Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục.
Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục ở đâu?
Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục (đền Hàn) nằm soi bóng ven bờ sông Lèn, nơi núi sông giao cắt, thuộc thôn Phong Mục, xã Châu Lộc (nay là xã Triệu Lộc), huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Nơi ngã ba Bông, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục không chỉ tọa lạc ở vùng đất “sơn thủy hữu tình”, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn là nơi đất thiêng, trung tâm tín ngưỡng - tôn giáo. Cách cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục không xa là khu di tích quốc gia đặc biệt - Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu.
Bên kia sông Lèn, đền Hàn Sơn (xã Hà Sơn, Hà Trung) uy nghi, bề thế. Ngoài ra, trong một vùng ngã ba sông nước - ngã ba Bông ấy hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng độc đáo như: Đền Cây thị, đền thờ Lý Thường Kiệt, đền cô Bơ (Ba) Bông... như càng ghi dấu cái danh giá tự bao đời, ít nơi nào có được.
Truyền thuyết về cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục
Từ xưa, người dân vẫn lưu truyền câu chuyện truyền thuyết về Cụm di tích thắng cảnh Phong Mục. Vào thời Lê, Mẫu Đệ Tam (còn gọi là Mẫu Thoải - cai quản thủy phủ) đã được triều đình cử đến đây dẹp giặc. Chính Mẫu đã hỗ trợ đắc lực cho đức ông Lê Can Thành đánh tan quân giặc, bằng cách làm đắm thuyền tre ở khu vực sông Lèn giao với sông Mã. Từ đó, ở vị trí “nhị sơn hạ thủy” quân ta đã tấn công khiến kẻ thù không kịp trở tay.
Tưởng nhớ công ơn Mẫu Đệ Tam, người dân làng Phong Mục đã lập đền thờ phụng, tôn kính. Cũng theo người trông coi di tích đền Mẫu, cuối những năm 1990, khi khai thông dòng chảy từ sông Mã ra sông Lèn, người dân đã phát hiện chiếc thuyền gỗ đóng bằng đinh tre ở dưới lòng sông nhắc nhớ tích xưa.
Không gian, kiến trúc cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục
Không phô trương, bề thế, bao đời nay, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục nép mình giữa cảnh non nước, làng mạc, bao gồm: đền Mẫu, đền quan Giám Sát, đền cô Tám và đền Cô Đôi. Các di tích nằm trên một trục đường chính, dựa lưng vào núi, nép mình dưới những tán cây cổ thụ tạo nên cảnh sắc trầm mặc, linh thiêng.
>>> Xem thêm: Lễ hội đền Hàn Sơn - Đặc sắc mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng dân gian
Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục. (Ảnh: Sưu tầm)
Đền Mẫu
Đền Mẫu còn gọi là cung cấm, xưa kia uy nghi tráng lệ và rất sầm uất gồm 5 cung. Thượng điện thờ Tam tòa thánh Mẫu: Thánh Mẫu Liễu Hạnh (áo đỏ) ngồi ở giữa và cao nhất, bên hữu là mẫu Thoải (áo trắng), bên tả là mẫu Thượng ngàn (áo xanh). Cung thứ 2 là ban thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu. Bên tả thờ vua cha Bát Hải (vua nước), bên hữu thờ vua cha Diêm Vương (vua đất). Cung thứ 3 là ban thờ đức thánh. Cung thứ 4 thờ ngũ vị tôn ông. Cung thứ 5 thờ tứ phủ Chầu Bà; do chịu ảnh hưởng ít nhiều của Nho giáo mà các bà hầu như không có tên cụ thể. Tuy nhiên, do công lao của các bà rất lớn nên được Nhân dân thờ phụng, các bà thường được Nhân dân cho là người có công dạy nghề cho họ, có người cầm quân đánh giặc.
