Mâm ngũ quả đẹp ngày Tết là truyền thống lâu đời của người dân đất Việt (Ảnh: Sưu tầm)
Mâm ngũ quả ngày Tết là một trong những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây khác nhau với nhiều màu sắc rực rỡ, tượng trưng cho mong muốn về một năm mới tốt lành của gia chủ.
1. Truyền thống bày mâm ngũ quả ngày Tết ở Việt Nam
Ý nghĩa của mâm ngũ quả là gì? Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam trong dịp Tết Âm lịch hằng năm, bày tỏ mong muốn vào một năm mới phúc lộc, ấm no, may mắn.
Mâm ngũ quả được gồm 5 loại quả khác nhau. Tùy vào từng vùng miền mà gia chủ sẽ chọn lựa được mâm ngũ quả phù hợp với gia đình. Trưng bày mâm ngũ quả là một trong những hoạt động trang trí Tết phổ biến của người dân Việt.
Những mâm ngũ quả đủ sắc màu không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán (Ảnh: Sưu tầm)
Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ lễ Vu Lan của đạo Phật. Hình ảnh mâm ngũ quả - “trái cây 5 màu” xuất hiện trong kinh Vu Lan Bồn (Ullambana Sutra). Theo quan niệm nhà Phật, “trái cây 5 màu” là biểu tượng của “ngũ thiện căn”: tín căn - lòng tin, tấn căn - ý chí kiên cường, niệm căn - ghi nhớ, định căn - tâm không loạn, huệ căn - sáng suốt.
PGS.TS Nguyễn Huy Thiệu - nguyên phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho hay, sở dĩ là 5 loại quả bởi vì theo quan niệm dân gian đó là ngũ hành, ứng với sinh mệnh con người. Số 5 là số lẻ, thuộc dương, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, phát triển.
Với người Việt, số 5 trong mâm ngũ quả còn biểu tượng cho mong muốn được “ngũ phúc lâm môn” - đón ngũ phúc vào nhà:
- Phú quý - sung túc, giàu có, sang trọng
- Trường thọ - sống lâu, sống thọ
- Khang ninh - khỏe mạnh, an lành, yên vui
- Hảo đức - phẩm hạnh tốt đẹp, nhân từ, lương thiện
- Thiện chung - may mắn, không gặp tai họa bất ngờ, không đau đớn hay khổ sở
Mâm ngũ quả ngày Tết là biểu tượng của may mắn, tốt lành, phát tài phát lộc (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem ngay các lễ hội Thanh Hóa truyền thống trong năm
2. Những điều cần biết khi bày mâm ngũ quả
Để có được mâm ngũ quả tươm tất, đủ đầy, bạn cần lưu ý những điều dưới đây.
2.1. Cách chọn hoa quả để bày
Mâm ngũ quả ngày Tết gồm những gì? Tùy vào từng vùng miền, địa phương, gia chủ sẽ chọn lựa 5 loại trái cây với 5 sắc màu khác nhau để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc để ở ngoài phòng tiếp khách.
Khi chọn trái cây để bày lên mâm ngũ quả, bạn nên chọn những quả chín vừa tới hoặc quả ương, chọn quả chắc tay, không trầy xước, còn cuống xanh. Để có một mâm ngũ quả đẹp, bạn nên mua các quả có màu sắc rực rỡ và tươi mới.
Chọn những loại trái cây tươi mới, nguyên vẹn để bày trong mâm ngũ quả (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Bỏ túi ngay Top 10 địa điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa đầu xuân nổi tiếng
2.2. Những điều kiêng kỵ khi xếp mâm ngũ quả ngày Tết
Khi trưng bày mâm ngũ quả, bạn nên lưu ý:
- Người miền Nam thường kiêng cúng táo, lê, chuối… vì theo họ đây là những loại quả mang ý nghĩa không tốt cho công danh sự nghiệp
- Không chọn những quả chín quá vì rất dễ hư hỏng - điềm không may trong năm mới
- Bạn cần chuẩn bị mâm ngũ quả trước đêm 30 Tết
- Không sử dụng trái cây giả trong mâm ngũ quả
Không nên dùng những loại quả quả chín (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Lưu ngay Bản đồ du lịch Thanh Hóa chi tiết nhất để có những chuyến đi trọn vẹn
3. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết CHUẨN từng miền
Tùy theo từng nơi sẽ có cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số cách bày trí của ba miền ngay dưới đây.
3.1. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
Đặc điểm mâm ngũ quả của miền Bắc:
Với miền Bắc, mâm ngũ quả thường tuân theo ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Mâm ngũ quả theo phong thủy sẽ được phối theo 5 màu: Kim - màu trắng, mộc - xanh lá, thủy - màu đen, hỏa - màu đỏ, thổ - màu vàng. Mâm ngũ quả miền Bắc thường có:
- Chuối xanh, bày theo nải là biểu tượng của sự quây quần, sum vầy
- Bưởi vàng - biểu tượng của sự sung túc, giàu có, may mắn
- Phật thủ - loại quả có hương thơm dịu nhẹ, lưu giữ thần Phật
- Quất cảnh, ớt đỏ được trang trí xung quanh, tô điểm thêm sắc vàng, đỏ rực rỡ
- Dứa với hương thơm nồng nàn, thể hiện ước mơ cho năm mới an lành, khỏe mạnh…
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc:
Trong mâm ngũ quả ở miền Bắc, nải chuối xanh - tượng trưng cho hành mộc thường được đặt ở dưới cùng để đỡ lấy các loại quả khác. Nải chuối như một bàn tay nâng đỡ, che chở cho gia chủ.
