Đền thờ Tô Hiến Thành là một trong những ngôi đền linh thiêng cổ kính nổi tiếng ở Sầm Sơn.
Đôi nét về đền Tô Hiến Thành
Đền Tô Hiến Thành còn gọi là Đền Đệ Nhị hay đền Trung (Đền Độc Cước là đền Thượng, đền Đệ Nhất; Đền Hoàng Minh Tự là đền Đệ Tam hay đền Hạ). Đây là một hệ thống ba đền của một làng. Làng Núi (gọi nôm), tên chữ là Sầm Thôn. Đền là một trong những ngôi đền linh thiêng cổ kính nổi tiếng ở Sầm Sơn với những kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt.
Theo một người dân ở địa phương cho biết: “Đây là một trong những ngôi đền thiêng nổi tiếng về sự linh thiêng trong vùng và lan toả đi nhiều nơi về sự linh nghiệm của sự thành tâm, thành kính trước anh linh người xưa về cầu tài, cầu lộc, cầu bình yên về sự đỗ đạt học hành, về sự ngay thật trong cuộc sống”.
Ngôi đền ở lưng chừng núi, ngoảnh hướng tây tựa lưng vào vách đá rất vững chải. Đứng ở Tam quan chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ quang cảnh làng Sầm Thôn ken dày sầm uất.
Đền thờ Tô Hiến Thành toạ lạc trên dãy núi Trường lệ thơ mộng. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: 05 ngôi đền linh thiêng ở Sầm Sơn bạn nên ghé thăm
Thân thế và sự nghiệp Thái úy Tô Hiến Thành
Theo thần phả Đền thờ thì vào đời vua Lý Nhân Tông (1072 -1128) Niên hiệu Phù Long (1101 -1109) ở Ái Châu, phủ Hà Trung Huyện Hoằng Hóa có y bút Tô Danh cùng vợ là Nguyễn Thị Đoan ăn ở phúc đức song chưa sinh hạ được mụn con nào. Cảm phục trước tấm lòng của vợ chồng có một nho sỹ đã khuyên bảo nên cầu tự ở đức Thành thiền sư Nguyễn Minh Không.
Năm Đinh Hợi niên hiệu Long phù Vua Lý Nhân Tông. Tháng Giêng mùa xuân ngày 22 bà Nguyễn Thị Đoan sinh hạ được một người con trai, mặt mũi khôi ngô tướng mạo phi phàm. Bởi vậy ngay từ nhỏ chàng trai họ Tô đã học hành giỏi giang. Năm 21 tuổi Tô Hiến Thành đỗ thủ khoa Đời vua Lý Nhân Tông niên hiệu Thuận Thiên (1128 -1138).
Năm Kỷ Mão 1178 ngoại bang Ai Lao kéo quân sang Xâm chiếm nước ta – Ngài được phong làm thượng tướng cùng Tướng sĩ đem quân dẹp giặc. Sau khi dẹp yên quân giặc Ngài trở về cung phụng sự triều chính; Ngài đã mang tâm trí phục vụ nhân dân và đất nước. Mùa hạ năm Kỷ Hợi 12/6/1179 niên hiệu Trịnh Phụ Vua Lý Cao Tông – Thái úy Tô Hiến Thành qua đời.
Trước khi Ngài lâm chung, giới thiệu Trần Trung Tả là người tài giỏi vì bận việc nước mà không hầu hạ khi ốm đau làm thái úy thay mình. Mà không giới thiệu Nguyễn Tân Đường. Nguyễn Tân Đường là viên quan nội giám rất trung thành, giỏi cung phụng và chăm sóc Ngài. Điều này làm Thái Hậu và Vua Lý sửng sốt, khi được hỏi, Ngài trả lời: Tôi giới thiệu người tài trị quốc chứ không giới thiệu cho Bệ hạ người tài nịnh hót. Tương truyền trước khi mất, Ngài đang nằm hóng mát bên cửa sổ thấy có một con rồng lớn bay lên trời và Ngài cũng từ từ nhắm mắt.
Tương truyền ngôi đền đã có trên 800 năm. (Ảnh: Sưu tầm)
Không gian, kiến trúc đền Tô Hiến Thành
Sau khi Ngài mất nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ Ngài, để tưởng nhớ công lao của Ngài đối với nhân dân. Các đời Trần - Lê - Nguyễn đều có sắc phong ghi nhận công lao to lớn của Ngài. Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành Sầm Sơn tương truyền đã có trên 800 năm.
Đền nằm trên đồi cao, hướng về phía Tây. Cổng Tam quan cao vút, bề thế có voi phục, ngựa chầu, uy phong. Bước qua cổng tam quan, cây si, cây vông, nhất là cây bàng cổ thụ trước cửa đền, gốc to hơn một vòng tay tỏa bóng mát trên sân đình.
Ngôi đền được trùng tu, tôn tạo, nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị linh thiêng vốn có. (Ảnh: Sưu tầm)
Hiện tại ngôi đền gồm 3 cung: Bái đường, Trung đường và Hậu cung hình chữ Đinh. Bái đường 3 gian thờ cộng đồng các quan, nơi tổ chức các thể thức tế lễ vào ngày lễ hội, giỗ Ngài …Trung đường nơi đặt khám và tượng ngài Tô Hiến Thành nơi ngài làm việc, phán xử việc công. Hậu cung, nơi đặt khám thánh vị, sắc phong. Hai cung Trung đường và Hậu cung được xây cuốn vòm tạo một không gian thu nhỏ, ánh sáng mờ ảo cùng những khe gió hút mát lạnh gây không khí và không gian thiêng liêng.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng người dân nơi đây vẫn còn giữ được một số hiện vật, đồ lễ: Cổ Kiệu Bát Cống, các câu đối, đại tự, Chúc văn, Bộ Chấp Sự, Thánh vị, hòm sắc, bát hương, chuông, lư hương, hạc đồng…
Ngày 14 tháng 2 năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã ký Quyết định công nhận đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia nằm trong quần thể di tích và danh thắng: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, Hòn Trống Mái.
Cảnh quan ngôi đền có nhiều cây xanh che bóng, tạo cảm giác yên bình, mát mẻ. (Ảnh: Sưu tầm)
Đến biển Sầm Sơn, sau khi viếng thăm đền Độc Cước, Đền Cô Tiên, qua hòn Trống Mái, du khách hãy thả bộ rừng thông tĩnh lặng, lắng nghe gió reo vi vút và thưởng thức hương rừng ngai ngái, thanh sạch… Và cứ thế, chẳng mấy chốc, đền thờ Tô Hiến Thành đã hiện ra trước mắt, cổ kính, thâm nghiêm nhưng khá vắng vẻ.