36.com.vn

Thanh Hóa có thêm 03 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 3 lễ hội truyền thống của tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, 3 lễ hội truyền thống của tỉnh Thanh Hóa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Mường Khô, thuộc các xã Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng, huyện Bá Thước; Lễ hội Sết Boóc Mạy, xã Cán Khê, huyện Như Thanh; Lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân.

Lễ hội Mường Khô, xã Điền Trung, xã Điền Lư, xã Điền Quang, xã Điền Hạ, xã Điền Thượng, huyện Bá Thước

Lễ hội Mường Khô được đồng bào Mường tại làng Muỗng Do, xã Điền Trung, huyện Bá Thước và các vùng lân cận tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm với ý nghĩa để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

le hoi muong kho

Nghi lễ rước kiệu Mường Khô. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm

Lễ hội được những người có uy tín trong làng và nhân dân trong Mường chuẩn bị chu đáo với những đồ lễ tế như: trâu, lợn, gà, cá, bánh chưng, rượu, gạo, hoa quả… được sắp thành 18 mâm cỗ (10 mâm cỗ mặn, 2 mâm bánh chưng và 6 mâm ngũ quả).

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, người dân Mường Khô chọn giờ đẹp tiến hành nghi lễ rước kiệu ra Chùa Mèo - nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ Hà Công. Dẫn đầu đoàn rước là đội cồng, chiêng vừa đi vừa diễn tấu, sau là chấp kích, bát bửu, kiệu long đình có lọng che.

le hoi muong kho 1

Toàn cảnh rước kiệu Mường Khô. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Lễ hội Pồôn Pôông - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường xứ Thanh

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: Dâng hương tri ân công lao của Quận công Hà Công Thái, rước kiệu, biểu diễn cồng chiêng và các hoạt động văn hóa-thể thao nhằm thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham gia, như đua thuyền, đánh mẳng, tung còn, chọi gà...

Tại Lễ hội, dàn hợp xướng với 260 chiếc cồng chiêng do 260 phụ nữ dân tộc Mường trong trang phục truyền thống cùng tham gia diễn xướng vang vọng núi rừng, tạo nên nét độc đáo, bản sắc, hấp dẫn của Lễ hội Mường Khô.

Lễ hội Sết Boóc Mạy, xã Cán Khê, huyện Như Thanh

Cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người Thái ở Như Thanh (Thanh Hóa) và các vùng phụ cận lại nô nức, diện cho mình bộ váy đẹp nhất để tham gia Lễ khai hội Sết Boóc Mạy. Đây là hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc, quan trọng bậc nhất của người Thái.

le hoi set booc may 1

Dệt vải, quay tơ của người Thái. (Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Như Thanh hấp dẫn

Boóc Mạy là cây hoa tượng trưng cho đất, trời, thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông muôn hoa, muôn vẻ, vạn vật sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở, cầu thần phù hộ tạo phúc cho dân, mọi người đều bình an, khỏe mạnh. Người dân tộc Thái luôn mong muốn được tận hưởng những gì tốt đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng, lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.

le hoi set booc may 2

Tiết mục hát dưới cây bông. (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội là dịp tái hiện một phần đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập mó đến nay, thông qua những làn điệu dân ca dao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện với nhau.

le hoi set booc may 3

Nhiều hoạt động văn nghệ đặc sắc. (Ảnh: Sưu tầm)

Các nghi thức cúng mó nước, cúng thần linh và chương trình biểu diễn nghệ thuật hát múa dưới cây bông được diễn đầy đủ. Thú vị nhất là các tiết mục Dựng cây hoa; Lễ cầu mưa; Dệt vải quay tơ, thêu thùa; Đưa hoa về Mường trời; Múa khan, nhảy sạp, uống rượu cần; Tổ chức các trò chơi dân gian, liên hoan văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái.

Lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân.

Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Ván xưa (nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) diễn ra vào ngày 6/1 Âm lịch hàng năm.

Lễ hội Nàng Han 1

(Ảnh: Sưu tầm)

>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Thường Xuân không nên bỏ lỡ

Lễ hội gồm hai phần: Tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ thôn Lùm Nưa vào trong hang Mường để tế Nàng Han và các thần linh cai quản bản mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Nàng Han 2

(Ảnh: Sưu tầm)

Phần hội diễn ra ở ngoài hang Mường. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa và tham gia các trò chơi dân gian như đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tò lẹ, tung còn... Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân. Thông qua lễ hội, nhân dân trong xã được giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.

Lễ hội Nàng Han 3

(Ảnh: Sưu tầm)

Việc các lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa nói chung, các huyện Bá Thước, Như Thanh và Thường Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các địa phương, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển.

 

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.