn bồng lai tiên cảnh ở Vĩnh Lộc

Chùa Báo Ân nằm dưới chân núi Báo, hướng nhìn ra dòng sông Mã. Tại đây, còn có lễ hội rước nước đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng văn hóa dân gian được lưu truyền từ xa xưa.

Ngoài tên gọi chùa Báo Ân, người dân trong vùng thường gọi di tích là chùa, phủ Báo Ân. Bởi bên cạnh thờ Phật, còn cả thờ Mẫu. Không ai biết đích xác lịch sử khởi dựng chùa Báo Ân. Chỉ có người dân địa phương tin rằng, chùa Báo Ân có từ thời Lý - Trần (?) khi đạo Phật phát triển cực thịnh ở nước ta. Ban đầu, chùa có tên gọi Lộc Sơn tự, về sau mới đổi thành Báo Sơn tự, gắn liền với câu chuyện về nhà sư họ Bùi, cũng chính là người được thờ trong tháp Viên Quang.

Ngoài nét đẹp kiến trúc và cảnh sắc mê đắm lòng người, chùa Báo Ân còn có lễ hội rước nước đặc sắc với những nghi lễ tâm linh - tín ngưỡng của cư dân bên bờ sông Mã. Lễ hội truyền thống rước nước chùa Báo Ân diễn ra từ ngày 27-29 tháng 2 (âm lịch) hàng năm thu hút đông đảo người dân cùng du khách về dâng hương, tham gia vui hội.

Chùa Hưng Phúc (Tu Ba Cổ Tự)

Địa chỉ: Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa

Chùa Hưng Phúc (Tu Ba Cổ Tự). (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Hưng Phúc (hay còn gọi là chùa Tu Ba Cổ Tự) là một ngôi chùa cổ nổi tiếng tại TP. Thanh Hóa. Tọa lạc ở phường Đông Hương, ngôi chùa này mang trong mình giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt.

Chùa Hưng Phúc cho đến giờ chưa có tài liệu nào ghi năm dựng chùa nhưng qua Sách Địa chí thành phố Thanh Hóa cho ta suy ra ngôi chùa được dựng trước triều Lý, có thể nói: Trong tâm thức tâm linh của người Việt xưa, ngôi chùa Hưng Phúc có tiếng là linh thiêng, các vua triều Lý, triều Trần, triều Lê khi qua Thanh Hóa đều vào chùa dâng hương lễ Phật, cầu xin hộ quốc. Cho ta nhận ra tinh thần Phật giáo không chỉ giáo hóa khuyến thiện, trừ ác, điều hòa đạo đức xã hội mà còn hòa quang đồng trần giúp nước, cứu dân.

Chùa tọa lạc ở phía đông, trước kia gần biển, thường bị thiên tai lũ lụt, giặc xâm lược, chùa lại nằm giữa cánh đồng có địa thế quan sát rộng, nên đây cũng là địa điểm phòng canh, rúc tù và báo hiệu cho dân biết. vì vậy chùa Hưng Phúc còn có tên nôm là chùa Tù Và.

Chùa Hưng Phúc từng là trung tâm tôn giáo và tín ngưỡng của cư dân trong vùng, thu hút nhiều người đến thăm quan và lễ Phật. Nơi đây cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng, thường tổ chức các lễ hội chung và sinh hoạt hàng năm.

Ngày nay, mặc dù diện mạo của chùa không còn như xưa, nhưng những tượng Phật bằng đá và những hiện vật đặc biệt có giá trị nghệ thuật cao vẫn thể hiện được nét tinh tế và đậm đà nghệ thuật của người xưa. Những tấm bia đá ở chùa ghi chép lại công đức của nhân dân xưa, đóng góp cho việc tìm hiểu về lịch sử và quá trình sở hữu đất đai của vùng Bố Đức, huyện Đông Sơn ngày xưa.

Chùa Mèo (Đỉnh Miêu thiền tự)

Địa chỉ: Làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa

Chùa Mèo Lang Chánh. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Mèo tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (huyện Lang Chánh). Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII và được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2005. Chùa Mèo từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá, tâm linh của nhân dân trong vùng, là nơi giáo dục đạo đức hướng thiện cho tất cả mọi người, đồng thời là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện bề dày văn hoá, lịch sử của địa phương.

Theo lịch sử ghi lại, chùa Mèo được hình thành từ thời Trần (lúc bấy giờ có tên là chùa Chu, do công chúa nhà Trần - Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếch xây dựng). Chùa được trùng tu tôn tạo vào năm 2013.

Sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, sắc chỉ cho quan Lê Khả vào Mường Chếnh đốc thúc thổ lang Mường tu sửa lại chùa Chu để thờ phụng Phật. Lê Lợi cho đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo.

Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, đại phá quân Thanh thắng lợi, ông đã chiếu chỉ cho thổ ty lang Mường sửa lại chùa Mèo. Vì thế, chùa Mèo ngoài thờ Phật còn thờ Đức Vua Lê và thờ Vua Quang Trung.

Không gian thoáng đãng, thanh tịnh của chùa Mèo mang đến cho người dân địa phương, du khách, phật tử thập phương đến dâng hương, vãn cảnh cảm giác bình yên, thư thái.

Chùa Bụt

Địa chỉ: Xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Chùa Bụt Thanh Hóa.

Chùa Bụt Hòn Bò hay còn được du khách biết đến tên {Chùa Bụt Thanh Hóa} nằm ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chính là trầm tích văn hóa từ 1.000 năm trước được người dân lập một gian thờ Phật cạnh gian thờ Đức Thánh Cả Tô Hiến Thành. Thời gian gần đây chùa được trùng tu và mở cửa đón khách du lịch từ năm 2021.

Chùa Bụt Thanh Hóa được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo với nhiều mái nhọn xếp chồng lên nhau. Sau khi được xây dựng và tôn tạo lại chùa Bụt hiện được hoàn thiện với 12 công trình: Cổng tam quan; Lầu chuông lầu trống; Tượng Phật tổ như lai ban phúc; Tượng đài chiến thắng; Nhà tăng ni; Hồ Mẫu tử; Chùa Bụt; Phủ Mẫu - nhà Linh; Đền thờ Đức Thánh Cả; Đền thờ Cá Voi; Cầu thạch bích bãi Râu Rồng và cuối cùng là Tượng Phật bà quan âm Nam Hải.

Cánh Cổng Tam Quan là nơi đầu tiên dẫn du khách vào chùa. hai tông màu chủ đạo là vàng và trắng, mái cong, tại vị trí trung tâm cao nhất của cổng đề hai chữ “Hộ Quốc” bằng tiếng Việt. Lối kiến trúc độc đáo thể hiện sự uy nghiêm, vững vàng bảo vệ người dân địa phương trước thiên tai, đem lại sự bình yên cho người dân sống bên bờ biển Hải.

Trong chùa hiện còn lưu giữ bộ xương cá voi hay Cá Ông, vị thần linh thiêng bảo vệ ngư dân ra khơi. Khi xác cá voi dạt vào bờ biển, ngư dân đã làm lễ chôn cất và thỉnh xương về thờ cúng cho đến nay.

Ngay phía sau chùa có lối đi riêng lên bãi đá Bồ Hòn, bãi đá gồ ghề xếp chồng lên nhau theo thời gian dần bị bào mòn tạo nên những hình thù thú vị. Bãi đá Hòn Bò nằm ở khu vực phía sau chùa, có lối đi riêng giúp du khách vừa có thể tham quan vãn cảnh ngôi chùa ở Hải Tiến linh thiêng, vừa check in khu vực bãi đá với không gian rộng lớn, kì vĩ được thiên nhiên ban tặng.

Hiếm có ngôi chùa nào như chùa Bụt, trong khuôn viên chùa là Tượng đài ghi công đứng hiên ngang ghi dấu chiến công hiển hách thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam.

Những ngôi chùa Thanh Hóa nổi tiếng về cảnh quan đẹp và linh thiêng khác:

- Chùa Đại Bi – Đường Mật Sơn, P. Ngọc Trạo, TP. Thanh hóa

- Chùa Bái Chăm – Thôn 16, Quảng Hồng, Quảng Xương, Thanh Hoá (Nay thuộc địa phận TP. Sầm Sơn)

- Chùa Bạch Hạc – Tạnh Xá, P. Tân Sơn, TP. Thanh Hóa

- Chùa Tăng Phúc – Số 19, Đường Chùa Tăng Phúc, Đông Cương, TP. Thanh Hóa

- Chùa Giáp Hoa – Thị trấn. Tào Xuyên, Hoằng Hoá, Thanh Hoá

- Chùa Vồm – Thiệu Khánh, Thiệu Hoá, Thanh Hoá

- Chùa Yên Cát – Quảng Cát, Quảng Xương, Thanh Hoá

- Chùa Châu Long – Thiệu Giao, Thiệu Hoá, Thanh Hoá

- Chùa Liên Hoa – Xã ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá

- Chùa Khải Minh – P. Bắc Sơn, TP. Sầm Sơn

Những ngôi chùa đẹp Thanh Hóa không chỉ là những công trình kiến trúc tôn giáo đặc biệt mà còn là những di tích lịch sử và văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách và nhà nghiên cứu. Nếu có dịch đến Thanh Hóa, bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về cảnh đẹp và lịch sử của những ngôi chùa nổi tiếng nhé!

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.