36.com.vn

Lễ hội Mường Xia - Nét đẹp đặc sắc của đồng bào Thái Thanh Hóa

Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội gắn liền với công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào, người có công diệt trừ quân xâm lược mang lại cuộc sống thanh bình, ấm no cho người dân dọc biên giới phía tây Thanh Hoá.

le hoi muong xia 4

Rước Hòn Đá Vía lên đền thờ Tư Mã Hai Đào.

>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Quan Sơn hấp dẫn

Lễ hội Mường Xia tổ chức khi nào?

Theo truyền thống, lễ hội Mường Xia được diễn ra trong cả 2 ngày Mùng 9 và Mùng 10 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực cố gắng của chính quyền các cấp và Nhân dân huyện Quan Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Quan Sơn, Thanh Hoá.

le hoi muong xia 2

Nghi thức rước kiệu, dâng lễ tại Lễ hội Mường Xia.

Đây là hoạt động văn hoá tâm linh của cộng đồng người Thái, lễ hội là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với tướng quân Tư Mã Hai Đào. Đây là người đã có công lao trong công cuộc diệt trừ quân xâm lược, giữ bình yên và cuộc sống ấm no cho người dân xứ Thanh.

Truyền thuyết Tướng quân Tư Mã Hai Đào

Theo Dư Địa chí huyện Quan Sơn, Tướng quân Tư Mã Hai Đào là người họ Hà, sinh ra ở Mường Đào thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ông mồ côi cha mẹ từ rất sớm, lúc còn nhỏ ông là đứa trẻ thông minh, đam mê luyện tập bắn cung, mài kiếm.

le hoi muong xia 8

Nhiều lễ vật được dâng lên tưởng nhớ công lao của Tướng quân Tư Mã Hai Đào.

>>> Bỏ túi: Các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm

Lớn lên Tư Mã Hai Đào có vóc dáng lực lưỡng, tướng mạo phi phàm, giỏi võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ hiền tài, phò vua diệt giặc cứu nước, ông được quan Lang cho theo đến kinh kỳ tham gia hội thi đấu võ. Võ đài năm ấy, ông liên tục thắng cuộc trước sự thán phục của nhiều người.

Tiếng lành đồn xa, cái tên Hai Đào gắn liền với tướng mạo phi phàm, tinh thông võ nghệ đã làm rung động trái tim con gái nhà vua. Con gái nhà vua đã đem lòng yêu mến Tư Mã Hai Đào, nhà vua đã tác hợp cho hai người và yêu cầu thầy đồ dạy chữ cho con rể. Được học chữ và thường xuyên tập luyện võ, ông trở thành người văn võ song toàn.

le hoi muong xia 5

Nghi thức rước kiệu, dâng lễ tại Lễ hội Mường Xia.

Cũng vào thời điểm này, giặc phương Bắc đang rình rập biên giới đất liền miền Tây xứ Thanh, Tư Mã Hai Đào đã xin cấp binh mã, vũ khí, lương thực để lên trấn ải vùng biên cương. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, ông triệu tập thêm binh lính, chuẩn bị lương thực, rèn thêm vũ khí rồi đưa quân lên biên giới (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Đoàn quân đã chiến đấu anh dũng và giành chiến thắng, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, biên giới thanh bình, Tư Mã Hai Đào đã chọn Mường Xia làm thủ phủ. Từ đó, Mường Xia trở nên sầm uất, dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động giao thương trở nên tấp nập. Khi về già, ông mất tại Mường Xia, người dân an táng ông tại núi Pha Dùa.

Lễ hội Mường Xia - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Theo truyền thống, lễ hội Mường Xia được diễn ra trong cả 2 ngày Mùng 9 và Mùng 10 tháng 2 Âm lịch, gồm có phần lễ và phần hội.

le hoi muong xia 7

Lễ cúng tế hòn đá vía.

>>> Xem thêm: Lễ hội Pồôn Pôông - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường Xứ Thanh

Phần lễ là những lễ nghi được thể hiện tại 5 điểm thờ cúng (gồm: địa điểm đặt Hòn Đá Vía để cầu mong thần giữ cho Mường Xia được vía yên, vía khỏe; Đền Chính thờ thần Tư Mã; Xứa Tú Nặm - nơi núi Pha Dùa để xin thần mở cửa cho Nhân dân vào Mường Xia xem hội; Sần Cuống Xộp Xia để cúng lễ cho binh lính của thần bị chết trận; Và cuối cùng là Sần Phiềng Phay- cúng cho người lính của thần bị hổ ăn thịt trong khi làm nhiệm vụ.

Phần hội là một Chương trình nghệ thuật bản sắc văn hóa dân tộc (Hát khặp, đánh trống chiêng, Bom bo, nhảy sạp, khua lóng,…) cùng với trò chơi dân gian và hiện đại như tung còn, tó mác lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và bóng chuyền.

le hoi muong xia 3

Đẩy gậy, thể hiện tài năng, trí thông minh, sự khéo léo, nhanh nhẹn và tinh thần thượng võ thông của đồng bào dân tộc.

Ngày nay, Lễ hội Mường Xia không chỉ thu hẹp ở đồng bào dân tộc Thái thuộc xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn), lễ hội còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường huyện Quan Sơn và Mường Đào, huyện Bá Thước (quê hương của Tư Mã Hai Đào), Mường Bén và Mường Xôi của nước bạn Lào

Vừa qua lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

le hoi muong xia 6

Nhiều hoạt động nghệ thuật được tổ chức ở Lễ hội Mường Xia.

Trải qua hàng trăm năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Mường Xia vẫn được gìn giữ và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội này góp phần to lớn trong việc hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của người Thái Mường Xia. Nếu bạn đang muốn một lần trải nghiệm không gian văn hoá của lễ hội đặc sắc này, hãy cùng đến huyện Quan Sơn vào Mùng 9 và Mùng 10 tháng 2 Âm lịch hằng năm bạn nhé!

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

TOUR DU LỊCH

Các gói tour du lịch hấp dẫn tại Thanh Hóa!

36.com.vn

Địa chỉ: 36.com.vn - TP. Thanh Hóa.

Hotline: 02373.55555

Email: [email protected]

MẠNG XÃ HỘI

Facebook page

Youtube

Zalo chat

LIÊN HỆ HỖ TRỢ

Thứ 2 - Thứ 8: 8h00 - 17h30

Website: 36.com.vn

Đường dây nóng: 02373.55555

Copyright @36.com.vn. All right reserved.