Đền thờ Lê Lai. Ảnh: Vnexpress
Đền thờ Lê Lai ở đâu?
Đền thờ Trung túc vương Lê Lai hay còn có tên đền Tép toạ lạc trên một ngọn đồi thấp ở trung tâm làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện miền núi Ngọc Lặc - quê hương Lê Lai. Xưa kia vùng đất này có tên gọi là thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, phủ Thanh Hóa.
Đền thờ Lê Lai thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cách chính điện khoảng 6 km về phía Tây và cách TP. Thanh Hoá hơn 50 km.
Lê Lai liều mình cứu chúa
Theo sách Đại Việt thông sử, năm 1416 Lê Lai và Lê Lợi cùng 17 tướng lĩnh tổ chức hội thề Lũng Nhai chuẩn bị dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Tại hội thề, Lê Lai được trao chức Tổng quản Phủ đô tổng quân, tước quan Nội hầu.
Lê Lai đổi áo bào cho Lê Lợi liều mình cứu chúa. Ảnh: Vnexpress
Năm 1419 khi nghĩa quân Lam Sơn bị giặc vây hãm trên núi Chí Linh không còn đường rút lui, trong tình thế cấp bách, Lê Lai đã đổi áo bào cho Lê Lợi liều mình cứu chúa và bảo vệ lực lượng. Ông cưỡi voi xông ra trận phá vòng vây nhưng do lực lượng quân địch quá mạnh, Lê Lai bị bắt đem về Đông Đô tra tấn và xử chém.
Sự hy sinh cao cả của Lê Lai đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ghi nhớ công ơn của ông, Lê Lợi sau khi lên ngôi năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) đã cho lập đền thờ ông ở làng Tép và lệnh cho quân thần sau này làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày, từ đó dân gian có câu "hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi".
>>> Xem thêm: Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa - Di sản phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị
Không gian kến trúc đền thờ Lê Lai
Đền thờ Lê Lai với vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp riêng hiếm có.
Ngôi đền được thiết kế, xây dựng theo lối chồng rường giá chiêng (một loại kiến trúc nhà truyền thống ở miền Bắc trước đây).
Đền có kiến trúc hài hòa 2 lớp nhà hình chữ “đinh” nằm trên vườn đồi ngoảnh hướng Đông Nam. Hướng này theo thuyết phong thủy là hướng thần linh, bát nhã (trí tuệ), thế đất long chầu hổ phục, tạo nên không gian khoáng đãng, thoáng mát.
Đền thờ được xây vào năm Thái Hòa thứ 7, triều Vua Lê Nhân tông (1450). Đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939) được trùng tu, tôn tạo lại bằng gạch, lợp ngói, cột, xà rui mè trong đền đều là gỗ lim.
Trải qua nhiều biến cố, đến năm 1997, đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trùng tu, tôn tạo lại nhà tiền đường trên nền móng cũ theo lối kiến trúc chồng rường giá chiêng, toàn bộ kiến trúc được lắp ghép thông qua hệ thống cột xà và kẻ bẩy có độ chính xác cao. Đề tài chạm khắc trang trí là vân mây sông nước, xen lẫn hoa lá cách điệu.
Đền thờ Đức chúa bà nương A Thiện, vợ Lê Lai.
Bên cạnh Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai là Đền thờ Đức chúa bà nương A Thiện, vợ Lê Lai (hay còn gọi là Đền thờ Mẫu). Đền được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Đinh, tiền đường và hậu cung liền nhau, tường xây bằng gạch dày với 3 vòm, trên có lưỡng long chầu nguyệt, phượng múa xen lẫn các họa tiết. Bên đầu hồi đắp nổi hình hổ phù, kiến trúc vì kèo đơn giản (chồng lên tường), vật liệu chủ yếu bằng gỗ lim lợp ngói.
Đền thờ Trung túc vương Lê Lai quanh năm cây cối xanh tốt.
>>> Xem thêm: Du lịch Thọ Xuân Thanh Hóa
Phía trước đền thờ Trung túc vương Lê Lai có một hồ bán nguyệt lớn, quanh năm cây cối xanh tốt. Quanh khuôn viên đền thờ Lê Lai có rất nhiều cổ thụ như cây sấu, đa, lim, lát... thân lớn hàng chục người ôm mới xuể. Ngay cổng chính dẫn vào ngôi đền cổ còn có hai cây đại lớn, được cho là có tuổi đời hàng trăm năm, thân hình sần sùi. Hai cây đại này đã được xếp hạng cây di sản Việt Nam.
Với những giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, văn hóa, Đền thờ Trung túc vương Lê Lai đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ hội đền thờ Lê Lai
Đã thành thông lệ, hằng năm tại đền thờ diễn ra 2 lễ lớn là Lễ cầu an của người dân địa phương vào ngày 8 tháng giêng và lễ dâng hương vào ngày 21-8 âm lịch.
Lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
>>> Bỏ túi: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm
Tại lễ hội thường có các hoạt động tế lễ, dâng hương diễn ra trang nghiêm và cung kính theo nghi lễ tế thần thời Lê. Ngoài ra còn có màn rước kiệu, hát chầu văn, biểu diễn cồng chiêng, múa kiếm, bắn cung, chọi gà.... Lễ hội trở thành một ngày hội lớn của người dân địa phương và thu hút hàng nghìn lượt khách đến dâng hương, tế lễ.
Tiền đường đền thờ Trung túc vương Lê Lai. Ảnh: Vnexpress
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai nằm ở vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp riêng hiếm có.