36.com.vn

Chùa Mèo Thanh Hóa - Chốn thiêng yên bình và sự tích 'miêu thần cứu chúa'

Chùa Mèo Thanh Hóa có một lịch sử lâu đời và nhiều câu chuyện tương truyền đầy ý nghĩa về sự kết hợp giữa tôn giáo, văn hóa và lịch sử của người dân nơi miền Tây xứ Thanh.

Chùa Mèo Thanh Hóa.

>>> [BỎ TÚI]: Bản đồ du lịch Thanh Hóa chi tiết nhất

Chùa Mèo Thanh Hóa ở đâu

Chùa Mèo Thanh Hóa, còn được biết đến với tên gọi Đỉnh Miêu Thiền Tự, tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi chùa này không chỉ là một nơi thờ Phật mà còn mang trong mình một phần quan trọng của lịch sử và văn hóa của địa phương. Bên cạnh điện thờ Phật, Chùa Mèo còn thờ Vua và thờ Mẫu.

Chùa Mèo Lang Chánh Thanh Hóa. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Những địa điểm du lịch Lang Chánh nổi tiếng

Chùa Mèo nằm trên địa thế có sự phân bố hợp lý theo lý thuyết phong thủy. Bên tả có dãy núi Pù Bằng, bên hữu có dãy núi Pù Rinh. Trước mặt lại có dòng sông Âm chảy ngang qua.

Lịch sử chùa Mèo Thanh Hóa

Theo truyền thuyết, Chùa Mèo bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ XIII. Công chúa nhà Trần là Chu Huyền đi lánh nạn lên Mường Chếnh có mang theo hai quả chuông và một số người theo hầu. Về Mường Chếnh, công chúa cùng với nhà Lang dựng một ngôi chùa. Khi chùa dựng xong, công chúa Chu Huyền cùng nhà Lang cho rước tượng đá Quan Âm ở miếu làng lên chùa thờ phụng. Để ghi nhớ công ơn của công chúa, nhà Lang báo cho dân biết tên gọi ngôi chùa là chùa Chu. Tiếng tăm chùa Chu ngày càng lan rộng nên dân gian trong vùng có câu ví: “Nhất Hương, nhì Hà, ba Chu”.

Chùa Mèo Thanh Hóa ngày nay. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [GỢI Ý]: Bản đồ du lịch tâm linh Thanh Hóa MỚI NHẤT

Trong thời kỳ Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn (1418), tương truyền có lần Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đi qua vùng chùa Chu, ông đã vào chùa lễ Phật, cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến chống Minh thắng lợi. Tại chùa, Lê Lợi thấy chỉ còn lại một con mèo, còn sư sãi chẳng biết đi lánh nạn về đâu, ông cho lính bắt con mèo mang theo trên đường rút quân vào Hòn Oi. Khi có tin cấp báo, phía sau giặc Minh đang đuổi theo ráo riết nghĩa quân, Lê Lợi thả con mèo ở một rãnh đồi, cách chùa Chu chừng 700m. Ngày nay, nơi này nhân dân vẫn gọi là Hón Bỏ Mèo.

Sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, sắc chỉ cho quan Lê Khả vào Mường Chếnh đốc thúc thổ lang Mường tu sửa lại chùa Chu để thờ phụng Phật. Lê Lợi cho đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo.

Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, đại phá quân Thanh thắng lợi, ông đã chiếu chỉ cho thổ ty lang Mường sửa lại chùa Mèo. Vì thế, chùa Mèo ngoài thờ Phật còn thờ Đức Vua Lê và thờ Vua Quang Trung.

Sự tích 'miêu thần cứu chúa'

Tương truyền vào năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần cùng nghĩa quân lánh nạn đi qua chùa Chu, thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, ông đã sai nghĩa quân bắt theo con mèo cùng đi lánh nạn.

Cũng có tích kể rằng, khi giặc Minh xua quân và chó săn tới vây chùa Chu - ngay chỗ Lê Lợi đang ẩn nấp. Chỉ trong gang tấc là thủ lĩnh Lam Sơn bị phát hiện rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này bỗng dưng có một con mèo từ đâu lao ra, lũ chó săn và quân giặc lùa theo con mèo, Lê Lợi được giải nguy.

Tích xưa cũng kể rằng, đó là một “Miêu thần”, đã ngự ở chùa từ khi công chúa nhà Trần hưng công dựng thiền tự. “Miêu thần” trấn giữ tại ngôi chùa, vừa để bảo vệ vừa để chờ vị “chúa chủ” của núi rừng. Đến khi Lê Lợi xuất hiện, gặp tình thế nguy hiểm thì “Miêu thần” tự xuất hiện để cứu chúa thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.

Tượng Mèo trong chùa. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> XEM THÊM: Những ngôi chùa Thanh Hóa nổi tiếng đẹp và linh thiêng

Vùng chùa Mèo có nhiều địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Minh của anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn như: Núi Chí Linh (dãy Pù Rinh) nơi 3 lần nghĩa quân Lam Sơn rút lui để củng cố, xây dựng lực lượng (hiện nay vẫn còn bia đá ghi lại). Hang Láu, thác Húng, núi đá, hòn bi - nơi xảy ra các trận tây kích của nghĩa quân Lam Sơn.

Sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua và với nỗi nhớ vùng quê, nơi có địa danh chùa Chu độ trì cho sự nghiệp chống giặc toàn thắng. Vua Lê đã sắc chỉ cho quan Lê Khả vào Mường Chanh đốc thúc thổ Lang cùng bà con nơi đây tu sửa, nâng cấp chùa Chu đổi tên thành chùa Mèo - gắn liền với đồi Mèo, với sự tích “Miêu thần”.

Không gian, kiến trúc của Chùa Mèo Lang Chánh

Chùa Mèo nằm trên đồi Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Nằm trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với dãy núi Pù Bằng và Pù Rinh vươn lên hai bên, dòng sông Âm chảy ngang qua phía trước, tạo nên một bức tranh hài hòa, tươi mát và thanh bình.

Không gian trong lành và thanh tịnh của chùa Mèo tạo ra cảm giác bình yên và thư thái cho du khách. Điều này có thể làm cho du khách cảm nhận sự kết nối giữa tâm linh và tự nhiên, và tìm thấy niềm tin và tĩnh lặng trong tâm hồn.

Không gian chùa Mèo Lang Chánh. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> [KHÁM PHÁ NGAY]: Thác Ma Hao Thanh Hóa - 'Nàng tiên' ngủ quên giữa núi rừng

Chùa Mèo được xây cất theo kiểu tam quan và lợp bằng ngói mũi, tạo nên một hình ảnh độc đáo và tráng lệ. Chuông chùa cũng mang trong mình những nét đẹp nghệ thuật của thời kỳ Lê Trung Hưng, với hình ảnh đôi rồng đấu đuôi vào nhau và hoa văn tinh xảo.

Trong chùa, có thờ các pho tượng Phật như Quan Âm, Thích Ca Mâu Ni, và còn thờ các vị thần lịch sử như Trần Hưng Đạo, vua Lê Thái Tổ, vua Quang Trung, Nguyễn Trãi và Lê Thạch. Các pho tượng và tượng thần được tạo hình tỉ mỉ, tạo ra một không gian linh thiêng và thanh tịnh.

Di vật văn hóa tại chùa Mèo Thanh Hóa

Chuông chùa Mèo, miệng loa, uốn cong, giật 2 cấp, mép miệng bằng. Chuông có chiều cao 1,09m, quai chuông cáp 0,3m, đường kính miệng 50m, với chu vi đo được là 1,49m. Quai chuông chùa Mèo là đôi rồng đấu đuôi vào nhau tạo nên dáng cong tròn. Đỉnh quai chuông có hình nậm rượu chia thành nhiều múi nổi dọc xuống thân. Thân Rồng mập, đầu ngẩng cao, mắt tròn dẹp, mũi to, miệng há rộng và ngậm viên ngọc. Bờm tóc rồng bay tua tủa hình lưỡi mác, hình dấu hỏi (?). Đặc biệt hai râu trước cuộn xoắn ốc ở hai khửu chân trước. Toàn thân rồng là lớp vẩy kép. Vây lưng hình ngọn lửa cuộn theo hình quai chuông. Phần ức và gần được rồng kéo dài kết hợp bốn chân chống vuông góc gắn chặt với đỉnh chuông bởi ba móng dài sắc nhọn cong quặp chắc chắn.

>>> XEM THÊM: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm

Chuông chùa Mèo (Ảnh: Sưu tầm)

Chuông chùa Mèo là một biểu tượng quan trọng thể hiện tâm linh và giá trị lịch sử. Chuông lớn với hình ảnh rồng đấu đuôi vào nhau và các hoa văn tinh xảo, mang trong mình những bài minh tôn vinh giá trị tâm linh của chuông và vẻ đẹp kiến trúc của chùa.

Chùa Mèo - Địa điểm du lịch tâm linh

Chùa Mèo cách trung tâm TP. Thanh Hoá 110 km về phía Tây. Trải qua bao thăng trầm, nơi đây trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá, tâm linh của nhân dân trong vùng, là nơi giáo dục đạo đức hướng thiện cho tất cả mọi người đồng thời là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện bề dày văn hoá, lịch sử của địa phương. Đây cũng là điểm du lịch văn hóa tâm linh trong tuyến du lịch số 5 của tỉnh Thanh Hóa.

Lễ hội truyền thống chùa Mèo vào ngày mùng 6 - 7 tháng Giêng hàng năm thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh và du khách thập phương tham dự.

Chùa Mèo - điểm du lịch tâm linh. (Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Mèo Thanh Hóa không chỉ là một điểm đến cho những người sùng Đạo Phật mà còn là một bức tranh hòa quyện giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên. Chùa Mèo trở thành một điểm du lịch độc đáo và hấp dẫn trong tuyến du lịch miền Tây Thanh Hóa.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.