Mùa đông thời tiết Thanh Hóa khá lạnh, mặc dù vậy, cái lạnh đó đã tạo ra một cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn và thú vị cũng những món ăn mang đậm bản sắc xứ Thanh. Đi du lịch Thanh Hóa mùa đông, bạn sẽ có những trải nghiệm độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với những ngày hè nóng bức.
>>> Du lịch Thanh Hóa mùa đông - Top 10 điểm đến thú vị cho chuyến đi trọn vẹn
Ăn gì ở Thanh Hóa khi trời trở lạnh?
Bánh nhè Thanh Hóa
Bánh nhè là một trong những đặc sản Thanh Hóa nức tiếng xa gần. Cho đến nay, không ai còn nhớ và lý giải được vì sao bánh nhè lại có cái tên độc đáo đến vậy. Chỉ biết rằng món bánh này đã có từ rất lâu và được ông cha truyền lại từ đời này qua đời khác.
Bánh nhè Thanh Hóa thơm lừng được làm từ những nguyên liệu thật dân dã bình dị, như kết tinh cái hồn đồng ruộng, sông nước của miền đất xứ Thanh với nhân dừa, đậu xanh và đường được gói trong lớp bột nếp dẻo mịn. Bánh nhè được nấu bằng đường mật mía và gừng nên rất thơm ngon. Bánh nhè là niềm thương nỗi nhớ của những người con xa quê, lại là những gì thân thuộc, một thói quen không thể thiếu của người dân và là nỗi lưu luyến đối với khách đặt chân tới xứ này.
Món này thường được bán bởi những cô hàng rong, hoặc ở chợ Vườn Hoa.
Bánh đúc sốt Thanh Hóa
Mới nghe qua nhiều người sẽ nhầm với món bánh đúc, thức quà quê dân dã của các làng quê Bắc Bộ. Nhưng đây là món ăn độc nhất vô nhị của Thanh Hóa, khác biệt lớn nhất chính là ở màu xanh đẹp mắt. Bột bánh là bột gạo tẻ được nấu với nước vôi trong, bỏ thêm hành phi và chút mỡ. Màu xanh của bánh được tạo bởi nước rau ngót hoặc rau cải giã. Nồi bánh được nấu trên lửa liu riu, dùng đũa cả đảo liên tục để không bị vón cục, khi chín tới thì sánh như cháo, rất dậy mùi.
Đậu xanh bỏ vỏ nấu riêng, chín thì đánh tơi, như làm nhân bánh chưng ngày Tết. Khi ăn thì múc bánh ra bát, rải đậu xanh lên trên. Trời lạnh, hít hà hương thơm ngầy ngậy của bột gạo, thử vị bùi bùi của đậu xanh trong thìa bánh sóng sánh xanh như ngọc, thấy ấm bụng vô cùng.
Bánh đúc sốt Thanh Hóa chỉ bán vào buổi chiều. Hiện nay không còn nhiều hàng bán món này, chỉ có ở một số hàng rong ở ngã tư Lê Hoàn hoặc có thể ghé qua một số chợ, như chợ Vườn Hoa hoặc chợ Nam Thành… để tìm và thưởng thức.
Bánh khoái tép Thanh Hóa
Bánh khoái tép Thanh Hóa là món không thể không nhắc đến trong các món ăn vặt nổi tiếng của xứ Thanh. Món ăn không phải đặc sản cao sang, tuy nhiên, chính bởi sự bình dị, đơn giản của nguyên liệu đã tạo nên một hương vị rất thơm ngon là say lòng bao thực khách.
Hình dạng bên ngoài của bánh khoái Thanh Hóa khá giống với bánh xèo miền nam, tuy nhiên, món ăn này lại có một hương vị đặc biệt tới mức chỉ cần nói đến là người ta nhắc tới xứ Thanh. Những chiếc bánh nghi ngút khói khiến cho thực khách phải mê mẩn, thích thú ngay từ lần đầu thưởng thức. Món bánh này không chỉ là đặc sản Thanh Hóa, nó còn mang hương vị của quê hương khiến mọi người ăn một lần nhớ mãi.
Nguyên liệu chính gồm bột gạo tẻ xay dạng nước, rau cần nước rửa sạch cắt khúc nhỏ, bắp cải thái sợi và tép loại tươi ngon. Bột gạo được tráng trên chảo gang, sau đó cho rau cần, bắp cải, tép đã xào vào, lật cho bánh chín đều và giòn. Người làm phải biết điều chỉnh củi lửa cho phù hợp để bánh không bị cháy cạnh, cũng không được mềm quá. Một quả trứng gà đập vào giữa bánh tạo nên màu vàng rộm, ngon mắt ngon miệng.
Bánh khoái ngon khi chín đều, mép giòn, nhưng không nhiều mỡ gây ngán, và quan trọng là làm đến đâu, ăn đến đó để được thưởng thức nóng hôi. Nước chấm chỉ cần nước mắm chanh ớt là đủ vị của món ăn này.
Các phố bán bánh khoái tép ở TP. Thanh Hóa là Hàn Thuyên, Đào Duy Từ, Tô Vĩnh Diện... thường bán từ 3h chiều đến tối.
