36.com.vn

Top 07 địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất định phải ghé qua khi du lịch Sầm Sơn

Sầm Sơn nổi danh là nơi du lịch biển nổi tiếng, cảnh quan tươi đẹp mà nơi đây còn có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh…. Không chỉ là nơi du lịch tắm biển, những địa điểm tâm linh tâm linh tại Sầm Sơn là nơi chứa đựng niềm tin, ước nguyện của người dân nơi đây cũng như du khách khắp nơi tìm đến viếng thăm và cầu mong những điều tốt đẹp…

>> Du lịch Sầm Sơn từ A đến Z 

image6

Các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Sầm Sơn.

>>> Bỏ túi: Bản đồ du lịch tâm linh Thanh Hóa chi tiết nhất

Hãy cùng khám phá các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Sầm Sơn này nhé!

Đền Độc Cước

Có thể nói đây mà một trong những ngôi đền cổ nổi tiếng và thiêng liêng bậc nhất xứ Thanh. Đền Độc Cước hay còn gọi là đền Thượng, nằm trên đỉnh Hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ. Đền nằm trên mặt đường Hồ Xuân Hương ngay cạnh bãi tắm A biển Sầm Sơn.

Đền Độc Cước mang tên một vị thần Độc Cước (một chân) theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn liền với sự tích Chàng trai khổng lồ đã tự xe đôi chân mình để vừa đánh đuổi quỷ ngoài khơi, vừa đánh giặc trong đất liền cứu dân làng.

Để tưởng nhớ công ơn của Thần Độc Cước, người dân đã lập đền thờ tại nơi có vết chân in sâu vào vách núi để cầu mong sự che chở, phù hộ cho cuộc sống được bình yên.

Đền Độc Cước

Đền Độc Cước Sầm Sơn - Huyền thoại một vị thần.

Đền được xây dựng vào thời nhà Trần, đường lên đền có 45 bậc đá. Trong đền có thờ tượng thần Độc Cước bằng gỗ có một tay và một chân.

Đền Độc Cước không chỉ là nơi linh thiêng bậc nhất, nơi đây còn có tầm view, những mỏm đá cực kỳ đẹp nơi du khách có thể chụp ảnh checkin toàn bộ bãi biển sầm sơn từ trên cao…

Năm 1962 đền Độc Cước được công nhận là Di tích cấp Quốc Gia. Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh vô cùng ý nghĩa.

Hàng năm nơi đây còn có các lễ hội truyền thống như Lễ hội Cầu Phúc ( 16/2 âm lịch), lễ hội Bánh Chưng Bánh Giầy (12/5 âm lịch)…

Đền Độc Cước là một di tích nổi tiếng ở Sầm Sơn, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến đây tham quan. Dù trải qua nhiều năm tháng, nhiều lần trùng tu nhưng ngôi đền vẫn uy nghi, vẫn là địa điểm tâm linh độc đáo của người Việt.

Đền Cô Tiên

Đền cô Tiên nằm trên đỉnh hòn Đầu Voi của dãy núi Trường Lệ, nằm gần làng chài Vinh Sơn. Sở dĩ có tên hòn Đầu Voi là vì dãy núi Trường Lệ chạy dài đến chỗ này thì nhô ra một hòn hình dáng như đầu con voi đang cúi mình uống nước.

Đền Cô Tiên nằm ở một vị trí rất đẹp, thoáng đãng, cảnh vật thơ mộng có núi, có biển . Khi tới đây vãn cảnh hay đi lễ Bạn sẽ có cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng. Phía dưới chân đền có bãi đá chụp ảnh checkin rất đẹp. Đặc biệt là khi Bạn đứng trên đỉnh núi nhìn xuống khung cảnh bao la tuyệt đẹp.

Đền được xây dựng vào thời nhà Lý, theo kiến trúc cổ gồm 3 lớp: Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung. Ngoài Đền chính, trong quần thể di tích đền Cô Tiên còn có đền Trình (Quan Giám), Miếu lộ thiên Nam Hải Đại Vương, Miếu Cô Chín.

Năm 1992 Đền Cô Tiên được xếp hạng Di tích quốc gia.

Đền Cô Tiên

Đền Cô Tiên Sầm Sơn - Huyền thoại và cảnh quan.

Truyền thuyết kể lại rằng: Ngôi đền này thờ một người con gái làm nghề thuốc cứu nhân độ thế. Cô gái vì không nghe lời cha lấy một kẻ nhà giàu nên bị cha đuổi ra khỏi nhà. Sau đó cô đem lòng yêu và lấy một chàng trai nghèo hiền lành, tốt bụng tên là Côi. Cuộc sống đang êm ả trôi đi trong hạnh phúc thì nàng bị bệnh hủi (bệnh phong). Hai vợ chồng đã đi khắp nơi chữa bệnh nhưng không khỏi. Bỗng một hôm có một bà lão xuất hiện đã chạy chữa cho nàng. Bà lên núi hái lá nam về hòa cùng với nước được lấy từ Vụng tiên. Cô gái khỏi bệnh. Bà cụ ra đi để lại cho cô gái một giỏ mây đựng đầy lá thuốc và một tay nải che mưa, nắng.

