36.com.vn

Đền Đồng Cổ Thanh Hóa - Điểm đến tâm linh và nguồn cội

Đền Đồng Cổ Thanh Hóa là một trong những di tích lịch sử – văn hóa ở xứ Thanh, nơi vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có những huyền thoại gắn với nhiều giai đoạn trong lịch sử đất nước.

Đền Đồng Cổ - Hồn thiêng nguồn cội xứ Thanh

Đền Đồng Cổ ở đâu?

Đền Đồng Cổ Thanh Hóa là một trong những di tích lịch sử – văn hóa, địa điểm du lịch huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, cách TP. Thanh Hóa 40 km về phía Tây Bắc. Đền tọa lạc trên chân núi Khả Lao, nằm trong quần thể di tích núi Tam Thai, chùa Thanh Nguyên, Quán Triều Thiên, hồ Bán Nguyệt, Bến Trường Châu, hang động thông với sông Mã thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với các di tích: Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Núi Đọ, Núi Nưa…, đền Đồng Cổ Thanh Hóa là điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa và về nguồn, tạo thành quần thể di tích lịch sử – văn hóa Nổi tiếng của xứ Thanh có bề dày truyền thống từ lâu đời.

Vẻ đẹp nên thơ, non nước hữu tình tại đền Đồng Cổ. ̣(Ảnh: Sưu tầm)

>>> [Khám phá ngay]: Làng du lịch Yên Trung Thanh Hóa

Di chuyển đến đền Đồng Cổ

Du khách từ TP. Thanh Hóa, ngược Rừng Thông, qua cầu Vạn Hà (sông Chu), đến thị trấn Quán Lào, đi chừng 12km là đến với đền Đồng Cổ ở thôn Đan Nê, xã Yên Thọ. Nơi vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có những huyền thoại gắn với nhiều giai đoạn trong lịch sử đất nước.

Huyền thoại thần Đồng Cổ Thanh Hóa

Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê – Trịnh (1630), miếu được Xây dựng khang trang, to đẹp hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ – vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn.

Trung điện Đền Đồng Cổ, nơi thờ thần Đồng Cổ linh thiêng. (Ảnh: Sưu tầm)

Phải nói rằng, hiếm có một di tích nào ở xứ Thanh có lịch sử lâu đời gắn liền với những huyền thoại và nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước như Đền Ðồng Cổ Thanh Hóa. Tương truyền, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Ðồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần nơi đây báo mộng. Quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế vững chãi từ sức mạnh đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên linh thiêng.

Lịch sử đền Đồng Cổ

Theo bảng thuyết minh treo ở Thượng Điện: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê – Trịnh (1630), miếu được Xây dựng khang trang, to đẹp hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ – vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp vua Lê-chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước…”.

Đền Đồng Cổ Thanh Hóa có kiến trúc cổ kính, độc đáo. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Danh thắng Kim Sơn - Chốn bồng lai tiên cảnh tại xứ Thanh

Đặc biệt, vào thời nhà Lý, thần Đồng Cổ đã hai lần giúp vua, cứu nước thoát cảnh lâm nguy. Năm 1020, thần hiển linh giúp thái tử Lý Phật Mã thắng lớn, đánh tan giặc Chiêm Thành. Lúc khải hoàn về qua bến Trường Châu, thái tử dừng chân vào đền lễ tạ thần và xin rước thần về Kinh giữ nước hộ dân. Còn đang băn khoăn chưa biết chọn nơi nào để xây dựng đền thì được thần về báo mộng “xin lập đền ở bên hữu trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử y lời cho xây dựng đền, nay là đền Đồng Cổ thuộc phố Thụy Khê, phường Bưởi, TP. Hà Nội).

Thời vua Hùng, đền Đồng Cổ chỉ có một chánh tẩm với 2 dãy nhà 2 gian. Trong chánh tẩm không thờ gì ngoài một hòn đá, cửa chỉ là cửa tò vò, một năm, đền từ và trưởng làng chỉ được phép mở cửa hai lần vào ngày 30 tết và ngày lễ hội.

