Đắm say cảnh sắc thiên nhiên đèo Ba Dội. (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem thêm: Những địa điểm du lịch Bỉm Sơn hấp dẫn nhất
Con đường thiên lý năm xưa
Đèo Ba Dội là địa danh nằm trong vùng "nhất bách lục sơn", (tức dải núi có 106 ngọn) thuộc dải Tam Điệp hùng vĩ, trùng điệp - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.
Quang cảnh thiên nhiên hữu tình đứng trên đèo Ba Dội nhìn về phía Tam Điệp (Ninh Bình) những ngày nắng đẹp. (Ảnh: Tuấn Minh)
>>> Không thể bỏ qua: Đền Sòng Sơn - Ngôi đền thiêng nhất xứ Thanh
Từ trước thập niên đầu của thế kỷ XX, con đường thiên lý từ Bắc vào Nam qua đoạn này không phải là con đường quốc lộ đi qua Dốc Xây hiện nay mà là chạy vòng qua thung lũng ở phía Đông dãy núi Dốc Xây và phải trèo qua 3 ngọn đèo mà bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã tả “Một đèo, một đèo lại một đèo...” Vì vậy có tên là đèo Ba Dội, viết theo chữ Hán là Tam Điệp. Theo Thượng Kinh ký sự của Lê Quý Đôn thì phải “Bắt đầu trèo từ lúc gà gáy tàn canh mãi cho đến khi mặt trời lặn mới xuống đến khỏi núi”.
Đoạn đường thiên lý đi qua đây hiểm trở, có dạng thắt cổ bầu, uốn lượn, len lỏi qua những khe núi vách đá dựng đứng là một địa thế chiến lược vô cùng lợi hại, đó chính là phòng tuyến Ba Dội.
Nhà bia đèo Ba Dội
Với chiều dài gần 4 km, con đường quanh co uốn lượn qua bãi lau lách, hai bên đường là dãy núi đá sừng sững thâm nghiêm, vượt qua ba ngọn núi đất, du khách đến với Nhà bia Ba Dội trên đỉnh đèo.
Đèo Ba Dội có một địa thế chiến lược vô cùng lợi hại.
>>> Xem thêm: Đền Cô Chín Thanh Hóa - Ngôi đền linh thiêng xứ Thanh
Bên trong nhà bia Ba Dội có tấm bia đá khắc bài thơ của vua Thiệu Trị khi đi kinh lý qua đây (1842) ghi lại với hậu thế muôn đời cảnh đẹp vốn có của Đèo Ba Dội - Đường Thiên Lý – Hồ Cánh Chim:
Nội dung bài thơ đó như sau:
“Giữa lối xanh um núi chất chồng
Tâng tầng phóng bước cõi Cầu Long
Chẵng như Vương ốc chừa lối tắt
Còn giống La Phù biệt lối thông
Đón gặp thần xa xuôi một ngọn
Vươn cao trùng điệp biết bao vòng
Thanh, Ninh hai trấn đây ranh giới
Đức diệu kỳ quan lượn khắp vòng”.
Đỉnh đèo Ba Dội
Trên đỉnh đèo Ba Dội, hơn hai trăm năm trước nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã từng đến và để lại bài thơ độc đáo “Đèo Ba Dội”:
Một đèo một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Bậc đá xanh rì lún phún rêu
Léo lắt cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt thông gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chùn chân vẫn muốn trèo.
>>> Khám phá: Huyền ảo động cửa buồng xứ Thanh
Đứng trên đỉnh đèo Ba Dội nhìn xuống, thu vào tầm mắt là điệp trùng núi non. Thoai thoải phía dưới, những đồi dứa, vườn cây ăn trái xanh ngút ngàn...
Đứng trước cảnh sắc thiên nhiên "hòa nhịp" trong "bức tranh" lao động, ta thấy lòng mình không khỏi rung động. Tự hỏi, có phải tạo hóa cũng "hữu ý" trong những sắp đặt để bao thế hệ con người cần lao nương theo đó mà gieo trồng, vun đắp.
Đặc biệt, từ đèo Ba Dội phóng tầm mắt về phía Đông Bắc, du khách "bắt gặp" hồ Cánh Chim với một hệ động, thực vật phong phú, với diện tích 201.000m2 và 33.000m3 nước trữ lượng.
Hồ Cánh Chim
Từ trên cao nhìn xuống hồ Cánh Chim, ta càng cảm phục người xưa bởi sự tinh tế trong từng tên gọi. Mặt hồ tĩnh lặng và trong xanh một màu ngọc bích. Dáng hình như chú chim khổng lồ đang sẵn sàng tung cánh bay lên.
>>> Dắt túi: Bản đồ du lịch xứ Thanh Chi Tiết Nhất
Lên đèo Ba Dội, đứng giữa một vùng không gian thiên nhiên cao xanh và rộng lớn, không xa phía dưới là hồ Cánh Chim tĩnh lặng... ta thấy lòng mình như rộng mở với những xúc cảm thật đặc biệt, dường như vẫn vang vọng đâu đây tiếng thơ của Đại thi hào Nguyễn Du từ thuở nào:
"Đạp mây núi Ba Dội
Kẻ lãng khách lại qua,
Trong mắt thu đất lớn
Ngoài khơi thấy biển xa..."
Lên đèo Ba Dội, đứng giữa một vùng không gian thiên nhiên cao xanh và rộng lớn, không xa phía dưới là hồ Cánh Chim tĩnh lặng... ta thấy lòng mình được rộng mở với những xúc cảm thật đặc biệt. Có điều gì đó, như “gạch nối” giữa quá khứ - hiện tại và tương lai vẫn đang được viết nên, bởi lòng biết ơn và trân trọng.