Đền Mẫu được trùng tu, tôn tạo theo kiến trúc hình chữ tam với 3 cung: Cung đệ nhất, cung đệ nhị, cung đệ tam. Cung đệ nhất có cấu trúc 5 gian, bốn mái cong có đầu đao. Cung đệ nhị cấu trúc 3 gian theo kiểu thu hồi bít đốc; hệ vì, kèo câu trúc theo kiểu giá chiêng, chồng rường kẻ bẩy. Cung đệ tam cấu trúc 3 gian, 2 tầng mái cong có đầu đao; hệ vì, kèo cấu trúc tương tự như cung đệ nhất, đệ nhị.
Đền quan Giám Sát
Đền quan Giám sát là nơi thờ tứ phủ Ông hoàng, vốn là các Ông hoàng trong đạo Mẫu, hay còn được dân gian gọi là Thập vị ông Hoàng. Trong các ngôi đền hay trong điện thờ ta thấy tượng ông hoàng được tọa dưới hàng Chầu Bà và Ngũ Vị Tôn Quan trên ban thờ Tứ phủ.
Đây là các vị Thánh nam thuộc về bốn phủ: Thiên, Điạ, Thoải và Nhạc. Huyền tích về sự xuất hiện của họ thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang cho đất nước, địa phương nơi họ hiển linh. Ông Hoàng Cả Thượng Thiên là vị Thánh Hoàng thuộc Thiên phủ (miền Trời), trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, ông ngự áo màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ. Ông là Thánh Hoàng rất ít khi giáng đồng. Các ông Hoàng khác đa số là các nhiên thần và nhân thần có công với đất nước, Nhân dân. Ví như ông Hoàng Đôi là vị Thánh hoàng thuộc Nhạc phủ.
Tương truyền, ông là người Mán, có công dẹp giặc cứu nước nên được Nhân dân thờ cúng và tôn sùng. Các huyền tích của ông gắn liền với đền Bảo Hà, Lào Cai. Ông cùng với Ông Hoàng Bảy Bảo Hà dẹp giặc dưới thời vua Lê. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng, ông Hoàng Đôi mặc áo màu xanh lá, tượng trưng cho Nhạc phủ (miền Rừng)...
Đền Cô Tám
Đền Cô Tám là nơi thờ vị “cứu tinh linh thiêng” chuyên chữa bệnh cứu giúp dân lành đã từng lặn lội núi cao, rừng sâu để tìm dược liệu quý. Theo người dân địa phương kể rằng: nhiều người đến đây lễ cầu đã lấy các thứ lá cây quanh đền về chữa khỏi cả bệnh nan y.
Đền cô Tám có kết cấu hình chữ Đinh, theo kiểu tàu đao bốn mái cong (hệ vì, kèo theo kiểu giá chiêng, chồng rường kẻ bẩy). Mái lợp ngói mũi hài, dưới lợp ngói liệt; đối với đao mái đắp gắn hình ba lá, đỉnh mái đắp gắn hình mặt nguyệt...
Đền Cô Đôi
Đền Cô Đôi là nơi thờ hai vị thánh cô. Truyền thuyết kể rằng: Xưa có 2 người con gái, tuổi 19 đôi mươi vì cảnh đời éo le nên không quản gió mưa đến nơi đây cầu Thánh Mẫu. Khi qua sông vì nước lũ dữ quá, họ đã thác xuống dòng sông, dân làng cho đó là người thành tâm với Thánh Mẫu và được Thánh Mẫu mang đi để hầu bảo, Nhân dân đã xây đền thờ cho hai cô bên dòng sông Lèn cách phủ Mẫu khoảng 1km.
Cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục tựa như nét chấm phá. (Ảnh: Sưu tầm)
Nằm trong vùng ngã ba sông “hội sơn tụ thủy”, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng, cụm di tích, thắng cảnh Phong Mục tựa như nét chấm phá khiến cho tổng thể bức tranh thêm phần phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Cụm di tích danh thắng Phong Mục nơi ngã ba sông nước là di sản văn hóa vô giá mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế hôm nay. Tam tòa thánh Mẫu, các vị quan Hoàng, thánh Cô, thánh Cậu... trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là sự kính ngưỡng của con người gửi đến các vị thiên thần, nhân thần... nhằm bày tỏ lòng biết ơn nguồn cội, tiên tổ.