Một lần 2 vợ chồng đi chữa bệnh về khuya gặp trời mưa to, nhớ lời bà cụ dặn lấy tay nải ra che mưa và thiếp đi lúc nào không biết. Sáng mai khi tỉnh dậy 2 vợ chồng thấy mình đang nằm trong một ngôi nhà 3 gian khang trang sạch sẽ. Từ đó họ ở lại ngôi nhà và hằng ngày đi hái thuốc lá nam trên núi về chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Một buổi sáng đẹp trời 2 vợ chồng ăn mặc rất đẹp dắt tay nhau đi lên đỉnh núi và thấy không quay trở về. Dân làng đồn rằng nàng chính là tiên nữ giáng trần. Ngôi nhà của vợ chồng được nhân dân trong vùng hương khói thờ phụng quanh năm.

Đền thờ Thái Úy Tô Hiến Thành

Đền thờ Tô Hiến Thành tọa lạc trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn. Ngôi đền cổ nằm trên đồi cao của dãy núi Trường Lệ hùng vĩ, theo dân gian đền thờ Tô Hiến Thành còn được gọi là đền Trung và đã được xây dựng cách đây khoảng 800 năm. Tuy trải qua bao năm tháng, cùng nhiều lần trùng tu nhưng ngôi đền vẫn giữ được sự linh thiêng, uy nghi vốn có.

Theo sử sách ghi lại Tô Hiến Thành (1102 -1179) sinh ra tại Xóm Lẻ, Làng Hạ Mỗ , Xã Hạ Mỗ Huyện Đan Phượng, Tỉnh Hà Tây nay thuộc huyện Đan Phượng TP Hà Nội. Ông làm quan dưới ba triều vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông. Ông được coi là trụ cột triều đình và giữ nhiều trọng trách quan trọng của đất nước như: Thái Úy, Thái Phó Bình (tể tướng) …Ông nổi tiếng là người văn võ song toàn, không chỉ giỏi cầm quân đánh giặc, ông còn giỏi quản lý, thống lĩnh quân sĩ, giúp dân khai hoang, lập làng ở các vùng Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa… hết lòng vì nước vì dân.

Ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi, 1179 niên hiệu Trịnh Phụ Vua Lý Cao Tông – Thái úy Tô Hiến Thành qua đời. Vua Lý Cao Tông cho làm Quốc tang, ăn chay ba ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày để cả nước chịu tang ông. Thật là hiếm có trong lịch sử Đại Việt thời kỳ phong kiến.

Đền thờ Tô Hiến Thành

Đền Tô Hiến Thành Sầm Sơn - Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh.

Sau khi ông mất, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông đối với nhân dân. Các đời Trần – Lê – Nguyễn đều có sắc phong ghi nhận công lao to lớn của Thái Úy Tô Hiến Thành.

Đền Thờ Tô Hiến Thành Sầm Sơn được bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và là một trong 72 đền thờ ông ở Thanh Hóa. Hiện nay đền vẫn còn giữ được một số hiện vật, đồ lễ như: Cỗ kiệu bát cống, các câu đối, đại tự, chúc văn, bộ chấp sự, thánh vị, hòm sắc, bát hương, lư hương, hạc đồng…

Hàng năm, nhân dân vẫn tế lễ, giỗ ông vào ngày 12/6 (âm lịch) để tỏ lòng tri ân vị khai quốc công thần thời Lý, có nhiều công lao đánh giặc Tống, Bình Chiêm, bảo vệ đất nước, góp phần xây dựng triều chính nhà Lý vững mạnh.

Đền Đề Lĩnh

Đền Đề Lĩnh được xây dựng cách đây khoảng 500 năm, gắn liền với câu chuyện lịch sử bi tráng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngôi đền được xây dựng tại làng Lương Trung nay là khu Phố Khánh Tiến, Phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn.

Đề Lĩnh tên thật là Lê Quang Lộc, vị tướng thời vua Lê Tương Dực (1510-1516), Ông được phong chức danh Đề Lĩnh (chức danh được đặt cho những võ quan cao cấp xếp vào hạng tứ trụ triều đình). Ông nổi tiếng là người văn võ song toàn, tài trí hơn người.