Bánh khoai, bánh chuối chiên
Khi thời tiết chuyển sang lạnh những món ăn vặt như khoai lang chiên, bánh chuối chiên lại trở thành món ăn khoái khẩu của giới trẻ.
>>> 'Thử ngay' 05 địa chỉ lẩu ếch ngon Thanh Hóa được đánh giá cao
Món bánh bình dị, dân dã, rẻ tiền nhưng không kém phần hấp dẫn.
Các bạn có thể tìm mua bánh khoai, bánh chuối chiên ở đường Tân An, Lê Vãn, hồ Đội Cung...
Các loại ốc
Ốc hút hay ốc mút là tên gọi dùng để chỉ loại ốc len rất ngon nhưng lại ít nơi bán. Các quán thường nhập về cả bao tải to ốc len, được bắt ở vùng ven biển Thanh Hóa và nuôi ở một số nơi. Để có được nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì sau khi mua về, ốc sẽ ngâm trong chậu nước to cùng ớt tươi khoảng 1 - 2 hôm, để nhả hết bùn. Sau khi rửa sạch, vớt ốc lên người ta đem phơi dưới nắng nhẹ để mùi bùn trong ốc bay ra.
>>> Gợi ý: 10 quán ốc Thanh Hóa ngon, nước chấm chua cay cực nịnh miệng
Khi ăn, bạn sẽ dùng một cái kìm cắt phần đuôi và hút từng con một. Vị đậm đà của ốc được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng cùng mùi sả ớt thơm nức mũi sẽ là một trải nghiệm khó quên với những ai mới thưởng thức lần đầu. Nhiều thực khách thích ăn cay còn trộn thêm ớt tươi giã nhuyễn hoặc bột ớt vào cùng.
Với ốc biển hay ốc giáo, chỉ cần ngâm với nước cho ra cát là có thể đem chế biến. Ốc thường được chặt đuôi trước khi luộc cho ngấm gia vị, để khi ăn khách hàng chỉ việc cầm lên và hút. Khi thưởng thức ốc giáo, bạn nên ăn cả ruột bên trong và cảm nhận vị thanh ngọt rất đặc trưng, mang đậm phong vị biển. Một lưu ý nhỏ cho những bạn có ý định ăn ốc trừ cơm là nên xin một bát nhỏ nước ốc để uống, bởi nước ốc luộc cùng sả gừng sẽ bù lại tính hàn của ốc, ăn thật nhiều cũng không lo đau bụng.
Với ốc khều tùy quán sẽ chọn loại khác nhau, thường là ốc mít, ốc đá, ốc mơ hoặc ốc quắn. Ốc khều ướp cùng sả giã nhỏ, ớt tươi, đường và bột canh khoảng 15 phút cho ngấm, sau đó luộc lên chấm cùng chẻo. Chẻo vàng thơm làm từ mẻ và bột năng, khi ăn rắc lên một chút rau mùi thơm lên trên.
Ốc được bán nhiều nhất ở phố Bến Ngự, Tân An...
Chả tôm Thanh Hóa - Đặc sản xứ Thanh nhất định phải thử
Chả tôm Thanh Hóa là đặc sản mà ai đến vùng đất này cũng phải thử ít nhất một lần. với Hương vị thơm ngon, màu sắc óng ánh vàng rực kết hợp cùng mùi hương hấp dẫn đã khiến bao người say mê.
Chả tôm Thanh Hóa được làm từ nguyên liệu chính là tôm tươi biển Sầm Sơn giàu dinh dưỡng và khoáng chất. Những con tôm bộp, tôm sắt xanh tươi ngon được hấp bóc bỏ vỏ cho thớ thịt trắng ngần. Tôm được giã tay trong cối đá đến độ nhuyễn mịn.
Thịt ba chỉ thái mỏng, áp chảo cháy cạnh rồi xén nhỏ, trộn cùng tôm, mỡ phần và bánh phở cắt vụn. Hỗn hợp dẻo quánh này được ướp cùng hành khô băm đều, thêm chút nước mắm ngon, hạt tiêu và chút thịt quả gấc, rồi xào nhanh trên lửa to ngọn.
Chỗ nhân thơm lựng ấy được quấn vào lớp áo là bánh phở xén chừng 3cm, thành miếng chả to hơn ngón tay cái.
Chả được kẹp vào que tre, nướng trên than hoa đượm lửa. Mỡ trong nhân ứa ra, vừa đủ làm đỏ hồng thêm thịt tôm cũng như làm mướt bóng lớp vỏ bên ngoài.
Chả tôm được chấm cùng nước mắm chua ngọt, ăn kèm rau thơm và dưa góp, đặc biệt là không thể thiếu những lát sung muối. Vị chua và chát nhẹ của sung đủ đưa đẩy khiến miếng chả giàu đạm không bị ngấy, ăn một lại muốn ăn hai.
Chả tôm bán nhiều ở Nhà Thờ, phố Lê Thị Hoa, chợ Vườn Hoa...
Chả tôm Thanh Hóa cũng là món ăn vặt được ưa chuộng.
>>> Mách bạn: Những địa điểm ăn đêm TP. Thanh Hóa không thể bỏ lỡ
Du lịch Thanh Hóa mùa đông, hãy nhớ thưởng thức những món ăn vặt nóng hổi mà bạn yêu thích để có một chuyến đi thú vị tại xứ Thanh nhé!