Nghinh môn dẫn vào đền được ghép bằng những khối đá vuông vức (không dùng vữa), cuốn thành vòm tò vò.(Ảnh: Sưu tầm)

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, có thời kỳ, đền Ðồng Cổ từng có 38 gian, Nghinh môn gồm 3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15 (thời Lê), cao 9m, rộng 3m, được ghép bằng những khối đá vuông vức, cuốn thành vòm tò vò. Đền có kết cấu “Tiền nhất – Hậu đinh”, gồm: Tiền đường, chính tẩm, nhà cầu và thượng điện.

Kiến trúc và không gian đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ Thanh Hóa có kiến trúc cổ kính, độc đáo: Nhà tiền đường kết cấu 5 gian, kiến trúc hai tầng mái. Qua tiền đường là chính tẩm, rộng ba gian, có kết cấu giáp mái với tiền đường. Sau cùng là hậu cung, lưng dựa vào vách núi, được bố cục gọn gàng với lối kiến trúc cổ kính. Điều đặc biệt là trống đồng - linh vật mang tính biểu tượng của ngôi đền - đều được đặt ở vị trí trang trọng ở tiền đường, trung đường và hậu cung.

Phía trước đền là hồ bán nguyệt bốn mùa nước trong xanh bát ngát. (Ảnh: Sưu tầm)

Trước mặt đền là hồ Bán Nguyệt với màu nước xanh ngọc bích. Ông Trịnh Trọng Tấn- chủ từ đền cho biết:" Hồ Bán Nguyệt chính là tấm gương trời, quanh năm đầy nước không bao giờ vơi”. Ngoài ra đền còn được ba ngọn núi bao quanh, sau lưng núi là sông Mã với bến Trường Châu... cả không gian, cảnh sắc ấy như gợi mở về truyện xưa tích cũ, những câu chuyện về núi và thần Đồng Cổ cũng theo dòng thời gian, lịch sử mà hiện ra đầy huyền bí, linh thiêng.

Với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc, năm 2001, đền Đồng Cổ được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đây là điểm du lịch Thanh Hóa gắn với các mốc sự kiện quan trọng của tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài đền chính ở Đan Nê, trong cả nước còn có 3 ngôi đền mang tên Đồng Cổ, cùng thờ thần núi Khả Lao Thôn và thần Trống Đồng, đó là: Đền Đồng Cổ ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa; đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội và đền Đồng Cổ tại Nguyên Xá, Từ Liêm, Hà Nội.

Đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Sưu tầm)

Năm 2010, di tích đền Đồng Cổ được UBND TP Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; năm 2019, huyện Yên Định đã tổ chức lễ hội đền Đồng Cổ chào mừng kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa; năm 2022 thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo huyện đã trao Quyết định công nhận điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ (Yên Định).

Lễ hội đền Đồng Cổ

Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ tại Đan Nê vẫn duy trì được những một phong tục truyền thống. Trước khi lễ hội diễn ra, ngày 12 tháng 3 âm lịch, người dân tổ chức lễ đốt áo thủy bào cho thần. Ngày 15 tháng 3 âm lịch là chính lễ rước thần.

Hàng năm lễ hội đền Đồng Cổ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/3 âm lịch. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Lam Kinh - Cố đô cổ xưa ở xứ Thanh

Trong buổi lễ, tất cả mọi người đều được hòa mình vào các trò chơi dân gian như kéo co, đua thuyền rồng, chọi gà, đánh cờ tướng,…Lễ hội Đền Đồng Cổ là dịp giúp du khách thập phương hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công ơn thần trống đồng, biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, đền Đồng Cổ và lễ hội đền Đồng Cổ Thanh Hóa vẫn vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn, trở thành minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên đất nước ta; là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quật cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Vì vậy, nếu có dịp đến thăm mảnh đất xứ Thanh, du khách có thể lên lịch trình để đến với ngôi đền Đồng Cổ, lắng nghe những những huyền thoại gắn với các triệu đại trong lịch sử Việt Nam..

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.