Tương truyền Tướng công Lê Quang Lộc được Vua giao khai phá và trấn giữ vùng biển Sầm Sơn. Khi đó Sầm Sơn nơi là nơi hoang vu, dân cư thưa thớt, địa hình hiểm trở nhưng nằm trên vùng cửa biển có giá trị quân sự rất lớn. Khi tới Sầm Sơn, ông dựng làng, lập trại, khai mở đất luyện binh, ngày đêm rèn luyện võ thuật cho nhân dân, giúp dân làng ổn định cuộc sống...

Trong một lần nhà Minh đưa quân lính vào nước ta bằng đường biển, chúng lợi dụng địa hình hiểm trở ngày đêm quấy nhiễu, giết dân cướp bóc … Đề Lĩnh chiêu mộ binh sỹ đem quân chống giặc nhưng thế trận chênh lệch lấy ít địch nhiều, lại bị cô lập không có quân ứng viện kịp thời nên quân ta đã bị giặc đánh, vây hãm. Hai cô con gái của ông đã giả trai cầm quân đánh giặc hòng giải vây cho cha nhưng bất thành. Ba cha con chiến đấu kiên cường cho tới hơi thở cuối cùng. Xác ba người được nhân dân đem về chôn cất tại vùng đất mà ông đã dày công gây dựng và lập đền thờ phụng.

Đền Đề Lĩnh Sầm Sơn

Đền Đề Lĩnh Sầm Sơn - Ngôi đền thiêng gắn với câu chuyện lịch sử bi tráng.

Ngôi đền nằm trên một gò đất cao – tương truyền đây là phần đầu rồng rất linh thiêng, mặt ngoảnh phía nam hướng về núi Trường Lệ, bên trái là biển đông, bên phải là dòng sông Đơ trong xanh hiền hòa. Ngôi đền rộng rãi với khuôn viên cây xanh tươi mát cùng hồ bán nguyệt là nơi tụ thủy cho ngôi đền. Bên cạnh đó xung quanh hồ còn có tượng đá biểu tượng linh vật 12 con giáp để du khách có thể chụp ảnh với những con vật mà mình yêu thích.

Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc rất độc đáo thượng sàng hạ mộ (trên đền dưới mộ) và đây cũng là ngôi mộ thật của Ngài Đề Lĩnh. Năm 1993 đền Đề Lĩnh được Bộ Văn Hóa công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngôi đền còn lưu giữ 2 chỉ sắc phong cổ được coi là báu vật của đền ngoài ra trong đền còn trưng bày nhiều đồ thờ cổ quý như lư hương, bộ chân đèn bằng đồng, các bảng trúc văn, đôi hạc đồng lớn, các câu đối, bức trạm trổ…

Để tỏ lòng biết ơn, vào ngày 17/1 (tháng giêng âm lịch) hàng năm là ngày ngài Đề Lĩnh tử trận, dân làng lại mở hội tổ chức tế lễ dâng hương và mở hội đấu vật…

Đền Cá Lập

Đền Cá Lập hay còn gọi là Đền Làng Trấp thuộc Phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn. Đền Thờ Tây Phương Tướng quân Trần Uy Đức – Người có nhiều công trạng trong 2 cuộc kháng chiến của quân và dân nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông ở thế kỷ thứ 13.

Đền Cá Lập Sầm Sơn

Đền Cá Lập Sầm Sơn - Đền thờ Tây Phương Đại tướng quân.

Đền Cá Lập được khởi dựng cách đây khoảng 900 năm, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều lần chỉnh trang tu sửa nhưng ngôi đền vẫn giữ được sự thâm nghiêm và cổ kính. Trong đền hiện vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong vua ban, bài vị, chấp kích, quân cờ, gươm, câu đối….

Nhìn từ bên ngoài, nổi bật hơn cả là cây gạo cổ thụ với thân cây to lớn nằm ngay giữa sân đền. Thân cây to, cao khoảng 20m tán rộng và đặc biệt mỗi dịp tháng 3 về hoa gạo nở rất nhiều đỏ rực cả một vùng. Cây gạo tỏa bóng mát trước cửa đền, tạo cảnh quan bóng mát cho ngôi đền.

Năm 1999 di tích đền Cá Lập được bộ Văn hóa truyền thông công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia.

Hàng năm vào dịp 12/2 âm lịch người dân Sầm Sơn lại tụ họp về đây để giam gia lễ hội đền Cá Lập, như một lời tri ân với Tướng quân Tây Phương Trần Đức.

Chùa Thiên Phúc

Chùa Thiên Phúc (hay Thiên Phúc Tự) nằm cuối đường Hồ Xuân Hương trong quần thể Flc Sầm Sơn, thuộc Phường Quảng Cư , TP. Sầm Sơn. Chùa Thiên Phúc là điểm đến hấp dẫn, là một lựa chọn yêu thích của rất nhiều du khách quan tâm về tâm linh khi du lịch tại Sầm Sơn.

ben ngoai chua thien phuc sam son

Cảnh quan bên ngoài Chùa Thiên Phúc Sầm Sơn.