Quả phật thủ, bưởi vàng - tượng trưng cho hành thổ thường được đặt ở chính giữa nải chuối. Các loại hoa quả còn lại như ớt đỏ - tượng trưng cho hành hỏa, đào, lê - hành kim được bày trí xung quanh mâm ngũ quả sao cho hài hòa, cân đối. Người miền Bắc thường kiêng dùng các loại quả có gai nhọn, có mùi hay thân xù xì vì theo quan niệm, chúng sẽ mang lại vận rủi cho gia chủ.
Các loại trái cây bày trong mâm ngũ quả sẽ được chọn theo số lẻ, xếp đan xen và so le với nhau. Hoa quả mua về không nên rửa qua nước mà chỉ nên lau nhẹ nhàng để quả tươi lâu.
Mâm ngũ quả ngày Tết mang đậm dấu ấn Bắc Bộ (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem ngay: Du lịch Tết ở Thanh Hóa - Các địa điểm được gợi ý hàng đầu
3.2. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
Đặc điểm mâm ngũ quả của miền Trung:
Mảnh đất miền Trung thường gặp bão lũ, hạn hán và nhiều thiên tai nên các loại trái cây không được phong phú như nhiều nơi khác. Chính vì vậy, mâm ngũ quả ngày Tết tại miền Trung thường khá đơn giản và là sự giao thoa của hai miền Bắc - Nam. Những loại trái cây này thường là cây nhà lá vườn, mùa nào thức nấy, miễn là gia chủ thành tâm.
Tại miền Trung, trong mâm ngũ quả thường có:
- Cam - tượng trưng cho sự thành đạt
- Dừa - có nghĩa không thiếu, chuối - có ý che chở, sự sung túc, đùm bọc và gắn kết
- Xoài - cầu mong cho việc tiêu xài vừa đủ
- Đu đủ - thịnh vượng, đủ đầy
- Quýt - mang lại sự thành công, thành đạt trong năm mới
- Thanh long - ngụ ý rồng mây gặp hội, dứa, mãng cầu, sung, dưa hấu…
Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung:
Cách trang trí của người miền Trung khá đơn giản và không cầu kỳ. Họ sẽ đặt những quả to, nặng ở dưới cùng, những quả nhỏ được xếp đan xen lẫn nhau để tạo nên sự hài hòa hoàn hảo.
Mâm ngũ quả miền Trung là sự giao thoa văn hóa của hai miền Bắc - Nam (Ảnh: Sưu tầm)
3.3. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
Đặc điểm mâm ngũ quả của miền Nam:
Vùng đất Nam Bộ thường rất cầu kỳ trong việc ăn uống và trang trí mâm ngũ quả. Người dân miền Nam thường chỉn chu, cẩn thận khi chọn hoa quả và tránh những loại quả có phát âm không tốt như lê (lê lết, dễ thất bại), chuối (chúi nhủi, không phất lên được), quýt (quýt làm cam chịu), táo - người miền Nam thường gọi là quả “bom”, sầu riêng - loại quả này có cái tên với ý nghĩa khá buồn…
Người miền Nam ít chú ý tới màu sắc mà thường chọn quả theo cách phát âm. Theo Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, mâm ngũ quả tại mảnh đất Nam Bộ sẽ gồm những quả tương ứng với cách phát âm “cầu sung vừa đủ xài” và có thể thêm trái dứa để thể hiện sự vững chãi, mong muốn con cháu đầy nhà.
Với mong muốn một năm sung túc, người miền Nam sẽ bày trí mâm ngũ quả ngày Tết cầu, dừa, đủ, xoài với các loại quả quen thuộc như:
- Mãng cầu - cầu chúc những điều tốt đẹp
- Sung - mong muốn sung túc
- Dừa - có âm tương tự như “vừa” với nghĩa không thiếu
- Đu đủ - mang lại sự phồn thịnh, đủ đầy
- Xoài - có âm na na như “xài” với ý nghĩa cả năm tiêu xài không thiếu thốn
- Đặc biệt, mâm ngũ quả của miền Nam thường có thêm cặp dưa hấu - tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy
Cách làm mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam:
Người miền Nam thường xếp các quả nặng, to và màu xanh ở phía dưới. Bên trên là những quả chín, nhỏ xen kẽ nhau. Đặc biệt, họ thường trang trí mâm ngũ quả giống như một ngọn tháp. Hai bên mâm ngũ quả là cặp dưa hấu đẹp mắt.
Mâm ngũ quả ngày Tết tại miền Nam thường có thêm cặp dưa hấu (Ảnh: Sưu tầm)
>>> Xem ngay: Cẩm nang du lịch Thanh Hóa
Dịp lễ Tết còn là thời điểm để gia đình quây quần, có thời gian nghỉ ngơi và sum họp bên nhau. Gia đình có thể đổi gió đi du lịch vào dịp Tết và tận hưởng những khoảnh khắc gắn kết, sum vầy đầy ý nghĩa. Thanh Hóa hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn cùng những người thân yêu một kỳ nghỉ trong mơ đầy hứng khởi vào dịp đầu năm.
Tết Nguyên đán 2024 đã chực gõ cửa từng nhà, mang đến những giây phút sum vầy, quây quần đáng nhớ. Nhìn thấy mâm ngũ quả là thấy xuân đang về. Mặc dù phong tục mỗi miền mỗi khác nên sự bày trí mâm ngũ quả ngày Tết cũng có chút khác biệt nhưng đều thể hiện tấm lòng thành kính của người dân Việt Nam với tổ tiên, cha ông, đất trời và mong muốn cho một năm mới đủ đầy, ấm no, thịnh vượng.