>>> Xem thêm: Hòn Trống Mái Sầm Sơn - Truyền thuyết về 'mối tình thủy chung'

Chùa Thiên Phúc nằm ngay sát biển, phía trước chùa là biển rộng bao la, sau lưng chùa là sân golf rộng lớn, bên phải chùa là dãy Resort luxury flc Sầm Sơn.

Bước chân tới chùa nổi bật là tượng Quan thế âm Bồ Tát, dưới chân Ngài là hồ nước vừa làm cảnh quan vừa là nơi tụ thủy cho chùa.

quan the am bo tat chua thien phuc

Tượng Quan Thế âm Bồ Tát phía trước chùa Thiên Phúc Sầm Sơn.

Cung chính là nơi thờ Tam Bảo (bao gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng Bảo)

Hậu cung là nơi thờ Vua cha Bát Hải. Đây cũng là nơi duy nhất ở Sầm Sơn thờ vua cha Bát Hải.

Xung quanh chùa được trồng rất nhiều cây xanh, phong cảnh hữu tình… cùng với tiếng gió xì xào mát lành xen lẫn tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân chùa… nơi bất kì ai tới đây đều cảm thấy được thanh tịnh và nhẽ nhõm trong tâm hồn.

Nhà Thờ Sầm Sơn

Nhà thờ Sầm Sơn tọa lạc tại số 121 Nguyễn Du, Phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn. (Đường Nguyễn Du là một trong những con đường chính của TP. Sầm Sơn)

Nhà thờ được xây dựng vào khoảng năm 1922-1924 với kiến trúc mái vòm rất độc đáo của Pháp tạo nên không gian bề thế uy nghi và rất trang nghiêm. Khuôn viên nhà thờ rộng rãi và được trồng rất nhiều cây xanh kết hợp với kiến trúc độc đáo đã trở thành địa điểm được nhiều bạn trẻ check-in, chụp ảnh kỷ yếu. Lối kiến trúc phương Tây của giáo đường rất phù hợp cho việc chụp ảnh cưới của những cặp đôi…

Năm 1993 nhà thờ Sầm Sơn được công nhận là di tích lịch sử của tỉnh Thanh Hóa.

checkin nha tho sam son

Chụp ảnh check-in cực đẹp phía trước nhà thờ Sầm Sơn.

>>> Xem thêm: Top 05 xe khách Hà Nội Sầm Sơn chất lượng

Năm 2017 nhà thờ khởi công khu thánh đường nhà nguyện Sistina hoàn toàn bằng đá, được thiết kế theo kiến trúc nhà nguyện Sistina Roma. Trần khu thánh đường được vẽ hoàn toàn bằng tay với các bích họa nổi tiếng thời phục hưng như hình chúa ba ngôi cùng đức Maria cùng các thánh tổ phụ các tiên tri các thánh tông đồ, cảnh dâng chúa trong đền thánh với cụ già Simêon cùng nữ ngôn sứ Anna, các sự tích thánh Giuse, các mầu nhiệm về đức Maria, cuộc đời giáo hoàng Gioan Phaolo II …

Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, hiện nay giáo xứ Sầm Sơn có rất nhiều họ, với khoảng gần 3000 giáo dân, giáo xứ Sầm Sơn ngày càng trở thành một trong những biểu tượng của thành phố này với lối kiến trúc phương Tây đặc trưng. Đây là nơi hành lễ của giáo dân, nơi cầu an thuận buồn xuôi gió của ngư dân theo đạo thiên chúa, nơi Bạn sẽ bỏ quên những mệt nhọc... hòa trong tiếng chuông ngân và tiếng kinh cầu, nơi tâm hồn thoáng chốc an bình hơn.

Nằm ngay cạnh nhà thờ Sầm Sơn là nhà khách giáo hoàng Phaolo II, nhà khách bắt đầu hoạt động vào năm 2021. Nơi này phòng ốc sạch sẽ thoáng mát và sang trọng như khách sạn 4 sao, an toàn phù hợp cho du khách công giáo hành hương và nghỉ dưỡng.

IMG 7556 1 768x512

Nơi chốn linh thiêng ta tìm về. Ảnh: Sưu tầm

Trên đây là 7 địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Sầm Sơn, nếu có dịp đến với thành phố biển Sầm Sơn hãy ghé qua những địa điểm này nhé, vừa khám phá thêm những nét đẹp của thành phố biển mà còn là những địa điểm tâm linh cực kỳ thiêng liêng đấy Bạn nhé!

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.